Kỳ vọng môi trường sống trong xanh

Là một trong những con kênh dài nhất thành phố, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên bị ô nhiễm nhiều năm nay, ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người dân. Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được thành phố tái khởi động triển khai trong năm được nhiều người dân kỳ vọng sẽ 'hồi sinh' dòng kênh này.

Một đoạn kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên hiện nay.

Một đoạn kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên hiện nay.

Là một trong những con kênh dài nhất thành phố, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên bị ô nhiễm nhiều năm nay, ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người dân. Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được thành phố tái khởi động triển khai trong năm được nhiều người dân kỳ vọng sẽ "hồi sinh" dòng kênh này.

Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dài 32,7 km, đi qua địa bàn bảy quận, huyện (Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, quận 12 và huyện Bình Chánh). Do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, người dân xả rác bừa bãi cùng với việc các cơ sở sản xuất xả nước thải chưa được xử lý khiến tuyến kênh này bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân sinh sống dọc tuyến kênh này chảy qua.

Anh Võ Tấn Hay ở phường Ðông Hưng Thuận, quận 12 cho biết: "Nhiều năm nay, kênh Tham Lương ô nhiễm nặng nề, nước đen đặc quánh cùng với rác thải nổi lềnh bềnh. Người dân sống quanh khu vực kênh Tham Lương còn bị "tra tấn" bởi mùi hôi thối bốc lên suốt ngày, không thể chịu nổi. Ô nhiễm nặng nề nhất có thể kể đến đoạn từ cầu vượt Quang Trung đến Khu công nghiệp Tân Bình do nước xả thải của các cơ sở sản xuất. Trước đây, chúng tôi thấy có chương trình cải tạo, nạo vét kênh Tham Lương thì rất vui mừng, nhưng từ năm 2017, hoạt động cải tạo lại ngừng giữa chừng cho nên tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Chúng tôi rất trông đợi dòng kênh sẽ được cải tạo triệt để, trả lại môi trường sống sạch cho người dân quanh đây".

Ðể giải quyết tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, từ năm 2004, TP Hồ Chí Minh đã sớm triển khai dự án cải tạo tuyến kênh này. Tiếp đó, Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được xác định là một trong những hạng mục thuộc Dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP Hồ Chí Minh, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Giai đoạn 2004 - 2016, thành phố đã tiến hành nạo vét bùn dưới đáy kênh ở độ sâu 3 đến 4 m. Thành phố cũng đã giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho hơn 3.200 hộ dân bị ảnh hưởng. Sau giai đoạn 1, một số đoạn dọc hai bên kênh đã hình thành những con đường mới, có nơi được chính quyền và người dân chung tay tráng nhựa để đi lại thuận tiện. Ðến năm 2017,
khi giai đoạn 2 của dự án dự kiến được triển khai với nhiều hạng mục quan trọng thì WB ngừng tài trợ khiến dự án phải tạm dừng từ đó đến nay, phải chờ đợi tìm kiếm nguồn vốn khác thay thế.

Ngày 22-4, HÐND thành phố Hồ Chí Minh chính thức thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 với tổng vốn đầu tư 8.200 tỷ đồng, trong đó, 4.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương và 4.200 tỷ đồng từ ngân sách TP Hồ Chí Minh. Dự án này được thành phố đặt niềm tin làm thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần cải thiện đời sống cho khoảng hai triệu người dân trong lưu vực rộng gần 15.000 ha.

Ðại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên bao gồm nhiều hạng mục như: Xây bờ kè dài hơn 32,7 km bằng bê-tông; nạo vét toàn tuyến kênh; làm mới, sửa chữa các cống ngang đấu nối ra kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; xây dựng 12 bến thuyền dọc tuyến kênh; làm đường và công trình hạ tầng dọc theo chiều dài hai bờ kênh.

Theo Hội đồng Thẩm định TP Hồ Chí Minh, dự án này bảo đảm ba tiêu chí lớn là giảm ngập nước, giải quyết ô nhiễm môi trường và giải quyết ùn tắc giao thông. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là tiêu thoát nước, chống ngập cho khu vực trung tâm và khu vực tây bắc thành phố. Dự án còn giúp hình thành tuyến giao thông thủy - bộ kết nối giữa TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ qua cửa ngõ Long An và đi các tỉnh miền Ðông Nam Bộ như Bình Dương, Ðồng Nai nhằm giảm kẹt xe, phát triển du lịch và vận chuyển hàng hóa. Do đó, đây là dự án mang tính dân sinh cao, sau khi hoàn thành sẽ nâng cao chất lượng sống của hàng triệu người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh trong tương lai…

Là dự án trọng điểm góp phần chỉnh trang đô thị của thành phố trong những năm tới, người dân thành phố rất trông đợi sớm được triển khai và hoàn thành để trả lại sự trong xanh cho toàn tuyến kênh. Nhiều chuyên gia cũng mong muốn dự án được triển khai kết nối đồng bộ, có tính toán đến việc xử lý triệt để nguồn nước xả thải từ dân cư và từ các nhà máy sản xuất, nhất là nước thải từ khu công nghiệp gần kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, để môi sinh, môi trường dòng kênh được bảo vệ trong lành bền vững.

Bài và ảnh: ANH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/ky-vong-moi-truong-song-trong-xanh-647631/