Kỳ vọng tài sản toàn cầu tăng giá khi Trung Quốc mở cửa trở lại

Thị trường chứng khoán và hàng hóa toàn cầu có thể được hưởng lợi trong năm 2023 khi Trung Quốc quay trở lại các chính sách ủng hộ tăng trưởng.

Chứng khoán Trung Quốc có thể tăng thêm 20%, giá dầu có thể vượt 100 USD/thùng và giá đồng có thể vượt qua ngưỡng 10.000 USD/tấn khi tiêu dùng phục hồi ở nền kinh tế thứ hai thế giới. Đó chỉ là một vài trong số các dự báo từ các chiến lược gia và nhà quản lý tiền tệ, với các cổ phiếu của thị trường mới nổi và một số loại tiền tệ châu Á cũng có khả năng được hưởng lợi.

Việc nối lại hoạt động ở Trung Quốc hứa hẹn sẽ giải phóng hơn 836 tỷ USD tiền tiết kiệm dư thừa và có thể giúp giảm bớt lo ngại về suy thoái toàn cầu khi các ngân hàng trung ương khác tiếp tục thắt chặt chính sách. Nhưng ngay cả như vậy, những người hoài nghi cảnh báo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diều hâu vẫn sẽ là chủ đề chi phối thị trường tài chính và nền kinh tế thế giới.

Paras Anand, Giám đốc đầu tư của Artemis Investment Management LLP có trụ sở tại London cho biết: “Chúng tôi đang trong giai đoạn đầu phục hồi về giá tài sản. Sự phục hồi hoặc bình thường hóa của nền kinh tế Trung Quốc sẽ có tác động tích cực đối với tăng trưởng toàn cầu”.

Cổ phiếu Trung Quốc có thể vượt trội hơn so với các cổ phiếu toàn cầu vào năm 2023. Morgan Stanley và Goldman Sachs dự báo Chỉ số MSCI Trung Quốc sẽ tăng thêm khoảng 10% trong khi Citi Global Wealth Investments dự đoán mức tăng khoảng 20%.

Chiến lược gia George Efstathopoulos của Fidelity International cho biết: “Lần này, sự phục hồi sẽ được dẫn dắt bởi dịch vụ và tiêu dùng thay vì đầu tư, vốn giúp ích cho cổ phiếu địa phương hơn các nền kinh tế”.

Tỷ trọng tiêu thụ một số hàng hóa ở Trung Quốc và các quốc gia khác

Tỷ trọng tiêu thụ một số hàng hóa ở Trung Quốc và các quốc gia khác

Tuy nhiên, một số chiến lược gia lại dự báo chứng khoán châu Á sẽ mở rộng mức tăng. Các nền kinh tế xuất khẩu như Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) cũng như các nền kinh tế Đông Nam Á phụ thuộc vào khách du lịch Trung Quốc, đặc biệt là Thái Lan sẽ được hưởng lợi. BNP Paribas dự đoán Chỉ số Thị trường Mới nổi MSCI sẽ tăng lên 1.110 điểm vào cuối năm.

Giá hàng hóa hồi phục

Theo các nhà phân tích của ING Groep NV, giá dầu Brent có thể đạt trung bình hơn 100 USD/thùng trong năm nay do Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế Covid-19. Tương tự như vậy, Goldman Sachs cũng dự báo giá đồng sẽ đạt mức 10.000 USD/tấn trước cuối tháng 12.

Louis Luo, Giám đốc đầu tư trong nhóm đa tài sản của abrdn cho biết, việc mở cửa trở lại sẽ khiến các nhà đầu tư “suy nghĩ kỹ” về việc bán khống dầu bất chấp bối cảnh nhu cầu ở phương Tây.

Quặng sắt cũng được cho là sẽ hưởng lợi mặc dù lợi nhuận có thể bị giảm bớt do Trung Quốc kiểm soát giá cả tăng cao.

David Chao, chiến lược gia thị trường toàn cầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Invesco Hong Kong cho biết, thép và quặng sắt đã tăng giá kể từ mức thấp nhất đạt được vào tháng 10 và “được định giá bằng sự phục hồi có khả năng xảy ra trong lĩnh vực xây dựng”.

Theo HSBC Holdings, các lô hàng hóa từ Indonesia, Thái Lan và Việt Nam cũng nằm trong tầm ngắm sau khi Đông Nam Á thay thế Liên minh châu Âu trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc vào năm 2020.

Goldman Sachs mới đây đã nâng dự báo giá nhôm do nhu cầu cao hơn ở châu Âu và Trung Quốc có thể dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung. Goldman Sachs đã dự đoán một siêu chu kỳ hàng hóa kéo dài nhiều năm vào cuối năm 2020 do nhiều năm đầu tư dưới mức khiến nguồn cung không theo kịp nhu cầu.

Tuy nhiên, dầu mỏ đã có một khởi đầu khó khăn cho đến năm 2023 do bị che phủ bởi những lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ và tiến trình không ổn định của Trung Quốc trong việc mở cửa lại nền kinh tế sau các đợt phong tỏa liên quan đến Covid-19.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021 vào ngày 16/1 do khí đốt tự nhiên hóa lỏng tiếp tục tràn vào lục địa này do thiếu sự cạnh tranh từ Trung Quốc. Tất cả điều này có thể thay đổi vào cuối năm nếu nhu cầu của Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ kết hợp với việc tăng lãi suất ở các nền kinh tế lớn của phương Tây.

Tiền tệ tăng giá

Đồng nhân dân tệ trong nước đã tăng khoảng 7% kể từ khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiềm chế Covid vào tháng 11/2022. Theo UBS Global Wealth Management, đồng nhân dân tệ có thể tăng lên 6,50 mỗi đô la trong năm nay từ khoảng 6,72 hiện nay khi tăng trưởng kinh tế vượt xu hướng trong nửa cuối năm.

Thước đo tương quan 60 ngày giữa đồng nhân dân tệ và các loại tiền tệ của thị trường mới nổi đã tăng lên 0,70 - là mức cao nhất trong 5 tháng. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể đặc biệt sinh lợi cho đồng baht của Thái Lan và đồng won của Hàn Quốc, cả hai đều được hưởng lợi từ du lịch Trung Quốc. Đồng peso của Chile cũng sẽ tăng giá trong bối cảnh nhu cầu đồng của Trung Quốc ngày càng tăng.

“Chúng tôi cho rằng đây là một bước ngoặt thực sự đối với nền kinh tế Trung Quốc, tài sản cơ bản của nó và toàn bộ thị trường mới nổi rộng lớn hơn,” Alan Wilson, nhà quản lý tiền tại Eurizon SLJ Capital cho biết.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ky-vong-tai-san-toan-cau-tang-gia-khi-trung-quoc-mo-cua-tro-lai-post313708.html