Kỳ vọng từ Chương trình giáo dục phổ thông mới

Sáng nay (5/9) hàng triệu học sinh, sinh viên trên khắp mọi miền Tổ quốc tưng bừng khai giảng năm học mới (2018 - 2019). Cùng với ngành Giáo dục nước nhà, năm học này, Hà Nội đã nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đạt hiệu quả cao nhất.

Đảm bảo cơ sở vật chất, trường lớp

Theo ghi nhận những ngày này, thời tiết thuận lợi nên lễ khai giảng đều được chuẩn bị trong tâm trạng háo hức và phấn khởi. Mọi hoạt động tại các nhà trường đều lấy học sinh làm trung tâm. Các nghi lễ, phát biểu của các cấp lãnh đạo dự kiến sẽ được tinh giản tối đa... Đáng chú ý, năm học 2019 - 2020 được coi là năm “bản lề” để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, chương trình sẽ được triển khai từ lớp 1. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trường lớp được đặc biệt quan tâm.

Theo ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, quanh vấn đề này, ngành Giáo dục Thủ đô có nhiều quyết tâm khắc phục. Nỗ lực tối đa để từng bước đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Cụ thể, ngay từ thời điểm tổng kết năm học 2018 - 2019 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm học 2019 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu các trường nghiêm túc rà soát, bổ sung các khâu quản lý cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, nhất là việc đưa đón trẻ đến trường. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng hướng dẫn các trường quản lý thu, chi đầu năm học đúng quy định; công khai đường dây nóng của Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã để phụ huynh phản ánh về việc thu chi không đúng nếu có.

Bên thềm khai giảng, cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng về cơ bản đã chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ năm học mới 2019 - 2020. (Ảnh minh họa)

Bên thềm khai giảng, cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng về cơ bản đã chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ năm học mới 2019 - 2020. (Ảnh minh họa)

Việc bảo đảm cơ sở vật chất, trong đó ưu tiên các điều kiện tốt nhất cũng được quán triệt đến các trường. Theo thống kê, năm học 2019 - 2020, riêng trên địa bàn thành phố có 2.746 trường học các cấp với 2 triệu học sinh, tăng 40.000 học sinh so với năm học trước. Trong đó có 67 trường học các cấp xây dựng mới (34 trường thành lập mới) với tổng kinh phí khoảng 3.900 tỷ đồng.

Toàn thành phố đã cải tạo 407 trường học các cấp với tổng số tiền 5.200 tỷ đồng; mua sắm các trang thiết bị chuẩn bị cho năm học với tổng số tiền hơn 745 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2020 có hơn 70% số trường công lập đạt chuẩn, trong đó ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho các trường ở địa bàn còn khó khăn.

Khách quan nhìn nhận, trên địa bàn Hà Nội, do được sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ, toàn diện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, những năm gần đây, chất lượng giáo dục ở các nhà trường đã và đang có sự khởi sắc rõ nét. Khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các trường học dần được thu hẹp. Chẳng hạn, trong số 70 trường trung học phổ thông có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%, bên cạnh những trường vốn có truyền thống dạy tốt, học giỏi, đã xuất hiện một số trường ở các huyện ngoại thành: Gia Lâm, Đông Anh, Thường Tín, Thạch Thất…

Khắc phục tình trạng quá tải học sinh

Đồng bộ để tạo bước chuyển tích cực trong giáo dục

Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục sẽ tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học; nâng cao hiệu quả giáo dục dân tộc; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục; hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Với riêng ngành Giáo dục Thủ đô cũng xác định, bên cạnh công tác tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục thì sẽ tiếp tục chú trọng nâng chất lượng giáo dục theo hướng thực chất; tăng cường xây dựng nền nếp, kỷ cương; tạo bước chuyển mạnh về ý thức, trách nhiệm và chất lượng phục vụ.

Bên cạnh công tác đảm bảo cơ sở vật chất, trường lớp phục vụ năm học mới, tình trạng quá tải học sinh cũng được chú trọng khắc phục. Về cơ bản, sĩ số học sinh lớp 1 không còn “nóng” như mùa tuyển sinh trước. Tại quận Hà Đông, để chuẩn bị cho năm học 2019 - 2020, ngay từ đầu hè, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 145/KH-BCĐ ngày 14/5/2019 của Ban chỉ đạo Tuyển sinh quận về tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2019 - 2020.

Trong quá trình triển khai kế hoạch, mặc dù một số trường có tuyến tuyển sinh ở khu chung cư, khu đô thị dân cư biến động mạnh mẽ, số lượng học sinh tăng nhanh, song quận Hà Đông đã có những chỉ đạo quyết liệt về phân tuyến cũng như cố gắng đầu tư về cơ sở vật chất. Nhờ vậy, đến thời điểm này, công tác tuyển sinh của các đơn vị trường học tương đối ổn định, không xảy ra đơn thư khiếu nại về công tác tuyển sinh.

Quy mô trường lớp ngày càng được mở rộng. Hiện toàn quận Hà Đông có tổng số 128 trường, trong đó có 91 trường công lập, 37 trường tư thục với 2.437 nhóm lớp, 96.005 học sinh. So với năm học trước tăng thêm 2 trường, 171 lớp và 6.758 học sinh. Tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày đạt 100%. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo đến lớp đạt 96,2% và 42% đối với trẻ nhà trẻ; 100% trẻ 5 tuổi ra lớp. Trong dịp hè, hầu hết các trường chủ động sửa chữa nhỏ, bố trí ưu tiên phòng học cho các lớp đầu cấp. Có thể khẳng định, đến thời điểm hiện tại, về cơ bản các trường đã bố trí đủ phòng học và bàn ghế, sẵn sàng triển khai biên chế năm học mới.

Tại quận Thanh Xuân, theo tìm hiểu để khắc phục tình trạng quá tải học sinh, quận đưa vào sử dụng mới 5 trường công lập, 5 trường tư thục. Quận Cầu Giấy năm nay có khoảng 5.000 học sinh trong độ tuổi vào lớp 1, trong đó, các trường công lập trên địa bàn chỉ tuyển sinh khoảng 4.000 em, số còn lại sẽ được giảm tải qua các trường ngoài công lập. Bên cạnh đó, một số trường ở các quận, huyện khác của Hà Nội đã sửa chữa, nâng tầng, thêm phòng học, có trường di chuyển các phòng, kho trước đây tu sửa lại thành phòng học. Ước tính bình quân sĩ số đã được giảm tải, khoảng 40 - 50 học/lớp. Như vậy, trong năm học này, Hà Nội đã bước đầu thành công trong việc khắc phục tình trạng quá tải học sinh.

Nâng cao chất lượng giáo dục, giảm khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn là mục tiêu, nhiệm vụ mà ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã kiên trì triển khai. Năm học 2019-2020 Hà Nội sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu đến năm 2020 có hơn 70% số trường công lập đạt chuẩn… Với những giải pháp đồng bộ, tin chắc ngành Giáo dục Thủ đô sẽ có những bước chuyển biến rõ nét và toàn diện.

Phạm Thảo

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-vong-tu-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-95996.html