Kỳ vọng trong chuyến thăm Triều Tiên của Chủ tịch Trung Quốc

Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến ngày 20/6 sẽ đến Triều Tiên để gặp gỡ Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nhằm tăng cường mối quan hệ song phương ở thời điểm cả hai quốc gia đều có hiềm khích với Mỹ.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Chủ tịch Kim Jong-un trong một cuộc gặp tại Trung Quốc. Ảnh: hurriyetdailynews

Chủ tịch Tập Cận Bình và Chủ tịch Kim Jong-un trong một cuộc gặp tại Trung Quốc. Ảnh: hurriyetdailynews

Hãng thông tấn AP (Mỹ) đã đưa ra nhận định về kỳ vọng liên quan đến kết quả chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 2 ngày của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên trong 14 năm một Chủ tịch Trung Quốc đến thăm Triều Tiên.

Điều Chủ tịch Tập Cận Bình hy vọng

Chuyến thăm nước láng giềng Triều Tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra trong thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ở “hồi gay cấn” và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngoài ra, có nhiều đồn đoán rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có thể gặp song phương với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức tại Nhật Bản vào cuối tháng 6.

Theo các chuyên gia, cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Chủ tịch Kim Jong-un có thể coi là cách để Trung Quốc gửi thông điệp tới Tổng thống Trump rằng Washington phải chấp nhận nhượng bộ trong chiến tranh thương mại nếu muốn Bắc Kinh hỗ trợ về vấn đề Bình Nhưỡng.

Giáo sư Nam Sung-wook tại Đại học Hàn Quốc nhận định: “Chủ tịch Tập Cận Bình có thể gửi thông điệp tới Mỹ nhấn mạnh rằng nếu Washington chấp nhận quan điểm của Bắc Kinh trong chiến tranh thương mại thì Bắc Kinh có thể giúp đạt được một số tiến triển đối với Bình Nhưỡng”.

Một khả năng khác là Trung Quốc muốn ngầm truyền đạt rằng dựa trên động thái của Mỹ về thương mại, Bắc Kinh sẽ quyết định phương thức tận dụng ảnh hưởng để tác động tới ngoại giao Mỹ-Triều Tiên.

Ông Lee Seong-hyon tại Viện nghiên cứu Sejong (Hàn Quốc) đưa ra quan điểm cá nhân: “Ảnh hưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình với Triều Tiên là con dao 2 lưỡi”.

TạiHội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai ở thủ đô Hà Nội ngày 28/2, hai bên đã không có tuyên bố chung do những khác biệt liên quan tới mức độ Bình Nhưỡng sẵn sàng giải trừ hạt nhân và Washington nới lỏng trừng phạt đối với Triều Tiên.

Chủ tịch Kim Jong-un đã đưa ra hạn chót là cuối năm 2019, Tổng thống Trump phải đưa ra đề xuất phi hạt nhân hóa “hợp lý”. Về phần mình, Tổng thống Trump cho biết vẫn duy trì trừng phạt Triều Tiên nhưng vẫn mở ngỏ cửa với đàm phán.

Điều Chủ tịch Kim Jong-un muốn

Chủ tịch Kim Jong-un có một mục tiêu không hề giấu giếm là nới lỏng lệnh trừng phạt. Mặc dù Tổng thống Trump vẫn dành những lời ca ngợi cho Chủ tịch Kim trên truyền thông nhưng chưa có nhiều thay đổi về lập trường của Mỹ xung quanh lệnh trừng phạt hoặc phi hạt nhân hóa. AP cho rằng Chủ tịch Kim Jong-un nhiều khả năng tìm đến Trung Quốc nhờ gây áp lực để Mỹ nhẹ tay với các lệnh trừng phạt.

Cựu phái viên Hàn Quốc trong các cuộc đàm phán 6 bên trước đây Wi Sung-lac cho rằng: “Chủ tịch Triều Tiên có thể ngỏ ý để Trung Quốc ủng hộ Bình Nhưỡng trong động thái nhằm nhận được sự nhượng bộ của Mỹ”.

Theo ông Wi Sung-lac, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ khuyến khích nhà lãnh đạo Triều Tiên thể hiện cam kết về đối thoại và hạn chế các động thái khiêu khích như thử vũ khí. Triều Tiên đã phóng hai vật thể được cho là tên lửa tầm ngắn vào ngày 9/5. Đây là vụ phóng tên lửa thứ hai của Triều Tiên chỉ trong 5 ngày.

Theo AP, cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Chủ tịch Kim Jong-un đều muốn tránh chiến tranh ngoại giao với Mỹ. Ông Kim Jong-un gần đây còn gửi một bức thư tới Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Mỹ đã khen đó là “bức thư đẹp”. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là chủ đích của Chủ tịch Kim Jong-un nhằm duy trì được mối quan hệ tốt với Tổng thống Trump.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/ky-vong-trong-chuyen-tham-trieu-tien-cua-chu-tich-trung-quoc-20190618220358897.htm