Kỳ vọng thanh toán thẻ trên thị trường nông thôn

Thanh toán không dùng tiền mặt là một chủ trương lớn của Chính phủ, không chỉ nhận được sự đồng thuận của các bộ, ngành mà hơn hết, chủ trương này đang ngày càng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân. Những chiếc thẻ ngân hàng đã trở nên quen thuộc với hầu hết người dân ở các thành phố lớn. Và giờ đây, thẻ lại đang xuất hiện ngày càng nhiều trong ví của những người nông dân.

Quẹt thẻ, “xua” nỗi lo tín dụng đen

“Với những người nông dân như chúng tôi, thì kể cả khi vào vụ mà trong ví có 100 nghìn đồng tiền mặt mỗi ngày cũng được gọi là đại gia rồi” - anh Nguyễn Công Bằng (sống tại xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) vui vẻ chia sẻ với chúng tôi. Anh Bằng hiện đang là chủ của mảnh ruộng vài héc-ta trồng tắc (quất), cho thu nhập hằng năm cả trăm triệu đồng. Nhưng làm ra bao nhiêu, tiền mặt cũng quay vòng để đầu tư trở lại cho vườn cây, rồi tiền học, tiền phí sinh hoạt điện, nước hằng tháng,...

Những khi gia đình có biến cố đột xuất nảy sinh như có người ốm phải vào viện, hoặc cây sâu bệnh phải đầu tư phân bón, thuốc men,… thì anh Bằng và vợ lại phải chạy vạy vay tiền bên ngoài, hay ra đại lý mua vật tư ký nợ. “Có thời điểm cần gấp không biết bám víu vào đâu, tôi cũng đành phải vay “nóng” lãi suất lên tới cả chục phần trăm một tháng. Còn mua vật tư nếu ký nợ thì đến cuối vụ thanh toán chiết khấu cũng phải mất 2% trên tổng số tiền ký nợ phải trả” - anh Bằng cho biết.

Anh Nguyễn Công Bằng, ở xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường (Long An) thanh toán mua vật tư nông nghiệp qua thẻ Agribank.

Anh Nguyễn Công Bằng, ở xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường (Long An) thanh toán mua vật tư nông nghiệp qua thẻ Agribank.

Nhưng những khó khăn nêu trên, kể từ cuối năm 2019 đến nay, đã phần nào giảm bớt khi anh Bằng được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) mở thẻ thấu chi với hạn mức lên tới 30 triệu đồng. Không riêng anh Bằng, nhiều nông dân trên khắp cả nước cũng được giải tỏa phần nào áp lực về nguồn vốn mỗi khi có việc cấp bách, đột xuất chỉ với một chiếc thẻ thấu chi như vậy.

Anh Mai Văn Thanh (tại xã Đức Lập Hạ, thị trấn Đức Hòa, tỉnh Long An) đã chính thức nói “không” với các món vay nóng. Theo anh Thanh, bao nhiêu vốn liếng của gia đình và nguồn vốn vay từ ngân hàng đều dồn hết vào đầu tư cho vườn rau, củ, quả. Vì vậy, trước đây có những thời điểm, anh Thanh phải đi vay bên ngoài với lãi suất 5%/tháng để chi trả cho các khoản chi phí phát sinh, nhất là các khoản chi phí cho vật tư nông nghiệp.

“Lãi suất cao như vậy, thu nhập từ trồng rau, củ, quả không gánh nổi. Nhưng rất may tôi được cán bộ Ngân hàng Agribank vừa cho vay vốn, vừa giới thiệu thẻ thấu chi. Từ ngày sử dụng thẻ, tôi chủ động hơn trong việc thanh toán các khoản như mua giống, thức ăn chăn nuôi, thanh toán tiền điện,… - anh Thanh chia sẻ.

Không chỉ những người nông dân, các đại lý vật tư trên địa bàn “tam nông” cũng phấn khởi khi nhiều khách hàng nông dân bước đầu đã làm quen với việc thanh toán qua thẻ. Anh Võ Thanh Toán - chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp tại thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) cho biết nhờ thẻ thấu chi và chiếc máy POS do Agribank trang bị, vợ chồng anh không còn căng thẳng thu nợ trong mỗi vụ xuất bán vật tư cho người dân.

Trước đây, người dân trong vùng muốn mua vật tư nông nghiệp phải đi vay mượn khắp nơi thậm chí là vay nóng, hoặc mua hàng ký nợ. Đến cuối mùa vụ thu hoạch mới có tiền để trả. Nhiều khi công nợ cao quá, cửa hàng anh Toán cũng không xoay kịp để thanh toán đúng hạn cho nhà cung cấp dẫn đến lần nhập hàng tiếp theo, anh không còn được hưởng ưu đãi cao nhất về giá từ phía nhà cung cấp.

