Kỳ vọng về gói kích thích kinh tế, chứng khoán Mỹ tăng kỷ lục

Chứng khoán Mỹ leo dốc phiên thứ 5 liên tiếp nhờ lực đẩy từ cổ phiếu công nghệ, Nasdaq lần đầu vượt ngưỡng 11.000 điểm.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đồng loạt tăng mạnh trong phiên 6/8 sau khi đón nhận số liệu việc làm tích cực, dẫn dắt thị trường là nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn. Giới đầu tư vẫn đang tập trung chờ đợi tiến triển trong quá trình đàm phán gói kích thích kinh tế mới.

 Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đồng loạt tăng mạnh trong phiên 6/8.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đồng loạt tăng mạnh trong phiên 6/8.

Chốt phiên giao dịch ngày 6/8, chỉ số Dow Jones tăng 185,46 điểm (tương đương 0,7%) lên 27.386,98 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 0,6% lên 3.349,16 điểm, còn Nasdaq Composite tăng 1% lên 11.108,07 điểm. Phiên leo dốc trong ngày 6/8 ghi nhận lần đầu tiên Nasdaq Composite đóng cửa trên ngưỡng 11,000 điểm và là phiên tăng thứ 7 liên tiếp của chỉ số này. Cả Dow Jones và S&P 500 chứng kiến 5 phiên leo dốc liên tiếp. S&P 500 cũng chỉ còn cách 1,3% so với mức cao kỷ lục đã xác lập vào ngày 19/2.

Nhóm công nghệ dẫn dắt đà đi lên của thị trường. Cổ phiếu Apple nhảy vọt hơn 6%, Apple nhích 3,5%. Amazon và Microsoft tăng lần lượt 0,6% và 1,6%. Đây là những cổ phiếu đóng góp tích cực nhất và đà hồi phục ấn tượng của sàn Phố Wall sau khi chạm mức đáy ngày 23/3.

Dryden Pence - giám đốc đầu tư tại Pence Wealth Management, cho biết: “Thị trường đang đi lên một cách đáng ngạc nhiên. Nhà đầu tư lo sợ lỡ cơ hội và nhóm cổ phiếu công nghệ vẫn đang dẫn dắt thị trường".

Giới đầu tư hiện chờ thông tin gói kích thích mới trị giá 1.000 tỷ USD từ chính phủ Mỹ để đối phó đại dịch Covid-19. Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã đặt ra hạn chót là hôm nay để đạt thỏa thuận.

Trao đổi với CNBC, Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell hôm 6/8 cho biết các nhà lập pháp vẫn đang bất đồng với nhau về qui mô gói cứu trợ kinh tế tiếp theo.

Thượng nghị sĩ McConnell nói thêm rằng dự luật cứu trợ muốn được Thượng viện thông qua thì sẽ phải có điều khoản bảo vệ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch khỏi các vụ kiện nếu có người nhiễm Covid-19 trong công việc. Đảng Dân chủ thì lo ngại điều khoản miễn kiện tụng này sẽ khiến các doanh nghiệp hành động thiếu trách nhiệm hơn, gây thiệt hại cho người lao động và khách hàng.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi lại chỉ trích Đảng Cộng hòa không quan tâm gì tới những nhóm người yếu thế. Tuy nhiên theo CNBC, bà Pelosi cũng nói thêm rằng hai đảng sẽ tìm được một giải pháp giải quyết tình trạng bế tắc hiện nay.

Nhà bình luận thị trường Jim Cramer của CNBC nhận xét: "Nếu Quốc hội không thống nhất được gói cứu trợ mới, thị trường chứng khoán sẽ bán tháo".

Các số liệu kinh tế Mỹ công bố ngày 6/8 khá trái chiều. Bộ Lao động Mỹ thông báo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước (kết thúc ngày 1/8) là 1,186 triệu người, thấp hơn nhiều so với mức 1,423 triệu mà Dow Jones dự báo và cũng là mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở Mỹ đến nay.

Tuy nhiên, báo cáo khác lại cho thấy số việc làm bị cắt giảm tăng 54% trong tháng 7. Báo cáo việc làm tháng 7 sẽ được chính phủ Mỹ công bố trong ngày 7/8.

Mùa báo cáo tài chính quý II tại Mỹ vẫn đang tiếp tục. Hiện tại, 424 công ty thuộc S&P 500 đã công bố số liệu. 22,5% số này có kết quả cao hơn dự báo./.

Nguyễn Thu (Theo CNBC)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ky-vong-quoc-hoi-thong-nhat-ve-goi-kich-thich-kinh-te-chung-khoan-my-tang-ky-luc-392479.html