La cà triển lãm, khu trưng bày tại Hà Nội: 'Nhập học' lớp Lịch sử mở về Thủ đô
Khi mùa Thu 'huyền thoại' tới cũng là lúc Hà Nội đang bước vào những ngày vui rộn ràng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Chuỗi sự kiện chào mừng đầy sáng tạo và thú vị, giới trẻ có thêm nhiều 'tọa độ' vi vu. Những nét đẹp của văn hóa, lịch sử cũng tự nhiên đi vào tiềm thức thông qua loạt triển lãm hay ho.
“Bản đồ” khám phá 10/10
Ngoài những hoạt động quen thuộc như những cuộc thi, buổi trình diễn…, triển lãm hay hoạt động trưng bày được đặc biệt đẩy mạnh trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Từ đầu tháng 8 tới nay, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị, nghệ sĩ tổ chức nhiều buổi triển lãm nối tiếp nhau nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm như “Mạch di sản”, “Hà Nội trong tôi”...
Dĩ nhiên, tất cả đều mở cửa tự do. Mỗi triển lãm là một câu chuyện, sử dụng cách kể khác nhau, có dựng cảnh hoành tráng hoặc kết hợp công nghệ… Xét về ý nghĩa tới độ đầu tư đều xứng đáng 10/10 điểm.
Càng gần ngày kỷ niệm, chủ đề của các buổi triển lãm càng sát với những dấu mốc lịch sử về ngày Giải phóng Thủ đô hơn, tăng số lượng và mở rộng quy mô và thời gian tổ chức tới hết tháng 10.
“Hỡi đồng bào Thủ đô!” là triển lãm trực tuyến 3D (từ ngày 20/9 - 31/10), trưng bày những tài liệu và hình ảnh minh họa về cuộc đấu tranh chống Pháp của quân dân Hà Nội từ cuối thế kỷ XIX tới năm 1954, được chia làm 3 phần theo từng giai đoạn lịch sử. Tại đây, có những tư liệu lần đầu được công bố.
“Ký ức Hà Nội - 70 năm” (từ ngày 2/10 - 13/10) nhận được nhiều sự yêu mến của giới trẻ khi tái hiện lại những mô hình khu phố cổ xưa với cổng chào, cờ hoa, băng rôn, kết hợp với triển lãm ảnh về những ngày tiến tới Giải phóng Thủ đô. Hoạt động này được tổ chức tại Không gian bích họa phố Phùng Hưng.
Bên cạnh tham quan, bạn có thể tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm như làm dép cao su, mặc trang phục bộ đội, nghe nhạc, giao lưu với chuyên gia, nhà nghiên cứu... để hiểu sâu hơn về Ngày tiếp quản Thủ đô.
Ngày 9/10, nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, tour thực cảnh"Chuyện phố Hàng" đã chính thức ra mắt. Cuộc sống của một gia đình trung lưu tại Hà Nội làm nghề thuốc Đông y, giai đoạn những năm 1930 - 1945 được tái hiện.
Thời gian tham quan và trải nghiệm kéo dài khoảng 45 phút (trong đó, phần kịch dài 30 phút). Hiện tại, tour thực cảnh sẽ đón khách vào mỗi cuối tuần. Mỗi đoàn khách tối đa 36 người.
Mê lực cuốn hút Gen Z tới Alpha
Những hoạt động trên đánh đúng vào xu hướng của thế hệ trẻ hiện tại, đó là tìm hiểu và thích vi vu ở những buổi triển lãm. Ban tổ chức cũng khéo chọn nơi tổ chức như Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cũ (hay được quen gọi là căn biệt thự Pháp cổ, 49 Trần Hưng Đạo), phố bích họa Phùng Hưng, ngôi nhà di sản… đều là những địa điểm quen thuộc, gắn liền với với văn hóa, lịch sử Hà Nội, cũng đồng thời là “tọa độ” chụp ảnh quen thuộc của giới trẻ. Không gian trưng bày đẹp, hòa hợp với trào lưu retro, vintage, nơi tổ chức lại là điểm check-in hot, mở cửa miễn phí, đó là quá nhiều “cái hời” thôi thúc giới trẻ ghé tới những buổi triển lãm này.
Dưới các bài đăng trên mạng xã hội, có những bạn trẻ bình luận tới nơi đây vì ý nghĩa đẹp, cũng có những bạn bị vẻ đẹp của buổi triển lãm thôi thúc.
Hẳn không ít những bạn trẻ cũng vậy, có thể mục đích ban đầu chỉ là tìm nơi chụp ảnh đẹp, tuy nhiên tới nơi, không gian đã thôi thúc các bạn tìm hiểu về bối cảnh, ý nghĩa của từng bức tranh, món đồ được trưng bày.
Cô bạn T.T. (Gia Lâm, Hà Nội) từng ghé tới “Mạch di sản” chia sẻ: “Thú thật, mình lướt TikTok và rủ bạn tới triển lãm này vì thấy đẹp. Điều đầu tiên trong đầu bọn mình bật ra là “đẹp đó, đi thôi”. Mình cũng muốn “sống ảo” ở biệt thự cổ (nơi tổ chức) lâu rồi nên một công đôi ba việc luôn. Nhưng tới nơi, sự chỉn chu và vẻ đẹp của các bức tranh khiến mình vô thức bị cuốn vào những câu chuyện ở đó. Có ảnh đẹp mang về không còn là tiêu chí đánh giá buổi đi chơi thành công với mình nữa”.
Những lớp học Lịch sử “mở” ngày càng đa dạng
Không chỉ riêng đợt kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, mà từ cuối năm 2023 tới nay, Hà Nội đã phát triển rất nhiều những hoạt động đa dạng như tour đêm, triển lãm, trưng bày, show thực cảnh, trình diễn nghệ thuật ánh sáng…
Các chương trình này được tổ chức tại những địa điểm gắn liền với biểu tượng của Hà Nội như các khu di tích, cửa ô, các tuyến phố đi bộ…, thường xuyên mà không cần chờ bất cứ dịp đặc biệt nào mới được đầu tư.
Những hoạt động này cần được duy trì và phát triển hơn ở “thì tương lai”. Bởi đây đều là những sự kiện bắt kịp với xu hướng phát triển du lịch trên thế giới, cũng như đánh đúng thị hiếu của giới trẻ hiện tại.
Câu chuyện văn hóa và lịch sử được truyền tải vừa đẹp vừa thú vị, dễ ghim vào tiềm thức của người xem. Thành công của những sự kiện này từ đầu năm tới nay cũng chứng minh rằng, Gen Z hay Gen Alpha không “chán học Lịch sử” mà ngược lại, thế hệ trẻ luôn sôi sục tình yêu và khát khao tìm hiểu văn hóa, sử thi, chỉ là cách truyền đạt chỉ gói gọn trên trang giấy hay buổi giảng giải, thuyết trình đã không còn phù hợp.
Sự kiện triển lãm hay nghệ thuật không chỉ là một buổi học Mỹ thuật mà còn là lớp học Lịch sử “mở”, nơi những khách ghé tới vô thức trở thành học trò, tiếp nhận những nét đẹp văn hóa và hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc.