Kỹ xảo điện ảnh phim Việt: Phát triển nhưng chưa chất

'Ngày nảy ngày nay', 'Tấm Cám: Chuyện chưa kể', 'Cô Ba Sài Gòn', 'Cô gái đến từ hôm qua'... là những bộ phim điện ảnh tạo được ấn tượng với công chúng bằng những kỹ xảo hút mắt, ấn tượng. Vài năm gần đây, điện ảnh Việt 'nở nồi' kéo theo sự phát triển của công nghệ kỹ xảo trong nước.

Bước tiến mạnh mẽ

Nếu như trước đây, người làm phim Việt phải lặn lội sang nước ngoài như Thái Lan, Mỹ... để làm kỹ xảo thì giờ đây, các công ty trong nước đủ sức đảm nhận. Nhiều phim "made in Viet Nam" 100% ra đời khiến công chúng ngỡ ngàng.

Theo chuyên viên hiệu ứng kỹ xảo Huỳnh Quang Vinh, Công ty nColor, người từng thực hiện kỹ xảo cho phim điện ảnh "Chí Phèo ngoại truyện" và "Cho em gần anh thêm chút nữa", kỹ xảo đóng vai trò rất quan trọng trong phim. Nhiều người mặc định rằng công nghệ kỹ xảo chỉ có trong các phim hành động, chiến tranh, thần tiên, dã sử... với các cảnh phức tạp như cháy nổ, gãy đổ, khói lửa, phép thuật, biến hóa...

Thực chất, kỹ xảo còn là cánh tay đắc lực giúp khuôn hình lung linh hơn, "cứu bồ" những cảnh sai sót trong quá trình quay như cắt dán bầu trời thành xanh trong, tạo cảnh cánh đồng xanh bát ngát dù thực chất cánh đồng đó lởm chởm đất đá, đổi hoặc xóa nhãn hiệu trên ly nước, xóa bảng quảng cáo, cột điện... Do đó gần như không phim nào là không "cầu cứu" tới kỹ xảo. Chuyên viên kỹ xảo được xem như phù thủy hình ảnh.

Một cảnh kỹ xảo trong phim điện ảnh "Tấm Cám: Chuyện chưa kể".

"Phim Việt Nam chủ yếu chuộng phim hài, tình cảm tâm lý..., trọng nội dung nên vai trò của kỹ xảo chiếm 30% sự thành công của phim. Còn riêng các phim hành động, khoa học viễn tưởng, phim siêu anh hùng, phim lịch sử cổ trang, giả tưởng... thì kỹ xảo đóng góp đến 70%. Để ý các bộ phim "bom tấn" siêu anh hùng của Mỹ hay cổ trang của Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy nhiều khi nội dung phim rất đơn giản, mô típ quen thuộc dễ đoán nhưng nó níu chân khán giả vì những cảnh kỹ xảo vô cùng hoành tráng, choáng ngợp" - anh Vinh cho hay.

"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Cô gái đến từ hôm qua", "Thiên mệnh anh hùng", "Tấm Cám: Chuyện chưa kể"... được đánh giá là những bộ phim mạnh tay đầu tư kỹ xảo 3D, tạo nên những khung hình mướt mắt, mê hoặc. Phim truyền hình cũng không kém cạnh. Vừa đoạt Cánh diều vàng 2018, "Thương nhớ ở ai" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh là bộ phim truyền hình sử dụng gần 2.000 cảnh kỹ xảo.

Để dựng nên một làng quê Bắc Bộ những năm 60 của thế kỷ trước, việc tìm bối cảnh là điều khó. Cái khó này buộc ekip phải vin tới kỹ xảo. Kỹ xảo trong "Thương nhớ ở ai" hoàn hảo tới mức người xem gần như không hề phát hiện nhiều bối cảnh là do máy tính dàn dựng. Họ cứ ngỡ có một ngôi làng cổ xưa như thế tồn tại ở miền Bắc.

