Kỳ vọng vào lớp biên đạo múa trẻ, tài năng

Liên hoan nghệ thuật Múa TP Hồ Chí Minh mở rộng lần thứ 6 đã khép lại vào cuối tháng 11 vừa qua. Không ít niềm vui được thắp lên trong giới chuyên môn nghệ thuật múa thành phố khi liên hoan lần này đã giới thiệu một lớp diễn viên, biên đạo trẻ nhiều triển vọng.

Tác phẩm "Sắc tình Tây Bắc" (vũ đoàn Bạch Dương) đoạt giải B tại Liên hoan nghệ thuật Múa TP Hồ Chí Minh mở rộng lần thứ 6.

Tác phẩm "Sắc tình Tây Bắc" (vũ đoàn Bạch Dương) đoạt giải B tại Liên hoan nghệ thuật Múa TP Hồ Chí Minh mở rộng lần thứ 6.

Liên hoan nghệ thuật Múa TP Hồ Chí Minh mở rộng lần thứ 6 đã khép lại vào cuối tháng 11 vừa qua. Không ít niềm vui được thắp lên trong giới chuyên môn nghệ thuật múa thành phố khi liên hoan lần này đã giới thiệu một lớp diễn viên, biên đạo trẻ nhiều triển vọng.

Liên hoan lần này thu hút đông đảo diễn viên đến từ các đơn vị công lập và ngoài công lập với 55 tác phẩm dự thi ở nhiều thể loại. Mục đích và tiêu chí lớn nhất của liên hoan là tạo sự “thăng hoa” trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ từ sáng tác đến biên đạo và biểu diễn. Đây còn là dịp các nghệ sĩ giao lưu nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng hoạt động nghệ thuật của mình. Mỗi kỳ liên hoan luôn có nhiều tác phẩm đặc sắc được đồng nghiệp đánh giá cao về tài năng chuyên môn và tính sáng tạo.

Chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa TP Hồ Chí Minh Lê Nguyên Hiều cho biết, từ lâu, liên hoan được xem là “thương hiệu” của Hội nghệ sĩ Múa thành phố và được tổ chức định kỳ hai năm một lần. Qua mỗi kỳ liên hoan, nhiều tài năng múa được phát hiện, bồi dưỡng. Đây cũng là dịp để các nhà chuyên môn đánh giá chất lượng mặt bằng chung của nghệ thuật múa thành phố nói riêng và phía nam nói chung.

Ấn tượng đầu tiên ở liên hoan chính là sự đa dạng trong cách thể hiện, chủ đề và thể loại. Khán giả thích thú với hình ảnh hồn nhiên của Lượm (tác phẩm Lượm ơi), rồi lại đắm chìm trong sắc màu của những vũ điệu miền núi phía bắc, hay ngược dòng lịch sử để nghe lại câu chuyện Lệ Chi Viên được thể hiện qua ngôn ngữ múa độc đáo…

Trên sâu khấu, biên độ sáng tạo của các biên đạo, diễn viên dường như được “kích hoạt” tối đa nhưng vẫn tạo nên thẩm mỹ và cảm xúc chân thật cho người xem. Hầu hết các tiết mục dự thi đều có sự chuẩn bị chu đáo, được đầu tư kỹ lưỡng đã mang đến cho khán giả những giây phút thưởng thức nghệ thuật đúng nghĩa. Nhiều đơn vị dự thi đã tập trung khai thác nét đặc sắc vùng miền như Sắc tình Tây Bắc, Hồn Khơ Mú, Noọng ơi… mang đến cho liên hoan màu sắc tươi mới.

Theo Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hà Thế Dũng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo liên hoan, tất cả các tác phẩm dự thi đã được xây dựng có ý tưởng, nội dung, kết cấu chặt chẽ, sáng ý, kết hợp với sự lựa chọn âm nhạc phù hợp đã làm tăng thêm cảm xúc cho các tác phẩm.

Một trong những nét nổi bật của liên hoan chính là dấu ấn của những biên đạo trẻ. Đối với những tác phẩm đã định hình theo năm tháng, các biên đạo trẻ đã làm mới bằng những sáng tạo của riêng mình làm cho tác phẩm mang sức sống mới và tạo được sức hút riêng. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm mới được các biên đạo trẻ thực hiện như Noọng ơi, Hồn Khơ Mú, Gia tài của cha mẹ… tạo nên sự mới lạ, tươi trẻ cho liên hoan.

Hội đồng giám khảo đã trao bốn giải biên đạo triển vọng cho Lâm Thế Vinh - Trần Đức Hồng Duyên (biên đạo tác phẩm Đoạn, vũ đoàn Phương Việt); Nguyễn Anh Quân, Trần Phước Tín, Trần Đức Trung (tác phẩm Gia tài của cha mẹ, Trường trung cấp Múa TP Hồ Chí Minh); Nguyễn Thiện Nhất (tác phẩm Thanh xuân để lại, Phân hội múa An Giang); Trần Nguyễn Trâm Anh (tác phẩm Thức, thí sinh tự do). Mỗi biên đạo đều tạo ấn tượng cho giới chuyên môn và khán giả bởi ý tưởng, cách thể hiện giàu tính sáng tạo. Thông qua nghệ thuật múa đương đại, người xem đồng cảm, rung động trước bài học về tình anh em trong Gia tài của cha mẹ; tự hào về những người đã bỏ lại thanh xuân của mình để giữ gìn độc lập, tự do cho quê hương, đất nước trong Thanh xuân để lại…

Qua liên hoan, những người làm nghề không khỏi tự hào, hạnh phúc khi nhận thấy nghệ thuật múa phía nam đang phát triển mạnh. Thành quả của liên hoan là niềm hy vọng cho một tương lai tốt đẹp của nghệ thuật múa…

Xây dựng tác phẩm nghệ thuật phải phát huy được tiềm năng trí tuệ, sức sáng tạo, công sức của nghệ sĩ nói riêng, nhà tổ chức nói chung; phải thật sự là một “cú huých” trong việc huy động mọi nguồn lực để tạo nên một tác phẩm có giá trị. Trong thời đại 4.0, các nhà quản lý, tác giả, biên đạo cần phải cập nhật thực tiễn, phải thay đổi chính mình thì mới có thể đưa nghệ thuật múa phát triển. Khi có chuyên môn vững vàng, ý thức chính trị đúng đắn, đạo đức nghệ thuật trong sáng, đội ngũ này sẽ đáp ứng đúng và đủ trong hoạt động nghệ thuật, góp phần đổi mới tư duy về hưởng thụ văn học nghệ thuật trong toàn xã hội, NSND Hà Thế Dũng chia sẻ.

Bài, ảnh: BẢO LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/ky-vong-vao-lop-bien-dao-mua-tre-tai-nang-629365/