'Lá chắn' bảo vệ ngành gỗ

Đến thời điểm hiện tại, mặt hàng gỗ đã có 7 vụ bị điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) và mức độ điều tra với các sản phẩm gỗ đang có xu hướng tăng.

Mức độ điều tra gia tăng

Theo Cục PVTM (Bộ Công Thương), ngày 17/6/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp đang áp dụng đối với sản phẩm gỗ ván ép của Trung Quốc được nhập khẩu (NK) từ Việt Nam. Đây là sản phẩm gỗ ván dán cứng (hardwood plywood), gỗ ván dán dùng trong trang trí (decorative plywood) và một số loại gỗ ván phủ veneer. Kim ngạch XK sản phẩm này sang Hoa Kỳ của Việt Nam trong năm 2019 khoảng 300 triệu USD.

Theo Cục PVTM cho thấy, giai đoạn 2007-2017 chỉ có 3 vụ việc bị điều tra với mặt hàng gỗ, tuy nhiên từ 2018 đến nay đã có 4 vụ với sản phẩm này. Giá trị XK trong các vụ việc với sản phẩm gỗ gần đây cao hơn nhiều so với các vụ trong giai đoạn 2007-2017. Bằng chứng là, vụ việc chống bán phá giá gỗ MDF do Ấn Độ điều tra năm 2015 có giá trị XK khoảng 3,1 triệu USD, trong khi đó, vụ việc Hàn Quốc điều tra gỗ dán năm 2019 có giá trị XK khoảng 170 triệu USD.

Chủ động phát triển nguồn nguyên liệu giúp doanh nghiệp ứng phó với các cuộc điều tra chống bán phá giá

Chủ động phát triển nguồn nguyên liệu giúp doanh nghiệp ứng phó với các cuộc điều tra chống bán phá giá

Số liệu thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, giá trị XK gỗ ván vẫn tương đương so với cùng kỳ năm trước. Bị điều tra PVTM sẽ gây ảnh hưởng tới giá trị XK ngành gỗ, nhưng có độ trễ nhất định.

“Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và các địa phương hướng dẫn DN theo đuổi vụ kiện; báo cáo lãnh đạo Bộ NN &PTNT, phối hợp với Bộ Công Thương để vượt qua khởi kiện của Hoa Kỳ” - đại diện lãnh đạo Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) - thông tin.

Chủ động ứng phó

Nhằm ứng phó với các vụ việc PVTM noái chung vúaí vuå viïc gỗ ván dán nói riêng, Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ thì ngành sản xuất, các DN đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu hợp pháp để chứng minh cho các cơ quan điều tra thấy mình không bán phá giá hay lẩn tránh thuế.

Ngay từ đầu năm 2019, Bộ Công Thương đã liên tục cảnh báo các hiệp hội và DN XK gỗ về khả năng Hoa Kỳ điều tra sản phẩm gỗ dán XK; đồng thời tăng cường quản lý, siết chặt công tác chứng nhận xuất xứ, thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh, XK của một số DN.

Để chủ động phòng, tránh khả năng lẩn tránh thuế của các DN, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT quy định việc tạm dừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Hoa Kỳ. Cùng với đó, làm việc với Bộ NN &PTNT, các hiệp hội và DN XK gỗ để tìm hiểu thông tin, xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó với vụ việc. Bộ Công Thương cũng thường xuyên theo dõi thông tin vụ việc, trao đổi với Cơ quan điều tra của Hoa Kỳ và cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ để thông tin và hướng dẫn thủ tục cho DN.

Tuy vậy, để tránh các rủi ro từ các vụ kiện thương mại, DN cũng cần xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường XK; tiếp tục phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, đây cũng là giải pháp lâu dài để ứng phó với các cuộc điều tra chống lẩn tránh đang ngày càng gia tăng…

Cục Phòng vệ thương mại nêu rõ, thời gian tới phải có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu ngành gỗ trong nước, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đồng thời ứng phó với các cuộc điều tra “chống lẩn tránh” đang gia tăng.

Lan anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/la-chan-bao-ve-nganh-go-139730.html