Từ năm 2015, mỗi năm phim Việt luôn đạt số lượng trung bình 40 phim - con số ấn tượng so với 5, 6 phim/năm trước đây. Phim Việt dàn đều trong năm, gần như tuần nào cũng có phim ra rạp chứ không còn chăm chăm vào dịp Tết. Các rạp chiếu mới cũng thi nhau mọc như nấm sau mưa với chất lượng phòng chiếu ngày càng hiện đại, tiện nghi. Sự phát triển vũ bão của thị trường phim Việt khiến các nhà sản xuất không ngại rót tiền đầu tư cho phim ảnh. Nhờ vậy, nhà làm phim có cơ hội mạnh dạn thử sức ở các thể loại mới mẻ, khó nhằn, phát huy tối đa sự tưởng tượng, sáng tạo cá nhân như hành động, viễn tưởng, cổ tích, dã sử...

Ở địa hạt phim truyền hình, nhiều bộ phim tạo nên cơn sốt như "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng", "Tuổi thanh xuân", "Chiều ngang qua phố cũ"... khiến người trong nghề hồ hởi bắt tay vào những dự án mới. Sự phát triển của phim điện ảnh lẫn phim truyền hình trở thành cú hích mạnh mẽ để nền kỹ xảo trong nước có "đất dụng võ".

Khi để ý đến đội ngũ làm kỹ xảo Việt Nam, người ta giật mình nhận thấy họ không hề kém cạnh chuyên gia nước ngoài. Không ngoa khi khẳng định đội ngũ làm kỹ xảo ở Việt Nam có rất nhiều người giỏi. Công chúng trong nước từng nhiều phen ngạc nhiên khi biết làm nên thành công vang dội cho các bộ phim "bom tấn" nổi tiếng như "Fast & Furious 7", "Ngày tận thế", "Ninja Rùa", "Cuộc chiến giữa các vì sao", "Bạch Tuyết và thợ săn"... có sự góp mặt của không ít chuyên gia kỹ xảo người Việt như Võ Ngọc Nhi, Nguyễn Hữu Tú, Nguyễn Minh Nhật, Phùng Đình Dũng...

Kỹ xảo phim Việt và câu chuyện "càng cuối phim càng đuối"

Dù có bước tiến vượt bậc nhưng so với các nền điện ảnh lớn, kỹ xảo phim Việt vẫn tập tễnh dò đường. Tình trạng chung mà nhiều phim Việt mắc phải đó là càng về cuối phim, kỹ xảo càng tệ. Đoạn dạo đầu lúc nào cũng rất chỉn chu, trau chuốt, về sau xuất hiện vô số "sạn" to đùng. "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" là một ví dụ.

Người ta mới trầm trồ cảnh ông Bụt xuất hiện phẩy cây phất trần biến cô Tấm mộc mạc lộng lẫy váy áo, phim đã khiến khán giả cười bò vì cảnh đánh nhau giả tạo, quân lính chết nằm ngửa tăm tắp như bánh mì phết bơ. Buồn cười nhất là cảnh thái tử và Tấm chiến đấu với yêu tinh. Con yêu tinh thô kệch và cử động cứng nhắc như trong trò chơi điện tử.

Giải thích về hiện tượng này, một đạo diễn giấu tên tiết lộ nguyên nhân không phải do trình độ của chuyên gia kỹ xảo Việt Nam. Đa số các nhà sản xuất Việt Nam thường muốn nhanh chóng thu hồi vốn, tiết kiệm chi phí nên nôn nóng rút nhanh tiến độ. Việc thúc giục theo kiểu "càng nhanh càng tốt" khiến đoạn đầu phim rất tốt, đoạn sau í ẹ vì làm ẩu.

Phim truyền hình "Thương nhớ ở ai" mất 3 năm để dựng kỹ xảo bối cảnh nông thôn.

