Kỳ vọng sự phục hồi nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng ngành Công thương đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó trong đó phải kể đến tăng trưởng của xuất khẩu, chỉ số công nghiệp, cung cầu hàng hóa đảm bảo, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu như xăng dầu.

Thương mại điện tử tiếp tục trở thành phương thức phân phối quan trọng của nền kinh tế, từng bước hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin ngành Quản lý thị trường theo hệ thống ngành dọc tạo hiệu quả trong kiểm soát hàng hóa trên thị trường.

6 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 8,48%, cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế và tăng so với mức tăng của cùng kỳ năm 2021, Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,66%, Kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch ước đạt hơn 371 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, góp phần đảm bảo ổn định vĩ mô khác của nền kinh tế. Đặc biệt nỗ lực đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng và giá dầu thế giới tăng cao.

Ông ĐỖ THẮNG HẢI, Thứ trưởng Bộ Công thương:“Bộ Công thương trước hết phải phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp đầu mối của Việt Nam và doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này phải cam kết đảm bảo đủ một số lượng nhất định. Nếu chưa đủ, Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành có liên quan sẽ yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối khác để nhập khẩu xăng dầu, bù vào lượng thiếu hụt của các nhà máy này".

Bắt đầu từ 1/2/2022, Hệ thống xử lý vi phạm hành chính (gọi tắt là hệ thống INS) của Tổng cục Quản lý thị trường chính thức được áp dụng trong toàn lực lượng, tạo ra "cuộc cách mạng” trong chuyển đổi số. Hệ thống INS đã giúp các đội QLTT thực hiện đơn giản và dễ dàng hơn trong hoạt động công vụ và giúp Tổng cục Quản lý thị trường có thể nắm bắt nhanh chóng tình hình đến từng các tổ, đội quản lý thị trường các địa phương. Chính vì vậy, những vụ việc liên quan đến vi phạm xăng dầu thời gian qua được phát hiện kịp thời, đảm bảo nguồn cung cầu ổn định.

Ông TRẦN HỮU LINH, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương: “Một năm, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra khoảng hơn 100.000 vụ do vậy có thể tiết kiệm và quản lý tốt hơn. Đối với quản lý cấp cục và tổng cục, chúng tôi theo dõi được diễn biến tình hình, kiểm tra xử phạt theo thời gian thực, qua đó kiểm soát được chất lượng cuộc kiểm tra được tốt hơn".

Với nỗ lực và quyết tâm của toàn ngành Công thương, tập trung các giải pháp trong 6 tháng cuối năm, kỳ vọng năm 2022 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7-8%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8%, duy trì xuất siêu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8% như mục tiêu đã đặt ra.

Thực hiện : Hải Yến Thế Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/ky-vong-su-phuc-hoi-nen-kinh-te-trong-6-thang-cuoi-nam