Kỳ vọng sông Tô Lịch sẽ khỏi 'bệnh ô nhiễm'!

Với khoảng 5,4km cống bao chính có đường kính từ 1,2m - 1,5m và 2,2km cống nhánh có đường kính khoảng 500mm, toàn bộ nước thải ra sông Tô Lịch sẽ được thu gom, xử lý. Giờ đây, ước vọng hồi sinh dòng sông Tô lịch sử, hơn bao giờ hết, lại cháy bỏng, thôi thúc...

Dòng sông di sản

Trong các tài liệu xưa còn lưu lại, sông Tô Lịch là linh hồn của kinh thành Thăng Long xưa. Dòng sông không chỉ nuôi sống người dân, là nơi giao thương buôn bán mà còn mang sinh khí thiêng liêng, là tấm chắn thiên nhiên quan trọng bảo vệ kinh thành Thăng Long. Từ một con sông khá rộng, có làn nước trong xanh, thuyền bè có thể qua lại được, lòng sông cứ ngày càng thu hẹp, nước sông có màu đen kịt, bùn đặc, nước không lưu thông, ô nhiễm.

Sông Tô Lịch được hồi sinh trở lại thành dòng sông trong sạch, thơ mộng giữa lòng thành phố là nỗi mong chờ của người dân Thủ đô.

Sông Tô Lịch được hồi sinh trở lại thành dòng sông trong sạch, thơ mộng giữa lòng thành phố là nỗi mong chờ của người dân Thủ đô.

Ngày nay, sông Tô Lịch chỉ còn chiều dài 14,4km bắt đầu từ hồ Tây chảy qua chợ Bưởi, cầu Giấy, cầu Mới và đổ vào sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt. Quá trình đô thị hóa ngày càng thu hẹp đất nông nghiệp hai bên bờ sông Tô. Nhiều ao, hồ nước đã từng đóng vai trò gom nước thải sinh hoạt, lọc, trung chuyển nước thải trước khi đổ ra sông đã bị lấp... Nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng, có 2 lý do khiến sông Tô Lịch trở nên ô nhiễm và dần khô cạn. Một là do tự nhiên, sông Tô Lịch là phụ lưu của sông Hồng, nước sông Tô Lịch không đủ mạnh để cuốn trôi bồi tích lắng đọng. Hai là do mức độ phát triển và đô thị hóa ngày càng nhanh, nước thải chưa qua xử lý từ các khu công nghiệp, bệnh viện, làng nghề và nước thải sinh hoạt của cư dân được xả thẳng ra sông cùng với việc xả rác trực tiếp trong thời gian dài.

Là người có nhiều nghiên cứu đối với thực trạng sông hồ Hà Nội, PGS.TS Hà Đình Đức - Hội viên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Công dân Thủ đô ưu tú năm 2012, ngay tại thế kỷ XVII, kinh thành Thăng Long xưa được ví như thủ đô Venice của nước Ý. PGS. TS Hà Đình Đức cho rằng lúc đó, tại Hàng Buồm vẫn diễn ra các hoạt động buôn bán tấp nập. Như vậy, cùng với quá trình đô thị phát triển, Hà Nội đã mất rất nhiều sông hồ và điều này sẽ còn tiếp diễn nếu chúng ta không có những giải pháp cụ thể để bảo vệ môi trường sông hồ nói chung.

“Tôi cho rằng chúng ta cần có những nghiên cứu sâu hơn nữa để cải tạo môi trường sông, hồ Hà Nội và cần phải làm sớm, làm ngay. Việc làm này cũng chính là góp phần thúc đẩy du lịch, môi trường của thành phố” - PGS.TS Hà Đình Đức nhấn mạnh.

Khát vọng hồi sinh

Nhiều năm qua, giải quyết vấn nạn ô nhiễm trên sông, đặc biệt là khai thác hiệu quả không gian cảnh quan dòng sông Tô Lịch luôn được chính quyền thành phố coi trọng. Hai bên bờ sông Tô Lịch đã được xây kè. Việc nạo nét cũng thường xuyên hơn. Phượng Vỹ và bằng lăng cũng được trồng dày hai bên bờ để làm dịu bớt vẻ chật hẹp và ô nhiễm của dòng sông. Bờ kè bên phía Đường Láng cũng đã được cải tạo thành nơi đi bộ, của người dân, thành phố đang nghiên cứu cho xây dựng 3 cầu vượt đi bộ nối liền hai bờ sông... Tuy nhiên, vấn đề dường như chưa giải quyết triệt để.

