Kỳ vọng với Thủ tướng Phạm Minh Chính

Gây dựng niềm tin, huy động các nguồn lực cho đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, giải quyết 'món nợ' với người dân miền Tây… là những kỳ vọng được đại biểu gửi tân Thủ tướng.

Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính vừa được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng - kế nhiệm ông Nguyễn Xuân Phúc điều hành Chính phủ.

Những thành công trong chính sách phát triển kinh tế ở Quảng Ninh hay các dấu ấn trong công tác xây dựng Đảng, tổ chức cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương được đánh giá là lợi thế của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Những kết quả đó cũng là cơ sở để các đại biểu Quốc hội gửi gắm niềm tin, kỳ vọng vào người đứng đầu Chính phủ.

Từ góc độ của người đứng đầu Đảng bộ một địa phương, bà Nguyễn Thanh Hải (Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên) tin tưởng vào kinh nghiệm của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính khi ông từng trải qua, nắm giữ nhiều cương vị quan trọng.

“Mỗi lần quay trở lại Quảng Ninh, mọi người đều nhắc tới dấu ấn của ông Phạm Minh Chính. Những dấu ấn ấy đã được ghi vào trong nghị quyết từ thời ông làm Bí thư Tỉnh ủy. Đến nay Quảng Ninh vẫn đi theo chủ trương, đường lối đã được xây dựng từ thời đó, trở thành điển hình của khu vực Đông Bắc Tổ quốc về phát triển kinh tế, xã hội”, nữ Bí thư Tỉnh ủy nói.

Theo bà, dấu ấn đặc biệt nhất là Quảng Ninh đã chuyển từ kinh tế nâu chuyển sang xanh. “Trước đây môi trường ô nhiễm, nói đến Quảng Ninh là nói đến khói, bụi, than, nhưng nay môi trường rất sạch”, bà Hải chia sẻ và khẳng định “đây là kinh nghiệm tốt mà tôi trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy cần học tập”.

Nữ Bí thư Tỉnh ủy cũng cho rằng tân Thủ tướng có nhiều kinh nghiệm, xây dựng được lòng tin với người dân qua giai đoạn làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Bởi nhiệm kỳ qua, công tác tổ chức cán bộ có kết quả rất rõ nét, những chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng về tăng cường cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số… đều được thể hiện bằng những con số cụ thể.

“Tôi tin tưởng trên cương vị mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong điều hành sẽ có những điểm đột phá để đưa đất nước thực hiện khát vọng trở thành nước Việt Nam hùng cường”, Bí thư Thái Nguyên chia sẻ.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình) cũng đánh giá cao năng lực của tân Thủ tướng khi trưởng thành từ thực tiễn lãnh đạo địa phương, lãnh đạo lĩnh vực, ngành quan trọng và then chốt.

“Tân Thủ tướng có tư duy đột phá trong xây dựng Nhà nước, xây dựng tổ chức bộ máy. Ở địa phương hay ngành, lĩnh vực mà ông từng lãnh đạo, quản lý đều có sự đột phá và phát triển bền vững với bước đi, cách làm chắc chắn”, đại biểu Sinh nhận xét.

Trên cương vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Phạm Minh Chính đã tham mưu, báo cáo Trung ương ban hành rất nhiều quyết sách, điển hình như Nghị quyết 18, 19 về tổ chức, sắp xếp bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước. Việc này đã tạo ra được sức sống mới, bước đột phá về tổ chức bộ máy, tạo động lực thúc đẩy mỗi cán bộ công chức nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình. Từ đó tạo sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị.

Về những khó khăn, thách thức, ông Sinh cho rằng Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã xác định rõ việc phát triển đất nước trong giai đoạn mới luôn có thuận lợi và thách thức đan xen.

Ví dụ, kinh tế trong nước dù đạt tốc độ tăng trưởng khá vẫn còn rất nhiều khó khăn; tiềm lực, vị thế của đất nước được cải thiện nhiều nhưng cũng phải thẳng thắn rằng đất nước còn nghèo, còn khó khăn, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, đời sống của nhiều người dân còn ở mức khiêm tốn. GDP bình quân đầu người khá cao nhưng tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn đáng suy nghĩ.

Cũng theo vị đại biểu tỉnh Hòa Bình, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng trong nền kinh tế thế giới nên trong điều kiện nguồn nhân lực và tiềm lực có mức độ, chúng ta phải nỗ lực để theo kịp, bởi nếu tụt lại phía sau sẽ khó tránh phần thua thiệt.

Về nhiệm vụ trước mắt với tân Thủ tướng, ông Sinh cho rằng cần tiếp tục cải cách thể chế, tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền cho địa phương.

