Kỳ vọng xuất khẩu vắc xin made in Việt Nam

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam là 1 trong 42 quốc gia có thể sản xuất được vắc xin và là 1 trong 39 quốc gia được Tổ chức Y tế thế giới công nhận quản lý vắc xin đạt chuẩn quốc tế. Với những thành tích nêu trên, nhiều người kỳ vọng, cánh cửa xuất khẩu vắc xin Việt ra thị trường thế giới đang rộng mở.

Công nghệ sản xuất vắc xin của Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao. Ảnh: DN.

Nhiều dự án gấp rút hoàn thành

Nói về hiệu quả của việc triển khai tiêm chủng mở rộng của nước ta cũng như bước phát triển vượt bậc trong việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin của Việt Nam, ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia hiện đang cung cấp 12 loại vắc xin miễn phí cho tất cả các trẻ em trên toàn quốc. Đây là một trong những nỗ lực của Chính phủ nhằm giảm tỷ lệ tử vong và mắc các loại bệnh có thể phòng tránh được. Các loại vắc xin này đã bảo vệ hơn 6 triệu trẻ em và ngăn chặn hơn 40.000 ca tử vong ở trẻ em trong vòng hơn 2 thập kỷ qua.

Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã sản xuất được 10 loại vắc xin, trong đó, có 8 vắc xin được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất vắc xin và đã sản xuất được nhiều loại vắc xin như vắc xin lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm gan A, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn… Đặc biệt, từ tháng 4/2018, vắc xin sởi-rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất được triển khai trong tiêm chủng thường xuyên trên toàn quốc.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin, Việt Nam đang tích cực nghiên cứu và tự sản xuất thêm các loại vắc xin nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các bệnh hiểm nghèo. Trong đó, Viện vắc xin và sinh phẩm y tế được giao thực hiện Dự án “Vắc xin nghiên cứu phát triển sản phẩm vắc xin cúm mùa”, phòng được 3 chủng cúm cơ bản là A/H1N1, A/H3N2 và cúm B trong khoảng thời gian từ năm 2015-2019.

Kết quả kiểm định chất lượng và nghiên cứu tiền lâm sàng trên các mô hình động vật thí nghiệm cho thấy vắc xin cúm do Viện vắc xin và sinh phẩm y tế sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng; đạt yêu cầu về an toàn, dung nạp tốt theo đường tiêm bắp và tạo được đáp ứng miễn dịch tốt trên động vật thí nghiệm phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và quy định của Việt Nam.

“Dự án được nghiệm thu vào tháng 5/2018 và đã nộp hồ sơ, hiện đang chờ quyết định công nhận của Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ. Dự kiến đầu năm 2019 sẽ đưa vắc xin ra thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu”, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin.

Cùng đó, Viện vắc xin và sinh phẩm y tế cũng thực hiện Dự án “Nghiên cứu sản xuất vắc xin phối hợp 5 trong 1 hấp thụ, dạng dung dịch”. Thời gian tới, Viện dự kiến sẽ tự sản xuất được vắc xin 5 trong 1 (phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib). Hiện việc nghiên cứu vắc xin này đang trong giai đoạn nghiên cứu trên động vật và chuẩn bị phối trộn.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin thêm, Dự án “Nghiên cứu phát triển sản phẩm vắc xin viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero” do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Đến thời điểm hiện tại, vắc xin đã thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 3 và được đánh giá đạt tính an toàn trên người tình nguyện. Hiện DN đang chuẩn bị hồ sơ xin đăng ký lưu hành vắc xin viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero (JECEVAC) tại Việt Nam.

"Thời gian tới, DN tiếp tục thử nghiệm lâm sàng đánh giá mức độ tồn lưu kháng thể ở thời điểm 12 tháng sau khi tiêm 2 mũi vắc xin và hiệu quả của liều tiêm nhắc lại (liều 3) vắc xin viêm não Nhật Bản; đồng thời hoàn thiện quy trình nhân nuôi tế bào để sản xuất vắc xin viêm não Nhật Bản ở quy mô 1-2 triệu liều/năm…", ông Long chia sẻ.

Mục tiêu xa hơn là xuất khẩu

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thị trường vắc xin toàn cầu có giá trị rất lớn, vì vậy trong định hướng nghiên cứu, sản xuất vắc xin “made in Việt Nam”, cần phải chuyển các giá trị khoa học trong lĩnh vực vắc xin “nội” thành hàng hóa có giá trị thương mại cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và XK.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế đề ra định hướng từ nay đến năm 2020, Việt Nam có ít nhất 7 loại vắc xin đáp ứng yêu cầu của chương trình tiêm chủng quốc gia, thay thế vắc xin NK và tiến tới XK. Trong đó, dạng vắc xin đa giá (5 trong 1 và 6 trong 1) phối hợp nhiều loại kháng nguyên là một trong những ưu tiên hàng đầu trong nghiên cứu và phát triển vắc xin mới tại Việt Nam hiện nay. “Chính vì vậy, việc nâng cao công nghệ để tự sản xuất được các loại vắc xin hỗn hợp là yêu cầu hết sức cần thiết và cấp bách trong giai đoạn sắp tới”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Ông Nguyễn Ngô Quang, quyền phụ trách điều hành Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, mặc dù có nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất vắc xin nhưng với sự tâm huyết, nhiệt tình của các nhà khoa học, nhà quản lý, đơn vị chủ trì dự án đến nay, các dự án trong chương trình đã đạt được kết quả khả quan. Đặc biệt, nhiệm vụ hoàn thiện quy trình sản xuất vắc xin cúm mùa ở quy mô công nghiệp do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế chủ trì đã được nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc.

Tuy nhiên, theo ông Quang, để đẩy mạnh hơn nữa ngành công nghiệp sản xuất vắc xin, thời gian tới để các Dự án nghiên cứu về vắc xin triển khai hiệu quả, các tổ chức chủ trì dự án cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm hoàn thành đúng thời gian đã phê duyệt, chuẩn bị hồ sơ đề nghị phê duyệt các dự án cho giai đoạn tới.

“Các cơ quan liên quan như Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ các dự án, nhiệm vụ trong quá trình triển khai thực hiện; xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở”, ông Quang nói.

Ngoài ra, theo thừa nhận của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Việt Nam đang trải qua giai đoạn thu nhập trung bình, người dân chưa hoàn toàn tin tưởng vào vắc xin được sản xuất trong nước. Một bộ phận còn có tâm lý, thói quen sính ngoại. Vì vậy vắc xin của Việt Nam tự sản xuất ra chủ yếu phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng, 100% miễn phí từ ngân sách Nhà nước. Chính vì thế, biện pháp tuyên truyền, thay đổi suy nghĩ của người dân cũng rất quan trọng.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, dù có thành tích về nghiên cứu, sản xuất vắc xin song việc sản xuất những sản phẩm vắc xin trên mới chỉ dừng lại với quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo ra được giá trị thương mại cao. Do vậy theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, vấn đề nghiên cứu ứng dụng công nghệ ở trình độ cao để có thể chủ động cung ứng từng loại vắc xin đang là một thách thức, đòi hỏi các cơ quan quản lý, các DN cần có giải pháp phù hợp.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ky-vong-xuat-khau-vac-xin-made-in-viet-nam.aspx