Kỳ vọng vào một cuộc chuyển mình

Trong suốt thời gian dài, vận tải đường sắt bị các loại hình giao thông khác bỏ xa, không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. Trước tình hình đó, mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bố trí 7.000 tỷ đồng cho 4 dự án cấp bách của đường sắt. Với gói kinh phí này, ngành đường sắt kỳ vọng tạo sự đột phá cạnh tranh với các loại hình vận tải khác.

Ngày 31-7-2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH14 về phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án đường sắt và các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách. Theo đó, 7.000 tỷ đồng được cấp cho 4 dự án đường sắt và 8.000 tỷ đồng cấp cho 10 dự án đường bộ.

Thông tàu đường sắt đoạn qua Đèo Cả (tỉnh Phú Yên), năm 2017.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chia sẻ: "Với gói kinh phí trên, ngành tập trung ưu tiên lựa chọn thực hiện các công trình thiết yếu, như: Bảo đảm an toàn chạy tàu; đồng nhất tải trọng toàn tuyến và tăng năng lực vận chuyển. Ngành cũng kỳ vọng khi hoàn thành sẽ bảo đảm mục tiêu tăng năng lực thông qua của đoàn tàu, bảo đảm an toàn giao thông, nâng cao kết cấu chạy tàu, giảm xốc lắc khi tàu chạy, nâng cao chất lượng dịch vụ. Mặc dù, không đặt mục tiêu tăng tốc độ chạy tàu, nhưng tốc độ chạy tàu có thể được cải thiện ở một số khu đoạn do kết cấu hạ tầng đường sắt phù hợp (ray, hầm, cầu yếu, đường ke ga mở rộng và kéo dài giúp tránh tàu, tăng năng lực thông qua)".

Theo đó, VNR đề xuất 4 dự án chi tiết, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội-Vinh tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đồng; đoạn Nha Trang-Sài Gòn tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp các hầm yếu và những công trình thiết yếu đoạn Vinh-Nha Trang 1.800 tỷ đồng và dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội-TP Hồ Chí Minh 1.800 tỷ đồng. VNR tập trung cải tạo, nâng cấp 111 cầu yếu nhằm mục tiêu đồng nhất tải trọng 4,2 tấn/m, bảo đảm an toàn và nâng cao tốc độ chạy tàu đạt bình quân 80km/giờ. Ngoài ra, thực hiện cải tạo, mở thêm đường số 3 đối với 7 ga; kéo dài đường ga đảm bảo chiều dài dùng được hơn 400m đối với 27 ga; mở mới 12 ga và trạm nhường tránh để giải quyết nút thắt về vận tải.

Theo ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc VNR, trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, việc lựa chọn danh mục đầu tư như trên là có trọng điểm, phù hợp với quy hoạch được duyệt. Xác định các công trình thiết yếu cần đầu tư theo từng dự án cụ thể, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả khi đưa vào khai thác là chủ trương của ngành.

Trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, để đầu tư nâng cấp ngành đường sắt phải cần số tiền lên đến hàng chục tỷ đô-la. Song, trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, việc Nhà nước đầu tư 7.000 tỷ đồng để nâng cấp đường sắt là một nỗ lực lớn, mở ra kỳ vọng mới cho ngành đường sắt. Đây là bước khởi đầu thuận lợi để triển khai thực hiện những mục tiêu tiếp theo. Bởi vậy, khi triển khai các dự án của ngành cần có sự giám sát của Quốc hội, các dự án phải được đấu thầu công khai, minh bạch, tránh để thất thoát tài sản của Nhà nước. Về lâu dài, để giải quyết khó khăn tài chính cho ngành đường sắt, cần huy động thêm các nguồn vốn xã hội, kêu gọi cả trong nước và ngoài nước; có những chính sách phù hợp để thu hút đầu tư.

Với quyết tâm và sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước, đông đảo người dân đang kỳ vọng vào sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành đường sắt. Nhưng, trong khi chờ đợi một diện mạo mới thì trước tiên ngành đường sắt cần có những biện pháp cụ thể nhằm gia tăng chất lượng dịch vụ, lấy lại niềm tin để thu hút khách hàng; đồng thời phát huy tốt vai trò hữu ích của mình thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh...

Bài và ảnh: VĂN THI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ky-vong-vao-mot-cuoc-chuyen-minh-550504