Kỳ vọng vào việc hiện thực hóa các ý tưởng của WEF ASEAN

'Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) là nơi khởi nguồn nhiều ý tưởng và sáng tạo mang tầm chiến lược toàn cầu. Chúng tôi kỳ vọng vào sự hợp tác, hiện thực hóa các ý tưởng trong hội nghị. Việt Nam mong muốn cùng WEF thúc đẩy đối thoại, tăng cường đối tác vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng', Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Đổi mới tạo ra tầm nhìn đa chiều

Chiều 13-9, sau 3 ngày làm việc khẩn trương với gần 60 phiên thảo luận sôi nổi, thực chất, Hội nghị WEF về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) chính thức bế mạc. Hội nghị thực sự là ngày hội giao lưu các ý tưởng, đánh giá sâu sắc nhiều chiều về các vấn đề quan trọng của ASEAN trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Tại các phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã đưa ra các nhận thức mới, kinh nghiệm, chính sách để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và sức sáng tạo cho người dân.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình phát biểu bế mạc Hội nghị WEF ASEAN 2018. Ảnh: WEF

Phát biểu bế mạc, Phó Thủ tướng thường trực khẳng định: “Chỉ có đổi mới sáng tạo với tầm nhìn đa chiều mới đưa các quốc gia và doanh nghiệp tiến lên. Chính phủ và doanh nghiệp cần phát huy nội lực để tạo nên động lực tăng trưởng mới trong thế giới chuyển động của CMCN 4.0”.

Nói về quyết tâm và hành động của Việt Nam, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng và đang nỗ lực kiến tạo môi trường phát triển; khuyến khích người dân đặc biệt là giới trẻ phát triển thế giới số siêu kết nối số thông minh; tạo cơ hội cho mọi người dân tiếp cận thông tin mới, thị trường mới; xây dựng nền giáo dục mở; bảo đảm mọi người dân thừa hưởng tiến bộ của công nghệ.

Hoan nghênh nhiều ý tưởng trong hội nghị về việc người dân trang bị các kỹ năng số để dáp ứng yêu cầu của việc làm mới, Phó Thủ tướng chỉ rõ, CMCN 4.0 là cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư. Sự biến chuyển thế giới tạo cơ hội và thách thức để ASEAN hiện thực hóa tầm nhìn khu vực; tăng cường phát huy nội lực; tăng cường hợp tác…

“WEF là nơi khởi nguồn nhiều ý tưởng và sáng tạo mang tầm chiến lược toàn cầu. Chúng tôi kỳ vọng vào sự hợp tác, hiện thực hóa các ý tưởng trong hội nghị. Việt Nam mong muốn cùng WEF thúc đẩy đối thoại, tăng cường đối tác vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để quý vị cảm nhận văn hóa lịch sử của Việt Nam, đồng thời là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn lớn trên thế giới”.

CMCN 4.0 là cách mạng tư duy

Diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11 đến 13 tháng 9, hội nghị lần thứ 27 của WEF ASEAN quy tụ hơn 1000 đại biểu đại diện cho các chính phủ, doanh nghiệp tới tham dự để định hình tương lai của CMCN 4.0. Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab cho biết: "WEF ASEAN 2018 là hội nghị cao cấp nhất mà WEF từng có của khu vực. Điều này thể hiện rõ tiềm năng, sự tăng trưởng của 10 quốc gia ASEAN trong bối cảnh quốc tế đang bị phân mảnh".

Nói về thành công của hội nghị, đối tác quản lý toàn cầu của McKinsey & Company, Hong Kong SAR Kevin Sneader nhận định: “Có rất nhiều điều khả quan trong việc chúng ta trao đổi về lạm phát, sự tăng giá của đồng đô la. Mặc dù trong ngắn hạn vẫn có xáo trộn nhưng ASEAN sẽ không quá khó khăn để vượt qua, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Tất cả chúng ta đều lạc quan. Mọi thứ thay đổi theo giờ, theo từng khu vực địa lý nhưng chúng ta vẫn cần đến các thỏa thuận thương mại. ASEAN đã thu hút được rất nhiều nguồn đầu tư từ Nhật Bản, Trung Quốc”.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình bắt tay Chủ tịch WEF Borge Brende. Ảnh: WEF

Trong khi đó, đại diện của tổ chức Plan International thì cho rằng, hội nghị có nhiều chương trình nghị sự mà các tổ chức tư nhân và xã hội đang quan tâm như là phát triển bao trùm, tác động của nền kinh tế số, tương lai việc làm, những rủi ro về tin giả, quấy rối nơi công sở. Mỗi phiên thảo luận đều mang lại những thông tin hữu ích cho mọi người để hiểu rõ hơn và chuẩn bị tâm thế bước vào CMCN 4.0.

Về kinh nghiệm tổ chức sự kiện của Việt Nam cũng như khả năng tiếp cận CMCN 4.0, các đại biểu đều cho rằng, Việt Nam có khả năng phát triển vô cùng mạnh mẽ. Trình bày rõ hơn những vấn đề Việt Nam quan tâm, quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam đang phấn đấu xây dựng chính quyền tinh gọn và thông minh. Với người dân, kỹ năng mềm rất quan trọng.

“Trong quá khứ, công nghệ chỉ giúp cải thiện cuộc sống, nhưng bây giờ công nghệ mới làm thay đổi cách thức chúng ta sống và quản trị. Không chỉ là hưởng thụ, chúng ta phải thay đổi tư duy. Công nghệ có thể thay đổi nhanh nhưng con người thì cần thời gian. Đây là vấn đề quan trọng. Chúng ta phải đào tạo con người sao cho có thể thích ứng trong thời gian phù hợp, với những kỹ năng mềm, dẫn dắt sự thay đổi. CMCN 4.0 là cách mạng tư duy”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

H.Chi-L.Đan

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/ky-vong-vao-viec-thuc-hien-hoa-cac-y-tuong-cua-wef-asean-510348/