'Lá bài' cao tay của TT Putin ở Syria đưa Nga đến uy lực khiến các nước buộc phải phụ thuộc

'Lá bài' của ông Putin được xây dựng nhằm đảm bảo không một quốc gia nào có liên quan tới cuộc nội chiến Syria có được cái họ muốn mà tất cả phải dựa vào Moscow: Iran không thể kiểm soát Nam Syria, ông Assad không thể một mình chiến thắng trong cuộc nội chiến và Thổ Nhĩ Kỳ không thể duy trì ở Bắc Syria mãi mãi.

Theo Bloomberg, Nga đột nhiên tỏ ra thận trọng bất thường khi cuộc khủng hoảng ở phía Bắc Syria đang đe dọa nhiều tới mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ và đồng thời lên tiếng ủng hộ chính quyền ông Assad ở Damascus. Không quân Nga đã tích cực hỗ trợ các cuộc tấn công của quân đội Syria ở Idlib, phía Tây Bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ủng hộ phe đối lập của chính quyền ông Assad, đã tấn công vào các mục tiêu của quân đội Syria ở Idlib.

Nga ủng hộ chế độ chính quyền của Tổng thống Syria Assad và cam kết giúp ông Assad giữ vững quyền lãnh đạo đất nước. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại lớn của Nga với những hợp đồng lớn hơn nhiều những gì người ta đã biết như thỏa thuận mua hệ thống phòng không S-400 trị giá 2,5 tỷ USD.

Tổng thống Nga Putin.

Tổng thống Nga Putin.

Kim ngạch thương mại của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ đạt 25,6 tỷ USD vào năm 2018 và hai nước muốn con số này tăng lên thành 100 tỷ USD trong vài năm tới. Trong khi đó, trao đổi kinh tế của Moscow với các bên liên quan khác trong cuộc xung đột ở Syria là khá nhỏ.

Thương mại của Nga với Iran do chịu tác động của lệnh trừng phạt từ Mỹ nên chỉ ở mức 2 tỷ USD dù hai nước này vẫn luôn tìm cách tăng cường trao đổi.

Nước Syria vốn bị chiến tranh tàn phá hẳn nhiên chỉ là đối tác thương mại nhỏ dù Nga giành được nhiều ích lợi từ quốc gia này.

Thương mại của Nga-Israel cũng mới chỉ vượt qua mức 5 tỷ USD năm 2019.

Có phải Nga vừa muốn hỗ trợ chính quyền ông Assad vừa muốn bảo vệ quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ? Cho đến nay, Moscow đã duy trì điều này bằng việc triển khai tiến trình hòa bình Astana ở Syria và cố gắng ủng hộ các bên. Tổng thống Nga Putin đánh cược rằng ông có thể cùng lúc đảm đương cả hai việc này vì cả Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đều cần Nga nhiều hơn Nga cần họ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày càng tin tưởng Nga, bởi ông đang có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Mỹ. Ông Assad trở nên vững vàng hơn khi ông Putin quyết can thiệp vào cuộc nội chiến Syria năm 2015 nhằm hỗ trợ Tổng thống Syria đương nhiệm. Sức mạnh không quân cũng như các lực lượng đặc nhiệm của Nga đã giúp xoay chuyển tình thế của ông Assad.

Syria trở thành đồng minh quan trọng của Nga từ thời Xô Viết. Nga duy trì căn cứ hải quân, không quân trong Syria. Nga giúp ông Assad đánh bại phiến quân và điều này không chỉ mang lại uy tín cho Nga mà chiến trường Syria còn là nơi để Nga kiểm nghiệm các loại vũ khí do nước này sản xuất.

Bằng lối ngoại giao khéo léo, ông Putin đã trở thành nhà môi giới quyền lực ở Syria, chủ trì các thỏa thuận ngừng bắn với Jordan và Mỹ năm 2017, thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về Idlib năm 2018 và thỏa thuận khác sau khi Mỹ rút khỏi các vùng đông Bắc Syria vào năm 2019. Nga cũng đã tìm cách xoa dịu những lo ngại của Israel về sự cố thủ của Iran ở miền Nam Syria bằng cách triển khai lực lượng cảnh sát quân sự gần Cao Nguyên Golan.

Nhưng, bàn cờ Syria đã ngày một trở nên phức tạp hơn. Sự hiện diện của Mỹ có thể giảm ở khu vực này nhưng Mỹ không rút hẳn khỏi nơi đây. Các lực lượng Mỹ bảo vệ, các mỏ dầu ở Đông Syria và lực lượng dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn, thực chất là một nhóm do người Kurd lãnh đạo vẫn là lực lượng chính ở phía Đông. Thổ Nhĩ Kỳ chiếm lĩnh phía Đông Bắc nhằm ngăn chặn người Kurd và tạo nên vùng đệm cho người tị nạn.

Điều này khiến Nga phải điều tiết mối quan hệ giữa Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Syria. Trong đó, có trường hợp Nga cùng quân đội của ông Assad chiến đấu, trong khi đó các nhóm quân Nga cũng tuần tra chung với Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực người Kurd và các nhà ngoại giao Nga đàm phán với các nhóm người Kurd hợp tác cùng Mỹ.

Idlib là thách thức nghiêm trọng nhất cho sự nỗ lực của Nga mọi lúc, mọi việc. Khi quân đội Syria bắt đầu tấn công vào Idlib tháng này, lực lượng quân đội của Ankara đã bị tổn thất về người khiến Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả bằng cách triển khai xe bọc thép tới Idlib vào hồi đầu tháng Hai. Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại dòng người tị nạn từ Syria tràn vào nước này tăng hơn nữa.

Nga muốn giảm bớt căng thẳng ở Idlib nhưng nước này lại phải đương đầu với cuộc khủng hoảng khác ở miền Nam Syria, nơi Israel tiến hành hơn 1000 cuộc không kích vào các mục tiêu của Iran ở Syria.

Tuần trước, Nga tuyên bố cuộc không kích của Israel đã gây nguy hiểm cho máy bay dân sự ở Damascus. Những cuộc tấn công như vậy khiến cả Syria lẫn Iran đều phẫn nộ, và đòi hỏi Nga phải có giải pháp.

Nga đã nỗ lực trong việc quản lý các bên liên quan trong cuộc xung đột ở Syria đó là phân chia Syria thành các khu vực để mỗi bên gây ảnh hưởng cũng như kiểm soát. Iran gây ảnh hưởng ở miền Nam Syria nhưng phải đối mặt với các cuộc không kích của Israel. Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát các khu vực ở miền Bắc Syria theo thỏa thuận ngừng bắn kéo dài với Moscow. Mỹ kiểm soát một phần ở phía Đông Syria.

“Lá bài” của ông Putin được xây dựng nhằm đảm bảo không một quốc gia nào có liên quan tới cuộc nội chiến Syria có được cái họ muốn mà tất cả phải dựa vào Moscow: Iran không thể kiểm soát Nam Syria, ông Assad không thể một mình chiến thắng trong cuộc nội chiến và Thổ Nhĩ Kỳ không thể duy trì ở Bắc Syria mãi mãi.

Điều cuối cùng ông Putin muốn làm là phải chọn một phe và đó chính xác là những gì mà trong trận chiến Idlib ông buộc phải làm.

Vũ Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/la-bai-cao-tay-cua-tt-putin-o-syria-dua-nga-den-uy-luc-khien-cac-nuoc-buoc-phai-phu-thuoc-a465572.html