Kỳ vọng mới từ việc nâng hạn mức tín dụng chính sách

Nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân tại mọi vùng miền, từ tháng 3-2019, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chính thức nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là một trong những giải pháp để cùng với các tổ chức tín dụng khác của ngành ngân hàng góp phần đẩy lùi tín dụng phi chính thức.

Kỳ vọng mới từ việc nâng hạn mức tín dụng chính sách

Nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân tại mọi vùng miền, từ tháng 3-2019, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chính thức nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là một trong những giải pháp để cùng với các tổ chức tín dụng khác của ngành ngân hàng góp phần đẩy lùi tín dụng phi chính thức.

Được vay vốn từ NHCSXH Ngọc Lặc, gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh, xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc) đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả.

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHCSXH Thanh Hóa) đã tranh thủ sự quan tâm của NHCSXH Trung ương, tích cực tham mưu nhằm tăng cường nguồn lực hỗ trợ của địa phương, đồng thời, đẩy mạnh huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Đến ngày 31-3-2019, tổng nguồn vốn của NHCSXH Thanh Hóa đạt hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó vốn của Trung ương cấp hơn 6.135 tỷ đồng, vốn từ ngân sách tỉnh gần 250 tỷ đồng; vốn ngân hàng huy động hơn 2.628 tỷ đồng. Về sử dụng vốn, chi nhánh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ đối với các địa bàn có dư nợ thấp, khó tăng dư nợ do đối tượng ít được tập trung ưu tiên nguồn vốn nhằm bảo đảm ổn định mức dư nợ hợp lý.

Để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, ngay sau khi Hội đồng Quản trị NHCSXH Việt Nam ký Quyết định số 12/QĐ-HĐQT ngày 22-2-2019 về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn về việc thực hiện nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, kể từ ngày 1-3-2019, các chương trình tín dụng tại NHCSXH bao gồm: Chương trình cho vay hộ cận nghèo; chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo và chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải bảo đảm tiền vay.

Đối với thời hạn cho vay, NHCSXH nâng thời hạn cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo lên 120 tháng. Mức cho vay và thời hạn cho vay cụ thể đối với từng hộ vay được căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, vốn tự có, khả năng trả nợ của hộ vay và nguồn vốn cho vay của NHCSXH. Trường hợp hộ vay thuộc đối tượng của các chương trình tín dụng nêu trên đang sử dụng vốn vay có hiệu quả, thực hiện trả lãi đúng kỳ hạn theo thỏa thuận, nếu có nhu cầu vay thêm vốn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh có khả thi thì có thể vay bổ sung nhưng mức dư nợ không vượt quá 100 triệu đồng/hộ. Việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay, nhưng lãi suất không thay đổi phù hợp với quá trình sinh trưởng, phát triển của các đối tượng đầu tư dài hạn, nhằm giúp các hộ nghèo có điều kiện tiếp cận vốn vay tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh ở xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc), năm 2013, được vay 20 triệu đồng từ chương trình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn từ NHCSXH Ngọc Lặc. Cùng với một ít vốn tích lũy được, chị mua 2 con trâu, đào ao thả cá, trồng keo... Nhờ chăm chỉ làm ăn, áp dụng đúng khoa học - kỹ thuật trong quá trình sản xuất nên đàn trâu sinh sản liên tục, ao cá mang lại thu nhập tốt, rừng keo lớn nhanh, trung bình mỗi năm gia đình chị thu lãi gần 100 triệu đồng. Đến năm 2017, chị Hạnh trả đầy đủ gốc và lãi cho NHCSXH và xin vay thêm 30 triệu đồng từ chương trình sản xuất, kinh doanh để mua 4 con bò giống, đến nay đàn bò của gia đình đã sinh sản được 8 con bê, mang lại thu nhập cao. Nói về chính sách mới của NHCSXH, chị Hạnh cho biết: Chúng tôi biết ơn và trân trọng những đồng vốn của NHCSXH, giúp gia đình tôi và những người dân nghèo vươn lên trong cuộc sống và đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Với chính sách mới sẽ tạo thêm động lực, cơ hội để người dân tiếp cận và phát huy tốt hơn nguồn vốn vay.

Tính đến ngày 30-3, dư nợ của NHCSXH Ngọc Lặc đạt 460 tỷ đồng, trong đó dư nợ 3 chương trình: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và thoát nghèo chiếm trên 50% tổng dư nợ. Hiện nay, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc, có những mô hình kinh tế đồi rừng có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Việc tăng mức cho vay lên gấp đôi sẽ là động lực để các địa phương mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đẩy lùi được nguy cơ về tín dụng đen tại khu vực nông thôn.

Ông Lê Hữu Quyền, Giám đốc NHCSXH Thanh Hóa, cho biết: Nguồn vốn tại NHCSXH tỉnh đáp ứng 100% hộ nghèo có nhu cầu vay vốn theo chính sách mới. Hiện, các phòng giao dịch đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nhằm công khai, minh bạch chính sách để người dân nắm rõ. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng phối hợp với địa phương kiểm tra phương án đề nghị vay vốn và việc bình xét hộ vay vốn nhằm bảo đảm đúng đối tượng và mục đích sử dụng. Việc nâng mức cho vay tối đa với chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của NHCSXH nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân tại các vùng miền là một trong những giải pháp để cùng với các loại hình tổ chức tín dụng khác của ngành ngân hàng, góp phần đẩy lùi các loại hình tín dụng phi chính thức.

Bài và ảnh: Lương Khánh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/ky-vong-moi-tu-viec-nang-han-muc-tin-dung-chinh-sach/98926.htm