Vô hình trung, vật tư hàng hóa anh Toán nhập về cũng sẽ bị “đội” giá theo, khiến giá bán tới tay người nông dân cũng vì thế mà đắt đỏ hơn. “Từ lúc có thẻ thấu chi của Agribank cấp cho bà con nông dân, áp lực về tài chính của cửa hàng tôi đỡ đi rất nhiều. Chưa kể, việc thanh toán qua POS, không những tiết kiệm được thời gian trong khâu kiểm đếm tiền mặt mà còn giúp tôi yên tâm không lo nhận tiền thừa thiếu, tiền giả” - anh Toán nhận định.

Lan tỏa chính sách

Triển khai từ tháng 9-2019, Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn của Agribank đã cung cấp cho nông dân sản phẩm dịch vụ cho vay thấu chi qua thẻ ATM với hạn mức 30 triệu đồng và công cụ chấp nhận thanh toán thẻ POS với nhiều tiện lợi và hoàn toàn miễn phí. Việc triển khai Đề án này của Agribank có ý nghĩa quan trọng trong đẩy mạnh chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen, góp phần gia tăng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Số liệu từ Agribank cho thấy, đến nay sau tám tháng triển khai trên phạm vi cả nước, Đề án bước đầu phát huy hiệu quả. Số lượng thẻ phát hành đạt gần 75.500 thẻ và gần 1.732 POS được lắp đặt mới, hạn mức thấu chi đã cấp hơn 300 tỷ đồng, dư nợ thấu chi tài khoản đạt gần 214 tỷ đồng.

Theo Giám đốc Agribank chi nhánh Bình Thuận Huỳnh Tấn Nam, việc triển khai Đề án thẻ nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, nhất là các tổ chức hội như Hội nông dân, Hội phụ nữ, qua các tổ vay vốn phối hợp với ngân hàng tuyên truyền chính sách mới này.

“Sử dụng thẻ thấu chi giúp người dân tiếp cận vốn kịp thời nên hạn chế cho vay nặng lãi ở địa bàn nông thôn. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, ngân hàng cũng gặp khó khăn do người dân chưa dùng thẻ bao giờ, cũng như hạn chế trong sử dụng công nghệ hiện đại nên cán bộ ngân hàng phải dành nhiều thời gian hơn để hướng dẫn người dân...” - ông Nam chia sẻ.

Cũng được giao nhiệm vụ thí điểm, đến nay, Agribank chi nhánh Long An đã phát hành hơn 3.500 thẻ thấu chi, đạt 70% kế hoạch phát hành đến 30-9 là 5.000 thẻ. Agribank Long An đã đặt 82 máy POS tại tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh, đồng thời đa dạng hóa danh mục sản phẩm dịch vụ, tạo điều kiện để liên kết với các nhà cung ứng dịch vụ giúp mở rộng thị trường, thị phần thanh toán thẻ của Agribank tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

“Phát hành thẻ thấu chi nông nghiệp là một trong những chủ trương đúng có thể đạt được đa mục tiêu vừa hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ, NHNN về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện tại Việt Nam, vừa phát triển tín dụng tiêu dùng cho phân khúc khách hàng có thu nhập thấp, góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen.

Đến nay, đề án đã bước đầu phát huy được hiệu quả với lợi thế rõ rệt về chính sách hỗ trợ sâu, rộng, đáp ứng đúng nhu cầu của người dân, thủ tục đơn giản, linh hoạt” - Giám đốc Agribank Long An Nguyễn Kim Thài nhìn nhận. Trong thời gian tới, Agribank Long An sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phát hành thẻ, tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán thẻ POS để đáp ứng nhu cầu và mang lại sự thuận tiện và lợi ích cao nhất cho khách hàng.

Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái khép kín qua ngân hàng giữa khách hàng sử dụng thẻ và các nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ, qua đó giúp mở rộng thị trường, thị phần thanh toán thẻ của Agribank tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

Cách đây khoảng bốn năm, tình trạng nông dân mất đất, mất vườn vì tín dụng đen không hiếm. Chính quyền địa phương phải rà soát, nắm từng đối tượng cho vay nặng lãi, từng trường hợp vướng vào tín dụng đen, rồi cho gỡ từng tờ rơi trên cột điện. Song song với đó là sự tích cực vào cuộc của ngân hàng trong việc tiếp cận khách hàng nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn và cung cấp dịch vụ, nhất là thẻ thấu chi nông nghiệp của Agribank, nên đến nay tình trạng tín dụng đen không còn xuất hiện.

Thẻ thấu chi giúp nông dân giải quyết cơ bản những nhu cầu thiết yếu, nhất là trong lúc chờ tới mùa vụ thu hoạch để thanh toán tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, học phí, viện phí, thanh toán mua hàng tại các cửa hàng cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản, bách hóa, cơ sở sửa chữa máy nông nghiệp, siêu thị... (Ông Nguyễn Văn Nhiều, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An chia sẻ).

Hồng Anh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/ky-vong-thanh-toan-the-tren-thi-truong-nong-thon-603403/