Kỳ vọng về tương lai thời kỳ hậu IS

Ngày 12-5, cử tri Iraq đi bỏ phiếu để bầu ra Quốc hội mới. Đây là cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên tại Iraq kể từ khi quốc gia Trung Đông này tuyên bố chiến thắng tổ chức khủng bố 'Nhà nước Hồi giáo' (IS) tự xưng.

Cuộc bầu cử lần này có khoảng 7.000 ứng cử viên, đại diện cho 205 tổ chức chính trị sẽ cạnh tranh để giành 329 ghế tại Quốc hội. Theo Ủy ban Bầu cử quốc gia Iraq, gần 24,5 triệu cử tri trong tổng số 38 triệu dân của Iraq đã đăng ký đi bầu cử. Ngoài 8.959 điểm bỏ phiếu trong nước, các điểm bỏ phiếu cũng được lập ở 21 quốc gia để cử tri Iraq ở nước ngoài thực hiện quyền công dân. Các nghị sĩ trúng cử từ danh sách của 87 chính đảng sau đó sẽ có nhiệm vụ thành lập chính phủ và bầu ra thủ tướng cùng tổng thống. Hiến pháp Iraq quy định thời hạn 90 ngày để thành lập chính phủ sau khi kết quả bầu cử được chính thức công bố. Dự kiến, kết quả sơ bộ sẽ được công bố trong 3 ngày tới.

Cảnh sát Iraq tham gia bỏ phiếu sớm trong ngày 11-5. Ảnh: Reuters

An ninh được thắt chặt trước và trong ngày bầu cử với việc Iraq cho đóng cửa toàn bộ sân bay và cửa khẩu 24 giờ trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử. Trước đó, IS đã đe dọa tấn công các điểm bỏ phiếu bầu cử ở Iraq. Mối đe dọa trở thành hiện hữu khi ngày 11-5, lực lượng an ninh Iraq đã tiêu diệt 6 đối tượng đánh bom liều chết. Những kẻ này âm mưu tiến hành tấn công vào các trung tâm bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 12-5 ở gần thủ phủ Tikrit của tỉnh Salahudin.

Theo Reuters, đây là cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên kể từ sau cuộc tấn công do Mỹ phát động năm 2003. Mặc dù chính phủ Iraq tuyên bố giành chiến thắng trước IS song an ninh vẫn là ưu tiên hàng đầu của người dân quốc gia Trung Đông này. Bên cạnh đó, tái thiết đất nước, cải thiện nền kinh tế và chống tham nhũng cũng là những ưu tiên mà cử tri Iraq đặt niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo mới sau cuộc bầu cử.

Hiện nay, hai lực lượng mạnh nhất có khả năng giành được chiến thắng là phe của Thủ tướng Haider al-Abadi và cựu lãnh đạo dân quân ủng hộ Iran Hadi al-Amiri. Các cuộc thăm dò trước thềm bầu cử cho thấy, ông Haider al-Abadi đang có lợi thế hơn đối thủ Hadi al-Amiri. Nhậm chức vào tháng 9-2014, thời điểm được đánh giá là cực kỳ khó khăn khi chính trường Iraq chia rẽ và IS lại hoành hành, Thủ tướng Abadi đã gặt hái nhiều thành công trên con đường phục hưng Iraq. Chính phủ của ông Abadi tuyên bố, chiến thắng IS, xoa dịu căng thẳng tôn giáo trong nước, bảo toàn chủ quyền và tính thống nhất của Iraq trước sự trỗi dậy của xu hướng ly khai trong người Kurd, “phá băng” mối quan hệ với các nước láng giềng và khéo léo cân bằng quan hệ với cả Mỹ lẫn Iran...

Tuy nhiên, thành tựu kể trên chưa đủ để bảo đảm chiến thắng cho ông Abadi. Vẫn còn một bộ phận cử tri không hài lòng với Thủ tướng Abadi, cho rằng chính quyền do người Hồi giáo Shi’ite dẫn dắt phải chịu trách nhiệm về thiệt hại do cuộc chiến chống IS vừa qua, cả về cơ sở vật chất lẫn thương vong cho dân thường. Đó là chưa kể việc chính quyền của ông Abadi chưa ngăn chặn được tình trạng tham nhũng trong chính phủ cũng như khôi phục kinh tế.

Khó khăn lớn cho cuộc bầu cử quốc hội là hầu hết các đảng phái đều bị nước ngoài gây ảnh hưởng. Trong khi Mỹ ủng hộ chính phủ Thủ tướng Haider al-Abadi thì Iran ủng hộ các lực lượng dân quân ở Iraq. “Sự tranh giành ảnh hưởng của hai yếu tố Mỹ và Iran trong cuộc bầu cử khiến người dân Iraq cảm thấy lo ngại về nguy cơ chia rẽ chính trị hậu bầu cử, gây cản trở cho tiến trình hòa hợp dân tộc sau nhiều năm chìm trong xung đột”, tờ Aljazzera nhận định.

Giới chuyên gia nhận định, nhiều khả năng sẽ không có bên nào giành được chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội ở Iraq. Do vậy, các bên sẽ phải cạnh tranh, tìm kiếm đối tác xây dựng một liên minh đủ lớn để nắm quyền. Khi đó, chính trường Iraq sẽ phải đối mặt với các cuộc đàm phán kéo dài và khó khăn, trước khi lựa chọn được người đứng đầu đất nước.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/ky-vong-ve-tuong-lai-thoi-ky-hau-is-538779