Kỳ vọng tạo chuyển biến lớn!

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2014 đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội về trách nhiệm và hành động trong BVMT. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi cho thấy Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời với những thách thức mới đặt ra đối với công tác BVMT. Chẳng hạn, cơ chế, chính sách BVMT chưa phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường. Các thủ tục hành chính về môi trường còn có sự phân tán, thiếu liên thông, tích hợp. Một số vấn đề mới phát sinh về BVMT chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh sự cố ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường lớn, điểm nóng về xả thải…

Luật BVMT sửa đổi kỳ vọng chuyển đổi ý thức, trách nhiệm và hành động của toàn dân trong bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ thu dọn rác ở quận Cái Răng. Ảnh: CTV

Luật BVMT sửa đổi kỳ vọng chuyển đổi ý thức, trách nhiệm và hành động của toàn dân trong bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ thu dọn rác ở quận Cái Răng. Ảnh: CTV

Xuất phát từ thực trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự thảo Luật BVMT sửa đổi có 17 Chương, 177 Điều, tăng 7 Điều so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Trong đó, giữ nguyên 30 Điều; bãi bỏ, lồng ghép nội dung vào các điều khác đối với 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 78 Điều; bổ sung mới 57 Điều. Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Luật BVMT mới sẽ tương thích với pháp luật và thông lệ quốc tế. Đồng thời, thống nhất, đồng bộ với pháp luật liên quan, tạo hành lang pháp lý đồng bộ về BVMT, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Điểm mới của Dự thảo Luật là việc sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch BVMT, trong đó quy định rõ nội dung chính của quy hoạch BVMT quốc gia, nội dung BVMT trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Tâm điểm của quy hoạch này là quy định về phân vùng môi trường với 3 mức độ phân vùng môi trường, đó là vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế tác động và vùng còn lại để làm căn cứ quyết định cho phép các dự án phát triển. Trong công tác cải cách hành chính, Dự thảo Luật hợp nhất, tích hợp 7 loại giấy phép về môi trường và xả nước thải vào nguồn nước hiện có thành giấy phép môi trường. Cụ thể, sẽ thay thế xác nhận kế hoạch BVMT bằng cấp giấy phép môi trường đối dự án, cơ sở có phát sinh chất thải nhưng ít có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Dự thảo Luật hiện nay đã đưa vào các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước về kinh tế xanh, carbon thấp, kinh tế tuần hoàn… Bên cạnh đó, còn có nhiều quy định mới về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; quy định về ứng phó vói biến đổi khí hậu; quy định về quản lý chất thải; các công cụ kinh tế, nguồn lực cho bảo vệ môi trường…

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành tham vấn ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đóng góp cho Dự thảo Luật BVMT. Đồng thời, đã công bố rộng rãi Dự thảo này trên nhiều kênh thông tin, truyền thông khác nhau lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng để hoàn thiện, trình Quốc hội trong năm 2020. Với nhiều thay đổi trong dự thảo Luật mới, kỳ vọng Luật BVMT sửa đổi sẽ thực sự tạo chuyển biến lớn trong công tác BVMT, để môi trường thực sự là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững…

LẠC MẪN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/ky-vong-tao-chuyen-bien-lon--a117272.html