Kỳ vọng nông thôn mới Hải Dương

Mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) của Hải Dương đến năm 2018 huyện Cẩm Giàng đạt chuẩn NTM, TP Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Năm 2020 có 89,8% số xã đạt chuẩn, bình quân đạt 18,2 tiêu chí/xã, các huyện Bình Giang, Nam Sách, Thanh Hà, Thanh Miện đạt chuẩn NTM.

Nhà văn hóa trung tâm thị xã Chí Linh

Chặng đường xây dựng NTM thời gian tới của Hải Dương có những thuận lợi cơ bản. Tuy nhiên, xây dựng NTM tới đây vẫn còn không ít khó khăn, thách thức như các xã có mặt bằng KT-XH khá đều đã về đích. Ngân sách xây dựng NTM cấp xã chủ yếu từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất nhưng không đáp ứng đủ. Bộ tiêu chí quốc gia xã NTM giai đoạn 2016 - 2020 đã được nâng cao hơn một mức.

Cụ thể: Tiêu chí hộ nghèo yêu cầu tỷ lệ hộ nghèo đa chiều phải nhỏ hơn hoặc bằng 2%. Tiêu chí y tế, yêu cầu tỷ lệ người dân tham gia đóng BHYT phải đạt 85% trở lên. Tiêu chí môi trường đổi tên thành tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm (bổ sung thêm chỉ tiêu 100% số hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm).

Tiêu chí hệ thống chính trị xã hội vững mạnh được đổi thành hệ thống chính trị xã hội và tiếp cận pháp luật (bổ sung xã đạt chuẩn NTM phải đạt chuẩn về tiếp cận pháp luật theo qui định) …

Trên cơ sở thấy rõ những thuận lợi, khó khăn đã nêu, BCĐ xây dựng NTM Hải Dương đã đề ra nhiều giải pháp đảm bảo hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra:

- Về nguồn lực, từ 2016 - 2020 dự kiến sẽ huy động 14.023,4 tỷ đồng thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, trong đó nguồn ngân sách 3.226,4 tỷ đồng, vốn lồng ghép 757 tỷ đồng, vốn tín dụng cho các hộ dân vay phát triển sản xuất là 6.250 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 2.200 tỷ đồng, vốn nhân dân tự đóng góp 1.145 tỷ đồng, nguồn tài trợ, ủng hộ khoảng 345 tỷ đồng.

Về cơ chế, hỗ trợ 7 tỷ đồng/xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2017, và 5 tỷ đồng/xã đạt chuẩn năm 2018 và 2019. Hàng năm tỉnh sẽ bố trí ngân sách khoảng 70 tỷ đồng để xây dựng một số công trình cụ thể cho các xã khó khăn, tạo điều kiện để các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM.

- Về tổ chức thực hiện, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động. Tăng cường phân cấp xây dựng NTM cho xã. Nâng cao năng lực BCĐ, bộ máy giúp việc và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Rà soát, nghiên cứu ban hành các chính sách giúp các xã huy động nguồn lực xây dựng NTM, trong đó có ưu tiên cao cho các xã khó khăn.

Trường mầm non được đầu tư xây dựng khang trang

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Tập trung khai thác các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Ưu tiên những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có thị trường. Chú trọng tổ chức lại sản xuất, ứng dụng KH-CN và đào tạo nghề. Phát triển các hình thức hợp tác kinh tế. Mở rộng liên kết sản xuất để thúc đẩy kinh tế hộ, kinh tế trang trại.

UBND tỉnh thành lập BCĐ xây dựng Đề án OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Tùy theo điều kiện, lợi thế của địa phương tiến hành xây dựng phong trào mỗi địa phương một sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có nhãn hiệu, thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn.

"Thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở được coi là chìa khóa cho xây dựng NTM hiệu quả, bền vững", ông Nguyễn Văn Phú, GĐ Sở NN-PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hải Dương nói.

NGUYỄN HẢI TIẾN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/ky-vong-nong-thon-moi-hai-duong-post207293.html