'Lá chắn cuối cùng' của chiến hạm Trung Quốc không hề mạnh như quảng cáo?

Hiện nay Hải quân Trung Quốc đang tích hợp hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn HHQ-10 lên tất cả những tàu chiến mặt nước tối tân nhất của họ.

 HHQ-10 (Hai Hong Qi 10 - Hải Hồng Kỳ 10) là hệ thống phòng không tầm ngắn trang bị cho các tàu hải quân, nó lần đầu được công khai vào năm 2008 và phục vụ trong biên chế Hải quân Trung Quốc (PLAN) từ năm 2012.

HHQ-10 (Hai Hong Qi 10 - Hải Hồng Kỳ 10) là hệ thống phòng không tầm ngắn trang bị cho các tàu hải quân, nó lần đầu được công khai vào năm 2008 và phục vụ trong biên chế Hải quân Trung Quốc (PLAN) từ năm 2012.

Cấu hình mỗi bệ phóng HHQ-10 khá linh hoạt khi có thể mang từ 8, 15, 18 cho đến 24 tên lửa đánh chặn. Phiên bản xuất khẩu của nó được định danh là FL-3000N.

Được xem là biến thể sửa đổi từ tên lửa không đối không TY-90, HHQ-10 có chiều dài 2 m, đường kính thân 120 mm, trọng lượng 20 kg lắp đầu đạn nổ phá mảnh nặng 3 kg.

Tầm bắn tối đa của tên lửa HHQ-10 đạt 9 km trong khi tầm bắn tối thiểu chỉ 500 m, trần bay 6 km, tầm bắn hiệu quả khi chống lại tên lửa diệt hạm siêu âm đạt 6 km.

Tên lửa sử dụng hệ dẫn đường kép, bao gồm đầu dò radar thụ động, thích hợp để chống lại các mục tiêu như máy bay, tên lửa... yêu cầu radar kích hoạt trong giai đoạn cuối của quá trình công kích, bên cạnh đó là đầu tự dẫn hồng ngoại.

HHQ-10 là một hệ thống độc lập và hoàn toàn tự động, không cần có sự can thiệp từ bên ngoài, thời gian phản ứng của nó chỉ từ 6 tới 8 giây kể từ khi phát hiện ra nguy cơ.

Theo đánh giá, HHQ-10 là tổ hợp vũ khí phòng thủ tầm gần hiệu quả, cánh tay nối dài của pháo phòng không Type 730 hoặc Type 1130, nó đang có mặt trên hầu như tất cả các chiến hạm mặt nước của Hải quân Trung Quốc.

Năm 2017 trong cuộc tập trận "Đông Hải Lệ Kiếm", HHQ-10 trên tàu hộ vệ Type 056 đã thực hành khoa mục tiêu diệt tên lửa chống hạm YJ-83 ở độ cao thấp, vụ đánh chặn thành công cho thấy năng lực rất đáng gờm của nó.

Việc thử nghiệm thành công HHQ-10 sẽ giúp Hải quân Trung Quốc tự tin hơn khi phải đối đầu với các loại tên lửa chống hạm hiện đại khác như MM40 Exocet hay 3M-24 Uran-E.

Việc HHQ-10 đánh chặn thành công YJ-83 dĩ nhiên là một thành tựu cần ghi nhận của Hải quân Trung Quốc, tuy nhiên vũ khí trên liệu có phải là lá chắn bất khả xâm phạm và không thể vượt qua?

Trong thực chiến, thông thường đối phương sẽ bắn ít nhất là nhóm 3 tên lửa chống hạm vào cùng 1 mục tiêu, thậm chí có thể tăng thêm để bảo đảm xác suất tiêu diệt và gây quá tải hệ thống phòng không đối phương.

Trường hợp phải đánh chặn tới 3 quả Exocet hoặc Uran-E trở lên thì việc HHQ-10 bị bỏ lọt mục tiêu là rất cao, đó là chưa kể tới việc phải đối phó với tên lửa lạ sẽ khó khăn hơn nhiều khi giao chiến với vũ khí của chính mình.

Ngoài ra HHQ-10 với tốc độ lớn nhất Mach 2 khi gặp phải tên lửa hành trình diệt hạm siêu âm như BrahMos hay Kalibr-NK tốc độ lên tới Mach 2,9 thì rõ ràng nó cực kỳ khó đánh chặn thành công mà sẽ bị bỏ lại sau lưng.

Do vậy, để vượt qua lá chắn HHQ-10 trên chiến hạm Trung Quốc thì đối phương đã có sẵn các biện pháp đối phó hiệu quả như đã kể ở trên.

Bên cạnh đó, nếu tên lửa chống hạm có cách ẩn mình trước khí tài trinh sát điện tử hay gây nhiễu thì HHQ-10 không thể đối phó dễ dàng như lúc tập trận với vũ khí "quân nhà".

Tóm lại, chiến công bắn hạ tên lửa chống hạm YJ-83 trong cuộc tập trận Đông hải Lệ kiếm vẫn nên được xem là chiến tích đáng kể của HHQ-10, nhưng nó vẫn còn phải thể hiện nhiều nếu muốn nhận danh hiệu "lá chắn bất khả xâm phạm".

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-la-chan-cuoi-cung-cua-chien-ham-trung-quoc-khong-he-manh-nhu-quang-cao/797093.antd