Kỳ vọng và hệ lụy

Điểm thi tuyển vào lớp 10, trường chuyên – chất lượng cao của từng địa phương lần lượt được công bố, bên cạnh thí sinh nhận niềm vui có không ít người nặng nỗi buồn.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Trên trang Facebook của bạn trẻ không đạt được kết quả như ý đã dần lộ những cơn khủng hoảng khi đối diện với thất bại trong thi cử. Mặc cảm tội lỗi, thất vọng, thấy mình vô dụng không bằng "con người ta", chỉ muốn chết… là trạng thái tiêu cực đầy ám ảnh.

Rối loạn tâm thần, thậm chí có suy nghĩ muốn tự tử... là những sang chấn tâm lý của tuổi học trò thường xuất hiện nhiều vào mùa thi. Và có nhiều câu chuyện đau lòng đã diễn ra… Mùa thi năm 2018, tại Trường NK (TPHCM) nam sinh lớp 10 tên C. đã nhảy lầu tự tử. Trước đó, em để lại thư tuyệt mệnh với nội dung không chịu nổi áp lực trong học tập và từ gia đình. Tương tự là câu chuyện của nữ sinh lớp 7 Trường THCS TL (Hà Tĩnh). Trong lá thư tuyệt mệnh để lại trước khi làm điều dại dột, nữ sinh này đã xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút, không đạt được kỳ vọng của bố mẹ.

Trầm cảm là bệnh lý của bộ não, trong đó có sự thay đổi chất dẫn truyền thần kinh. Theo các bác sĩ, dù không phải nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh trầm cảm, nhưng những căng thẳng trong học tập có thể thúc đẩy bệnh "nền" có sẵn trong trẻ, dẫn tới sự khởi phát của bệnh. Với học sinh có khả năng chịu đựng và thích nghi kém, áp lực trước những kỳ thi nhiều thử thách hay sau thất bại trong học tập có thể gây ra vấn đề tiêu cực. Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) từng thống kê: Một năm khám và điều trị cho khoảng 3.000 bệnh nhân nội trú và 36.000 bệnh nhân ngoại trú. Trong đó, nhóm học sinh - sinh viên đến khám và điều trị chiếm xấp xỉ 10%. Thời điểm học sinh đến khám và điều trị đông nhất tập trung vào dịp ôn thi tốt nghiệp, đại học.

Trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của học sinh, nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh việc trang bị cho các em vốn kiến thức vững vàng nhất trước mỗi kỳ thi, ở nhiều trường học, thầy cô còn phân tích cho các em những phương án dự phòng nếu bị "trượt", phát huy những bài học đạo đức về ý nghĩa cuộc sống, trân trọng sự tồn tại của bản thân, ươm mầm bản lĩnh và sức mạnh để các em dũng cảm vượt qua thất bại. Việc tổ chức các nhóm tư vấn cho học sinh trượt nguyện vọng sau mỗi kỳ thi cũng được một số trường quan tâm, không chỉ sát cánh động viên mà còn cùng các em vạch ra hướng đi khác.

Bên cạnh sự nỗ lực của nhà trường, gia đình là thành tố quyết định. Kỳ vọng vào con là điều hoàn toàn chính đáng nhưng cha mẹ cần đúng mực để trẻ được sinh hoạt, học tập trong môi trường tốt nhất. Đặt kỳ vọng quá lớn vào trẻ, rồi trách mắng, so sánh với trẻ khác khi con thất bại trong học tập là con đường ngắn nhất đẩy các em đến những hành động nông nổi. Bởi đứa trẻ nào cũng mong muốn trở thành niềm tự hào của cha mẹ. Nếu cha mẹ chỉ chăm chăm mục tiêu về điểm số mà quên đi việc giúp con rèn luyện bản lĩnh rất có thể sẽ tạo ra "những con robot có bảng điểm đẹp nhưng dễ sa sút khi vấp phải thất bại trong cuộc sống".

Bức thư được cho là của một thầy hiệu trưởng Singapore gửi tới các phụ huynh dậy sóng trên mạng xã hội Reddit vào năm 2016 vẫn còn nguyên giá trị cho những ai quan tâm đến thế hệ trẻ vào mỗi mùa thi: "Nếu con bạn đạt điểm cao, điều đó thật là tuyệt vời. Nhưng nếu con không thể, xin đừng làm mất đi sự tự tin và nhân phẩm của con. Hãy nói với con rằng: Ổn thôi mà, đó chỉ là một kỳ thi. Con được sinh ra trên đời cho những điều lớn lao nhiều hơn thế. Hãy nói với con rằng, dù điểm số của con là bao nhiêu, cha mẹ vẫn yêu con và không hề phán xét".

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ky-vong-va-he-luy-1596079549443.html