“Bản chất thể chế quản lý Nhà nước đang bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Nhà nước không thể ‘đồng phục’ trong cả tổ chức bộ máy, quản lý kinh tế và phát huy nguồn nhân lực. Chính vì vậy, vừa qua rất nhiều địa phương vừa qua đã đề xuất với Chính phủ, Quốc hội xin các chính sách đặc thù. Đây cũng là thách thức chờ tân Thủ tướng xem xét, giải quyết hài hòa”, ông nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách) nhận định tân Thủ tướng có 3 lợi thế.

Thứ nhất, là người trưởng thành từ ngành bảo vệ pháp luật, tân Thủ tướng sẽ biết vận hành bộ máy theo đúng quỹ đạo một cách có kỷ cương, quy tắc. Như vậy, kỷ cương phép nước sẽ được bảo đảm.

Lợi thế thứ hai là con người hành động. Đại biểu Vân nhắc lại giai đoạn ông Phạm Minh Chính giữ chức Bí thư Quảng Ninh, góp phần tạo ra những kết quả rất rõ nét, từ tổ chức bộ máy cho đến vận hành thiết chế kinh tế ở địa bàn có nhiều lợi thế. Ông Vân đặc biệt nhấn mạnh vai trò người đứng đầu trong tìm kiếm chính sách, biến thách thức thành cơ hội.

“Thành quả mà Quảng Ninh đạt được không thể không nói đến vai trò của ông Phạm Minh Chính”, vị đại biểu tỉnh Cà Mau khẳng định. Theo ông, lợi thế về kinh nghiệm và tầm nhìn chính sách sẽ giúp tân Thủ tướng tạo xung lực mới trong đột phá chính sách, huy động nguồn lực của cả nước cho đầu tư phát triển.

Lợi thế thứ ba, theo ông Vân, trên cương vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Phạm Minh Chính là người đề xuất, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương ban hành nhiều văn bản về thể chế tổ chức, nhân sự.

“Đây cũng chính là lợi thế để tân Thủ tướng cầm cương duy trì trật tự, kỷ cương trong bộ máy và công tác nhân sự. Đặc biệt là việc biết vận hành đội ngũ cộng sự của mình trong Chính phủ, đánh giá đúng điểm mạnh của từng thành viên Chính phủ để sắp xếp, sử dụng con người”, ông Vân phân tích.

Từ những lợi thế phân tích, ông Vân kỳ vọng Chính phủ khóa mới dưới sự điều hành của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có những đột phá mới.

Bên cạnh đó, ông Vân phân tích nhiều khó khăn tân Thủ tướng cần đối mặt. Đầu tiên là thể chế, chính sách còn ngổn ngang nhiều vấn đề, ví dụ như thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, thể chế về tổ chức bộ máy đang trong quá trình hoàn thiện và đặc biệt, thể chế về nhân sự còn rất nhiều vấn đề bất cập, từ lựa chọn theo tiêu chí hình thức hay nội dung, theo tiêu chí về bằng cấp hay thực chứng…

Thứ hai là áp lực về những tồn tại trong đầu tư công, tài chính công. Ông Vân cho rằng Chính phủ mới cần vận hành để tạo ra xung lực mới trong bối cảnh gần như không có thay đổi về nguồn lực, thậm chí dư địa huy động nguồn lực còn hẹp hơn.

“Tôi tin tân Thủ tướng sẽ có nghệ thuật để tạo xung lực mới”, ông Vân nói và góp ý Chính phủ cần huy động sức mạnh, gây dựng niềm tin của nhân dân trong xã hội.

Theo ông Vân, “đó là những áp lực, thách thức với tân Thủ tướng, gỡ được là cái tài của người lãnh đạo”.

Đại diện cho cử tri vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) đánh giá Chính phủ là cơ quan hành pháp lãnh đạo, chỉ đạo tất cả lĩnh vực nên vị trí, vai trò của Thủ tướng rất quan trọng.

Cho rằng tân Thủ tướng nhận nhiệm vụ trong một giai đoạn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc ngăn chặn đại dịch Covid-19, song theo ông Hòa, với kinh nghiệm và bản lĩnh, tân Thủ tướng sẽ vượt qua được áp lực này.

Ông mong tân Thủ tướng tiếp tục duy trì thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề rất hệ trọng với người dân trong vùng.

Bên cạnh đó, tính liên kết vùng nơi đây còn kém nên “mỗi nơi làm một kiểu”, mang tính cục bộ địa phương, vì vậy, vị đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng rất cần tác động lớn từ Thủ tướng để có sự chỉ đạo thống nhất. Có như vậy, trong nhiệm kỳ mới, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khí thế mới để vươn xa hơn.

Đặc biệt, hạ tầng giao thông được coi là "món nợ" của Chính phủ và Quốc hội khóa XIV với người dân vùng này. Đại biểu Hòa kỳ vọng tân Thủ tướng sẽ điều hành để giải quyết dứt điểm.

