Kỳ vọng tạo ra một bộ chỉ số để công khai, minh bạch

Sáng 17-8, sau Hội nghị Công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC) năm 2018 (APCI 2018), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đã chủ trì họp báo xung quanh vấn đề này.

Cải cách TTHC cần sự tham gia của doanh nghiệp và người dân

Trả lời câu hỏi của phóng viên về những kỳ vọng khi công bố Báo cáo APCI 2018, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên Báo cáo được công bố nên chưa thể hoàn toàn “tròn trịa” và những năm tới sẽ thực chất hơn. Tuy nhiên, quan trọng nhất, việc công bố Báo cáo cho thấy, cải cách TTHC không chỉ của riêng cơ quan quản lý nhà nước, mà cần có sự tham gia, đồng thuận của cả doanh nghiệp và người dân.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cùng các đại biểu tại buổi họp báo

“Báo cáo cho thấy có doanh nghiệp làm tốt, là do cán bộ. Có địa phương làm tốt, là do người đứng đầu. Cho nên, kỳ vọng đầu tiên là muốn tạo ra một bộ chỉ số để công khai, minh bạch, thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chủ động xây dựng thể chế, điều hành kinh tế-xã hội dựa trên nền tảng pháp luật”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Liên quan tới câu hỏi của phóng viên về sự chênh lệch giữa các vùng miền rất lớn, trong khi chi phí xây dựng ở khu vực Bắc Bộ hơn 141 triệu đồng, còn phía Nam chỉ hơn 10 triệu đồng, TS. Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội đồng cải cách TTHC cho biết, lý do là ở chi phí thời gian chuẩn bị hồ sơ, trong khi phía Bắc chiếm hơn 86% thì phía Nam chỉ khoảng 24%.

“Có thể do minh bạch TTHC chưa tốt và hồ sơ chuẩn bị chưa kỹ càng. Ngoài ra, chi phí ở đây bao gồm chi phí thời gian chuẩn bị hồ sơ cộng với chi phí trực tiếp. Trong chi phí trực tiếp có phí, lệ phí, chi phí ngoài luồng, chi phí tư vấn… Với những nhà đầu tư khác nhau thì chi phí tư vấn cũng khác nhau” – ông phân tích.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng

T.S Ngô Hải Phan khẳng định, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc có chi phí trực tiếp cao hơn so với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Và đây cũng chính là căn cứ để giúp lãnh đạo các tỉnh phía Bắc chấn chỉnh trong tổ chức thực hiện cũng như công tác bố trí cán bộ…

Một số phóng viên băn khoăn, việc sử dụng chỉ số này như thế nào để cải cách TTHC? Làm thế nào để chuyển tải toàn bộ kết quả này đến doanh nghiệp, nơi mà họ được thụ hưởng và tham gia vào cải cách? Nếu công tác cán bộ, đạo đức công vụ không cải cách thì thể chế có cải cách đến đâu cũng khó chuyển biến trong thực tế…

Công nghệ sẽ kiểm soát lòng tham của con người

Theo doanh nhân Trương Gia Bình, thành viên Hội đồng cải cách TTHC, bộ hồ sơ của Chỉ số này vô cùng quý báu, nhưng để phát huy được hiệu quả thì các cơ quan không nên chỉ nhìn vào các con số.

“Đầu tiên, các ban, bộ ngành phải nắm được con số này được thiết kế như thế nào, từ đâu ra. Vì chỉ khi hiểu sâu bộ chỉ số mới tìm ra cách rút ngắn thời gian, giảm được chi phí cho doanh nghiệp, từ đó hiểu được vì sao miền Nam làm tốt mà miền Bắc thì không. Do con người, do thiếu điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, hay do lãnh đạo không quan tâm, cán bộ chưa được đào tạo, chưa thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ? Từ đó có biện pháp tiến hành thay đổi, cải cách” – ông Bình nói.

Ông Ngô Hải Phan

Ông cũng khẳng định, Chỉ số APCI là minh bạch, không chỉ cho chính người chịu trách nhiệm ở địa phương, các bộ ngành mà còn minh bạch cho Chính phủ.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân, thành viên Hội đồng cải cách TTHC cho rằng, nếu chúng ta chỉ bằng ý chí không sẽ không làm được, mà phải áp dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, cần đánh giá, nhìn nhận từ 2 chiều, cả phía các cơ quan công quyền và cả phía người dân, doanh nghiệp.

“Nếu làm tốt ở các Bộ, ngành trên Trung ương mà người dân, doanh nghiệp không hiểu được thì chi phí không chính thức vẫn tồn tại, vì ông nào cũng muốn công trình, dự án của mình nhanh chóng được tiếp cận, giải quyết” – ông Thân lưu ý.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đề cập tới mối tương quan giữa con người với công nghệ, trong đó công nghệ sẽ kiểm soát lòng tham của con người. “Nếu con người, đạo đức, tư duy mà không thay đổi thì tôi nghĩ trời cũng không cứu được chứ đừng nói đến công nghệ thông tin. Chính phủ quan tâm vấn đề Chính phủ liêm chính, tức là con người. Con người và công nghệ phải tương tác với nhau. Còn giữa xử lý của doanh nghiệp và các cơ quan công quyền thì Chỉ số APCI sẽ giải quyêt được” – ông nêu quan điểm.

Ông cũng cho rằng, cần tuyên truyền rộng rãi hơn việc này, còn nếu chỉ ngồi đây nói với nhau, xong về các bộ ngành lại “cất vào ngăn bàn” thì vô nghĩa.

Bảo Quân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/ky-vong-tao-ra-mot-bo-chi-so-de-cong-khai-minh-bach-506485/