Kỳ vọng tín hiệu tích cực cho nền kinh tế toàn cầu

Kỳ họp Lưỡng hội thường niên ở Trung Quốc - gồm Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) và Hội nghị lần thứ 3 Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Nhân đại - tức Quốc hội) Khóa XIII - là một cửa sổ quan trọng để thế giới có thể hiểu về tình hình phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc. Trong bối cảnh toàn cầu đang tập trung cho công tác phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19, Kỳ Lưỡng hội năm nay có ý nghĩa đặc biệt, thu hút sự quan tâm của toàn cầu.

Quốc hội Trung Quốc khóa XIII tiến hành hội nghị lần thứ 3

Quốc hội Trung Quốc khóa XIII tiến hành hội nghị lần thứ 3

Việc Trung Quốc triệu tập Kỳ họp Lưỡng hội là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát hiệu quả và Trung Quốc đang dần trở lại đời sống bình thường. Dư luận tập trung chú ý vào Báo cáo công tác Chính phủ mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trình bày tại buổi khai mạc Hội nghị lần thứ 3 Nhân đại toàn quốc Khóa XIII để xem Chính phủ Trung Quốc vạch ra các mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới như thế nào và đề ra các biện pháp gì để kích thích tài chính.

Kênh truyền hình One (Đức) ngày 20/5 nhận định hiện nay nền kinh tế Trung Quốc đang hồi phục sau dịch. Các doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài đều hy vọng rằng Kỳ họp Lưỡng hội sẽ đóng vai trò hơn nữa trong việc thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc. Chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc Jörg Wuttke cũng kỳ vọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầu tiên của Trung Quốc sau đại dịch. Ông nói: “Cả thế giới đang chờ đợi Chính phủ Trung Quốc đưa ra tín hiệu tại Kỳ Lưỡng hội. Điều này là do sản lượng kinh tế của Trung Quốc chiếm từ 15%-18% GDP toàn cầu. Trung Quốc có thể phục hồi nền kinh tế vào lúc nào là điều tối quan trọng đối với khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là đối với Đức”.

Đại dịch Covid-19 đã đặt ra thách thức trước mắt đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vào thời điểm này và các chính sách kích thích kinh tế mới có thể giảm thiểu những tác hại trong ngắn hạn. Tuy nhiên, giới hoạch định chính sách Trung Quốc lại vẫn tỏ ra thận trọng về một chính sách kích thích mang tính tổng thể vì có thể kéo theo nhiều rủi ro dài hạn hơn đối với nền kinh tế. Do đó, họ đang chú tâm đến những cải cách dài hạn nhằm cải thiện cấu trúc kinh tế và thúc đẩy năng suất.

Trước khi diễn ra kỳ họp Lưỡng hội, giới chức Trung Quốc đã công bố hàng loạt tài liệu cam kết hướng tới cải cách. Ví dụ, hôm 18/5, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội đồng Nhà nước đã công bố một tài liệu mang tính toàn diện hơn về cải cách nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc. Những bước đi mang tính đột phá trong cải cách về doanh nghiệp nhà nước cũng được nhấn mạnh, trong đó đặt ưu tiên cải cách hình thức sở hữu hỗn hợp. Các nhiệm vụ cải cách ở lĩnh vực này bao gồm đưa vào hình thức đầu tư tư nhân, đưa hệ thống quản trị doanh nghiệp theo định hướng thị trường vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo sân chơi bình đẳng và công bằng giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân khi môi trường thị trường cạnh tranh và công bằng đóng vai trò thiết yếu cho phát triển công nghệ và đổi mới.

Tại Kỳ họp Lưỡng hội năm nay, việc Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển kinh tế như thế nào là tiêu điểm quan tâm của giới truyền thông. Nhưng cần nhận thức rõ một điểm là, trên thực tế, mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc trong những năm gần đây đã chuyển từ “bắt kịp số lượng” sang theo đuổi tăng trưởng chất lượng cao và hiệu quả cao. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, dư luận quan tâm đến việc Trung Quốc sẽ đưa ra chính sách nào để phục hồi sản xuất và kinh tế. Hiện nay, cả châu Âu và Mỹ đều gặp phải khó khăn kinh tế rất nghiêm trọng. Dư luận bên ngoài mong đợi Trung Quốc sẽ công bố các biện pháp kinh tế cụ thể tại Kỳ họp Lưỡng hội toàn quốc lần này.

Vĩnh Hà

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/ky-vong-tin-hieu-tich-cuc-cho-nen-kinh-te-toan-cau-127210.html