Kỳ vọng riêng của Tổng thống Putin-Trump tại thượng đỉnh Nga-Mỹ

Tổng thống Vladimir Putin và Donald Trump mỗi người đều có mong đợi riêng trong cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Helsinki hôm nay 16.7.

Tổng thống Vladimir Putin và Donald Trump mang đến hội nghị thượng đỉnh những kỳ vọng riêng. Ảnh: Global News

Quan điểm của Mátxcơva

Việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh là một chiến thắng đối với Kremlin, vốn từ lâu đã tìm kiếm một hội nghị thượng đỉnh với Nhà Trắng, nhưng chưa được Washington chấp nhận - tờ Digital Journal dẫn lời nhà phân tích Nga Andrei Baklistky.

Các cuộc xung đột ở Syria và Ukraina, cũng như cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, cùng những trừng phạt của phương Tây là tâm điểm căng thẳng giữa Mátxcơva và Washington.

Ông Baklistky nói ông trông đợi rất ít "quyết định đột phá" từ hội nghị thượng đỉnh, và bổ sung rằng một tuyên bố chung là điều bất cứ ai cũng có thể hy vọng.

Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Alexei Malashenko được tờ báo dẫn lời cho hay, đối với Tổng thống Vladimir Putin, hội nghị thượng đỉnh "là một sự công nhận không chính thức rằng Nga là một cường quốc".

Ông Putin có thể cố gắng thuyết phục ông Trump có lập trường linh hoạt hơn về cuộc chiến Syria, với hy vọng Mỹ có thể bớt hoạt động ở nước này - ông Malashenko nói. "Bất cứ sự thỏa hiệp nào ở Syria sẽ được xem là một chiến thắng cho Mátxcơva" - ông nói thêm.

Mỹ sẽ muốn thuyết phục Nga rằng các lực lượng Iran cần rời khỏi Syria, nhưng ông Putin "có thể chưa sẵn sàng" gây nguy hiểm cho mối quan hệ với Tehran về vấn đề này - nhà phân tích cho hay.

Một chủ đề dễ dàng để 2 nhà lãnh đạo thảo luận hơn là cuộc xung đột đang diễn ra ở miền đông Ukraina - vốn là chủ đề nhạy cảm hơn với Nga.

Về cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ, ông Baklitsky cho rằng, Nga sẽ phủ nhận như từ trước đến nay vẫn từng làm. Nhưng Mátxcơva có thể ra tuyên bố chung cam kết sẽ không có bất cứ hành động nào như vậy trong tương lai.

Quan điểm từ Washington

Các nhà phân tích Mỹ cho rằng giá trị đối với Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp này là đặt mình vào trung tâm chính sách đối ngoại của Mỹ.

Ông William Pomeranz, phó giám đốc Viện Kennan của Trung tâm Wilson, nói: "Ông Donald Trump muốn được coi là người đưa ra quyết định này, rằng ông ấy làm điều này đơn phương, rằng ông ấy là người đạt thỏa thuận quan trọng".

"Đó là ý nghĩa quan trọng nhất đối với ông Donald Trump, hơn là những gì ông ấy thực sự nhận được" - Pomeranz nói với AFP.

Ông cũng dự đoán có tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh.

Alina Polyakova, một chuyên gia chính sách đối ngoại của Viện Brookings ở Washington, đồng ý rằng ông Trump sẽ sử dụng hội nghị thượng đỉnh như một cơ hội để tăng cường vị thế trong nước.

Những gì ông Trump có thể thể hiện là một chiến thắng với Nga. Về cơ bản, "Obama đã làm hỏng mối quan hệ này, và tôi đã phải sửa chữa nó. Nga không phải là mối đe dọa đối với chúng tôi vì cá nhân tôi đã tạo dựng mối liên hệ này với ông Putin" - bà Polyakova dự đoán tuyên bố của ông Trump.

Tuy nhiên, William Courtney - chuyên gia cao cấp tại Rand Corporation ở Washington - cho hay ông Trump có thể cố gắng đảm bảo một số thỏa thuận nhỏ, chẳng hạn như mở lại lãnh sự quán Mỹ ở St Petersburg và lãnh sự quán Nga ở San Francisco.

Ít có khả năng ông Trump sẽ mặc cả với Nga như công nhận Crưm để đổi lấy việc Mátxcơva sử dụng ảnh hưởng để dân quân Iran rút khỏi Syria - ông Courtney nói.

Bà Olga Oliker, cố vấn cao cấp và giám đốc Chương trình Nga và Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS, cho rằng có 3 chủ đề hai bên cùng có lợi mà 2 nhà lãnh đạo có thể thảo luận, đó là mở rộng hiệp ước cắt giảm vũ khí mới START, bảo vệ Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung INF, và thiết lập liên lạc quân sự tốt hơn trên một loạt chủ đề.

Vân Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/ky-vong-rieng-cua-tong-thong-putin-trump-tai-thuong-dinh-nga-my-618856.ldo