Triệt để sao được khi hàng ngày, sông Tô Lịch vẫn phải “oằn” mình tiếp nhận trên 150.000m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp. Trong đó, có đến khoảng 1/3 là nước thải công nghiệp chưa qua xử lý từ 10 cửa xả lớn, 200 cống tròn đường kính 300-1.800mm cùng hàng nghìn cống nhỏ dân sinh đổ ra sông...! Sông Tô Lịch ô nhiễm đã làm mất đi mỹ quan của Thủ đô, gây ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt của những người sống ven sông, tác động không tốt đến hệ động thực vật ở sông. Ngoài ra sự ô nhiễm nguồn nước đã tác động gián tiếp tới sức khỏe người dân thông qua hoạt động sản xuất nông nghiệp tại một số vùng hạ du.
Với quyết tâm không để những dòng sông di sản văn hiến trở thành những “con sông chết”, mới đây, thành phố Hà Nội chính thức động thổ gói thầu xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và sông Lừ thuộc Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm ở sông Tô Lịch, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình trạng này. Năm 2018, vào năm Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đưa ra phương án dùng nước sông Hồng thau rửa nước sông Tô Lịch. Đến năm 2019, Công nghệ Bio-nano của Nhật Bản hay Redoxy3C... cũng được tiến hành thử nghiệm trên sông Tô Lịch. Cơ bản dự án chưa giải quyết triệt để vấn đề khi nước thải vẫn được xả trực tiếp vào lòng sông. Dự án 16.000 tỷ đồng xử lý nước thải được cho là một giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước, và môi trường thành phố Hà Nội, gói thầu thu gom nước thải này có chiều dài 21km, trong đó có tuyến cống bao dọc sông Tô Lịch dài 11,4km (đầu Hoàng Quốc Việt – quận Cầu Giấy đến cầu Quang - huyện Thanh Trì). Tổng chiều dài các ống cống trong dự án là 52,66km, gom nước thải từ các khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, khu vực đô thị mới Hà Đông về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Được biết, để hạn chế ảnh hưởng đến giao thông, cũng như khâu giải phóng mặt bằng, gói thầu được thiết kế trên cơ sở tiếp cận toàn bộ công nghệ khoan kích ngầm. Đây là công nghệ lần dầu tiên áp dụng tại Hà Nội và việc đào ngầm ở độ sâu từ 6-19m giúp giảm thiểu rủi ro, mất an toàn trong thi công so với đào mở.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, việc đặt cống gom nước thải sông Tô Lịch đã được nêu ra từ nhiều năm trước. Việc các dòng sông phải tiếp nhận nước mưa, nước thải sinh hoạt cùng nhau sẽ gây ô nhiễm môi trường. Do đó, khi không phải nhận nước thải nữa, chắc chắn sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét sẽ cải thiện, trong xanh hơn. Tuy nhiên, nói là giải quyết tận gốc vấn đề thì chưa hẳn, bởi tận gốc ô nhiễm phải từ các dòng sông phía Tây, trong đó có sông Hồng.

Lý giải rõ hơn về vấn đề này, PGS. TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, môi trường cảnh quan sông Tô Lịch cần thiết phải cải tạo bằng các giải pháp thu gom toàn bộ nước thải để xử lý. Tuy nhiên, các đơn vị chức năng cũng cần phải chú ý tạo dòng chảy và tăng cường quá trình tự làm sạch trong sông về mùa khô bằng giải pháp bổ sung nước sạch.

“Biện pháp dẫn nước sông Hồng để bổ xung nước cho Hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch sẽ là giải pháp hợp lý kết hợp với việc thu gom toàn bộ nước thải để xử lý mà thành phố Hà Nội đang triển khai. Đã là sông phải có dòng chảy và biện pháp dẫn nước sông Hồng vào bổ xung cho Hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng nước cho sông Tô Lịch là một trong những việc làm cần thiết” - PGS. TS Trần Đức Hạ cho biết thêm.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-vong-song-to-lich-se-khoi-benh-o-nhiem-108498.html