Những người làm kỹ xào giỏi, nhưng thời gian và kinh phí bó buộc khiến họ chưa thể phát huy hết năng lực. Phần nữa, không hiếm nhà làm phim chỉ chăm chăm đi tìm đối tác làm kỹ xảo có giá càng rẻ càng tốt mà không quan tâm đến chất lượng. Cố nhiên, tiền nào của nấy. Trong khi đó, với các nhà làm phim phương Tây, cảnh kỹ xảo nào chưa ưng ý, họ sẵn sàng để chuyên viên kỹ xảo trau chuốt đến khi nào thỏa mãn mới thôi.

Bên cạnh đó, phim Việt chưa bao giờ xuất hiện những đại cảnh nhà đổ, thiên nhiên cuồng nộ hút mắt, quái vật khổng lồ y như thật hay con vật nói tiếng người mà khớp khẩu hình. "Chờ em đến ngày mai" có cảnh chàng trai ăn trộm bị biến thành con chó và con chó này nói được tiếng người. Khán giả háo hức trông đợi khẩu hình của con chó sẽ thuyết phục như những phim về loài vật của Hollywood, nhưng họ nhanh chóng thất vọng. Việc lồng tiếng người cho chó xem ra vẫn đơn giản, chẳng mấy hấp dẫn.

Theo chuyên viên kỹ xảo Huỳnh Quang Vinh, những đại cảnh này ở Việt Nam không thực hiện được bởi chúng ta thiếu máy móc, công nghệ. Dàn máy móc để làm nên cảnh nhà cửa gãy đổ, đại cảnh kỹ xảo choáng ngợp lên tới cả triệu đôla. Nếu công ty nào mạnh tay đầu tư thì đầu ra lại không có vì rất hiếm nhà sản xuất nào dám mạo hiểm chi số tiền "khủng" "chơi" thể loại phim này. Cái vòng luẩn quẩn "con gà - quả trứng" khiến kỹ xảo Việt mãi chưa thể vươn tới tầm cao. Nhiều nhà sản xuất liều đầu tư kỹ xảo chỉn chu cho phim điện ảnh hành động, lịch sử... nhưng khán giả không mấy mặn mà. Dù chỉn chu nhưng cảnh kỹ xảo không quá cuốn hút đến mức có thể cứu được kịch bản rời rạc, thiếu thuyết phục thường thấy ở dòng phim này.

Điều quan trọng nhất đó là kỹ xảo điện ảnh vẫn bị chính người làm phim xem nhẹ, coi như khâu chỉnh sửa, sơn phết cuối cùng cho tác phẩm. Nhiều người không am hiểu quy trình thực hiện kỹ xảo. Họ nhầm tưởng việc thực hiện những cảnh xóa phông, tạo hiệu ứng, thay hình ảnh, nhãn hiệu... trong khung hình là điều dễ như bỡn trong một vài cú click chuột.

Thực tế, công việc của chuyên gia kỹ xảo rất vất vả, đòi hỏi nhiều chất xám và độ "điên". Họ phải tỉ mẩn đến từng chi tiết nhỏ nhất sao cho giống thật, khớp với logic phim, đồng thời thể hiện sự sáng tạo bay bổng như một nghệ sĩ thực thụ. Chẳng hạn để có cảnh hiệu ứng camera quay đường hầm trong "Chí Phèo ngoại truyện", các chuyên gia kỹ xảo phải mất rất nhiều chi phí và thời gian dàn dựng trong khi phân cảnh này chỉ dài hơn 20 giây.

Tuy nhiên, sự phát triển không ngừng của điện ảnh Việt hiện nay khiến những người trong nghề kỳ vọng tương lai tươi sáng cho công nghệ kỹ xảo. Họ tin rằng trong 10 năm tới, chắc chắn kỹ xảo phim Việt đủ sức làm át chủ bài kéo khán giả tới phòng vé.

Mai Quỳnh Nga

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/ky-xao-dien-anh-phim-viet-phat-trien-nhung-chua-chat-489194/