Kỳ vọng từ khu đô thị sáng tạo

Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) và Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP Hồ Chí Minh hai trụ cột quan trọng trong việc xây dựng khu đô thị sáng tạo (ĐTST) phía đông của thành phố. Việc hình thành Khu ĐTST sẽ giúp kiến tạo nhiều ý tưởng, ứng dụng khoa học công nghệ mới…, tạo tiền đề, đòn bẩy để thành phố phát triển nhanh và bền vững.

Cuối năm 2017, cùng với Ðề án xây dựng đô thị thông minh, TP Hồ Chí Minh cũng có ý tưởng hình thành khu ÐTST phía đông thành phố với tổng diện tích khoảng 22.000 ha thuộc ba quận 2, 9 và Thủ Ðức. Ðây là nơi có cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá hiện đại, có các trường đại học, viện nghiên cứu tập trung, có nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ cao, cũng là nơi thu hút nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao. Cụ thể, phía đông thành phố hiện có SHTP (quận 9), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và 12 trường đại học, sáu viện nghiên cứu thuộc ÐHQG thành phố Hồ Chí Minh trên địa bàn quận Thủ Ðức. Theo các chuyên gia, khu vực này có đủ yếu tố để xây dựng, phát triển khu ÐTST của thành phố trong tương lai gần.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Ðạt, Giám đốc ÐHQG thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2014, ÐHQG thành phố đã chủ trương xây dựng Khu công nghệ phần mềm (ITP) thành một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo gắn kết hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại thành phố và cả nước. Qua đó, làm nền tảng khởi nghiệp tiềm năng cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Ðến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đã và đang trực tiếp hỗ trợ 40 dự án khởi nghiệp. Các dự án khởi nghiệp này trực tiếp tạo ra 300 việc làm và là môi trường thực tập cho hàng trăm sinh viên mỗi năm. ÐHQG thành phố đặt mục tiêu, đến năm 2020, ITP sẽ trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp năng động ở phía đông thành phố; là nơi tập trung của khoảng 100 DN khởi nghiệp với 2.000 việc làm, thực tập của 2.000 sinh viên mỗi năm để hướng đến xây dựng Khu đô thị Ðại học sáng tạo, thông minh.

Bản chất của Khu đô thị Ðại học sáng tạo, thông minh là nơi có các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao. Thực tiễn từ các nước cho thấy, các hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo luôn gắn với sự tiên phong của các trường đại học, đóng vai trò là nguồn cung các nhà "cách tân" và DN khởi nghiệp tiềm năng, chủ thể của hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp.

Từ thực tiễn ở Hàn Quốc, Giáo sư Dung Hô Kim (Jeong Ho Kim), Giám đốc Ðại học Gangwon (Hàn Quốc) so sánh: Hàn Quốc có khoảng 20 khu đô thị sáng tạo (khu đô thị thông minh) lớn nhỏ; diện tích của khu ÐTST phía đông TP Hồ Chí Minh lớn gấp 20 lần so với đô thị sáng tạo Pangyo, đủ sức để phát triển công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, khu dân cư thương mại cao cấp, các trường - viện… tạo thành các cụm để tương tác phát triển.

Thực tế ở các nước tiên tiến cho thấy, khu ÐTST luôn gắn với các trường đại học, viện nghiên cứu. Tuy nhiên, để hiện thực hóa những nghiên cứu, sáng kiến, ý tưởng sáng tạo của các nhà khoa học vào thực tế đời sống xã hội phải cần có các DN sẵn sàng tiếp nhận, ứng dụng triển khai. SHTP là nơi lý tưởng để thương mại hóa những sáng kiến mới của các nhà khoa học.

SHTP hiện có 148 dự án còn hiệu lực, trong đó tập trung ưu tiên thu hút đầu tư bốn lĩnh vực: Vi điện tử - Công nghệ thông tin - Viễn thông (33,78%); Cơ khí chính xác - Tự động hóa (18,91%); Công nghệ sinh học (12,16%); Vật liệu mới - Năng lượng mới (4,05%); còn lại là các lĩnh vực dịch vụ, nghiên cứu, phát triển hạ tầng và đào tạo. "SHTP đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với các thành tố quan trọng như các DN công nghệ cao, viện nghiên cứu, trường đại học... Với hệ sinh thái khởi nghiệp đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, có sự tham gia của nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, SHTP có vị trí chủ đạo, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của khu ÐTST phía đông thành phố", Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, nguyên Trưởng Ban Quản lý SHTP cho biết thêm.

Ông Cô Mui Quang (Koh Mui Kwang), Giám đốc Ascendas - Singbridge tại Việt Nam (Tập đoàn phát triển đô thị bền vững và cung cấp các giải pháp về không gian làm việc hàng đầu châu Á) nhận định: "Phía đông TP Hồ Chí Minh có các trường đại học, nguồn nhân lực trẻ, SHTP là nơi lý tưởng để kết nối các trường đại học với DN công nghệ cao để ươm mầm khởi nghiệp, triển khai các sáng kiến khoa học vào thực tiễn. Ðiều quan trọng hiện nay là làm sao để kết nối được các nhà khoa học, các nghiên cứu với DN để thương mại hóa. Làm được điều này, việc xây dựng Khu ÐTST phía đông thành phố sẽ rất thuận lợi".

Khu vực phía đông thành phố dù được đánh giá có nhiều điều kiện, tiềm năng để trở thành khu ÐTST, nhưng thực tế, ở khu vực này vẫn còn thiếu sự liên kết giữa các đơn vị để khai thác, tận dụng hết tiềm năng cho sự phát triển chung. Sự phát triển của các đơn vị có xu hướng diễn ra riêng lẻ, chưa được đồng bộ hóa, tích hợp về tầm nhìn và mục tiêu chung.

Trong khi đó, sự kết nối được coi là tâm điểm quan trọng để có thể tận dụng triệt để thế mạnh của các bên trong khu vực, là một trong những điều kiện quan trọng tiến đến hình thành khu ÐTST, lại chưa được chặt chẽ. Cùng với đó, cần có sự gắn kết, tương tác giữa "tứ giác": Nhà nước - nhà DN - nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính trong việc xây dựng Khu ÐTST…

Nhanh chóng khắc phục những vấn đề còn vướng mắc để khu ÐTST phía đông thành phố sớm hình thành, trở thành "bệ phóng" cho nhiều ý tưởng mới, là hạt nhân cốt lõi thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và là nền tảng để triển khai Ðề án đô thị thông minh trên toàn TP Hồ Chí Minh..., đang là kỳ vọng của nhiều người.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/39274702-ky-vong-tu-khu-do-thi-sang-tao.html