“Hiện, Chính phủ đã bố trí vốn đầu tư trung và dài hạn cho Đồng bằng sông Cửu Long nhưng vốn còn eo hẹp nên phân kỳ đầu tư cần tính toán. Nếu Thủ tướng điều hành tốt, tôi tin hạ tầng giao thông của vùng sẽ khởi sắc, kết nối giao thông tốt với TP.HCM, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và cả nước. Như vậy, kinh tế vùng sẽ phát triển, đời sống người dân sẽ khấm khá hơn”, ông Hòa nhấn mạnh.

Đại biểu tỉnh Cà Mau Thái Trường Giang nhìn nhận tân Thủ tướng là lãnh đạo năng nổ, xông xáo và quyết liệt. Ông đặt nhiều kỳ vọng, đặc biệt trong tinh thần cải cách, hạn chế được việc “đưa vào, rút ra” trong ban hành các chính sách.

Đánh giá về áp lực với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Giang cho rằng trước hết là đại dịch Covid-19 còn hiện hữu và chưa biết bao giờ mới kết thúc. Trong khi đó, Việt Nam đang tính toán mở lại một số đường bay quốc tế, đây là những thách thức rất lớn, nhưng đan xen trong đó cũng có không ít cơ hội.

Ông Giang kỳ vọng Chính phủ nhiệm kỳ tới sẽ thực hiện mạnh mẽ các kế hoạch, chiến lược, đặc biệt là Nghị quyết 120 cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện xây dựng đường cao tốc về Cà Mau, phát triển mạng lưới đường vành đai ven biển...

Ông cũng “hiến kế” cho tân Thủ tướng trong việc thành lập Tổ Tư vấn Thủ tướng, có vai trò tương tự như Tổ công tác Thủ tướng nhiệm kỳ khóa XIV. Đây phải là đơn vị độc lập, khách quan với sự tham gia của nhiều chuyên gia, được coi như “sứ giả” của Thủ tướng, chuyên đi rà soát các vướng mắc để về tham mưu cho Thủ tướng tháo gỡ.

Đại diện cho khối doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) chia sẻ ấn tượng về tân Thủ tướng “là một con người đặc biệt, có ý chí và thông minh”.

Qua những dịp gặp gỡ, tiếp xúc và làm việc trước đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận định tân Thủ tướng là có tư duy chiến lược, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đặc biệt, ông Phạm Minh Chính rất cầu thị, chịu khó lắng nghe ý kiến của những người xung quanh và có tài truyền cảm hứng cho mọi người.

“Lắng nghe nhưng lại rất quyết đoán, đó là tính cách rất nổi bật của tân Thủ tướng”, đại biểu Thân chia sẻ.

Với vai trò điều hành Chính phủ, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính được đại biểu Thân ví như người nhạc trưởng, các thành viên Chính phủ là nhạc công, cùng chơi bản nhạc là Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. "Nếu nhạc trưởng chỉ huy tốt, dàn nhạc chơi sẽ rất hay và ngược lại", ông Thân ví von.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn tân Thủ tướng sẽ quan tâm cải cách thủ tục hành chính. Đây là việc mà nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm tốt nhưng chưa thể xong trong một sớm một chiều. Vì vậy cần thiết tục thực hiện bài bản, không thể “cải cách bằng ý chí”.

Nếu nhiệm vụ này không được thực hiện hiệu quả, ông Thân cho rằng sẽ cản trở sự phát triển, đặc biệt của doanh nghiệp, làm tốn thời gian, phát sinh chi phí, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt.

Bên cạnh đó, tân Thủ tướng cần có cơ chế phối hợp nhuần nhuyễn giữa đầu tư công và đầu tư tư, không thể cực đoan chỉ có Nhà nước hoặc chỉ có tư nhân làm được, mà phải có sự kết hợp.

“Việc này tân Thủ tướng rất kinh nghiệm, vì đã có bài học từ Quảng Ninh. Tôi hy vọng ông phát huy được trên cương vị mới để huy động được các nguồn lực, không chỉ là tiền mà còn là tài năng, trí tuệ của doanh nghiệp”, ông Thân kỳ vọng.

Bên cạnh đó, theo ông Thân, dù đầu tư hay đi vay cũng cần tập trung ngay cho phát triển khoa học công nghệ.

Cho rằng tân Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp quản nhiệm vụ điều hành Chính phủ trong một giai đoạn nhiều khó khăn, nhất là tác động đại dịch Covid-19, song với những thành quả có được từ giai đoạn trước cộng với năng lực, kinh nghiệm và bản lĩnh của cá nhân, ông Thân cho rằng tân Thủ tướng sẽ giúp hoạt động của Chính phủ có nhiều bước đi đột phá.

“Dấu ấn của người tiền nhiệm là ông Nguyễn Xuân Phúc trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua rất lớn, nhưng đó không phải áp lực với người kế nhiệm. Với người có ý chí và cầu thị như tân Thủ tướng, đó lại là một động lực lớn”, ông Thân nhìn nhận.

Hoài Thu

Ảnh: Thuận Thắng - Nhóm phóng viênĐồ họa: Phượng Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ky-vong-voi-thu-tuong-pham-minh-chinh-post1200214.html