Kỳ vọng xuất hiện doanh nghiệp Fintech tỷ đô trong 5 năm tới

Nhìn vào diễn biến thị trường hiện nay, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh Toán – Ngân hàng Nhà nước kì vọng sẽ xuất hiện doanh nghiệp Fintech tỷ đô trong vòng 5 năm tới.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ di động, những năm gần đây lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) đã có sự phát triển vượt bậc, làm thay đổi diện mạo hệ thống tài chính – ngân hàng, đem lại thuận tiện cho các giao dịch kinh doanh – tiêu dùng. Tuy nhiên, chính sách quản lý đối với lĩnh vực Fintech còn chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, dẫn đến nhiều bất cập cần được khắc phục.

Fintech giúp các giao dịch tài chính trở nên thuận lợi, tiện dụng với số đông người dùng, vì vậy cũng phát sinh quan ngại Fintech có thể bị lợi dụng cho các hoạt động không chính đáng. Do đó, thời gian vừa qua cơ quan quản lý có những động thái nhằm siết chặt quản lý lĩnh vực Fintech, trong đó đáng chú ý là một số dự thảo quy định pháp luật hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán, hoặc hạn chế giá trị giao dịch và số tài khoản ví điện tử cũng như yêu cầu khai báo thông tin lại gây phiền hà cho người dùng…

 Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh Toán - Ngân hàng Nhà nước.

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh Toán - Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh Toán - Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam có nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp Fintech phát triển đó là quy mô dân số với 96,2 triệu dân. Tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân hiện nay là 45,8 triệu, chiếm 63 % dân số có tài khoản ngân hàng và tiếp cận với ít nhất 1 dịch vụ tài chính. Điều này cũng nằm trong chiến lược thúc đẩy việc tiếp cận với các dịch vụ tài chính và phổ cập tài chính mà Chính phủ đã đề ra về thanh toán không dùng tiền mặt phấn đấu đến 2020 có khoảng 70% tỷ lệ người dân được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đang thưc hiện các giải pháp để thúc đẩy số lượng người dùng được tiếp cận với tài khoản ngân hàng đến con số 70% này.

“Trong 5 năm tới, thị trường sẽ có những sự thanh lọc nhất định, doanh nghiệp mới sẽ được thành lập và nhiều doanh nghiệp Fintech sẽ ra đi. Đây cũng là những quy luật của thị trường. Tuy nhiên nhìn vào các diễn biến hiện nay tôi cho rằng chắc chắn sẽ có các doanh nghiệp kỳ lân (các doanh nghiệp được định danh trên 1 tỷ USD). Hiện, tôi thấy các doanh nghiệp thu hút được vốn đầu tư lớn từ các quỹ đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp tiềm năng. Hi vọng trong 5 năm tới các doanh nghiệp đã được đầu tư sẽ có quy mô phát triển lớn hơn. Các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước sẽ có các chính sách, giải pháp giúp hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái Fintech để phát triển ổn định và có thể cạnh tranh”, ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đánh giá, các rào cản bảo hộ hiện nay không còn nhiều ý nghĩa do các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cách vượt qua, thông qua việc thành lập các tổ chức bình phong trong nước, hoặc thông qua người Việt Nam đứng tên hộ, do đó, cần tính đến phương pháp quản lý khác.

Ông Tuấn cũng lưu ý các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA, Việt Nam đều đưa ra cam kết mở cửa lĩnh vực tài chính – ngân hàng với phạm vi cam kết rất rộng, bao gồm tất cả các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, cung cấp và chuyển giao thông tin tài chính, và xử lý dữ liệu tài chính và phần mềm liên quan bởi các nhà cung cấp các dịch vụ tài chính khác; tư vấn, trung gian, và các dịch vụ tài chính phụ trợ khác. Vì vậy, các cơ quan xây dựng chính sách cần lưu ý để tránh vi phạm cam kết quốc tế của Việt Nam, dẫn đến hệ lụy không mong muốn như các vụ kiện đầu tư (ISDS) tại nước ngoài thời gian gần đây.

Thanh Minh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/ky-vong-xuat-hien-doanh-nghiep-fintech-ty-do-trong-5-nam-toi-d162537.html