Kỳ vọng lớn từ doanh nghiệp

Ngày 14/2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam tại Quyết định số 200/QĐ-TTg. Văn bản đầu tiên định hướng phát triển ngành logistics đang nhận được sự kỳ vọng lớn từ doanh nghiệp (DN).

Các doanh nghiệp logistics cần nâng cao chất lượng dịch vụ để tăng sức cạnh tranh

Là đơn vị đơn vị giao nhận chuyên cung cấp dịch vụ logistics trọn gói cho các lô hàng tạm nhập tái xuất, tham dự triển lãm trong và ngoài nước, Công ty CP Dịch vụ triển lãm và logistics (ESL) cung cấp dịch vụ logistics cho các lô hàng dự án, hàng quá cảnh Việt Nam sang nước thứ 3 và các lô hàng giao nhận cho các đơn vị tại các khu công nghiệp và khu chế xuất. Ông Mai Nhật Minh- Giám đốc ESL - cho hay, năm 2016, nhờ chất lượng dịch vụ tốt, giá cả phải chăng, đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng, ESL vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu tương đối tốt.

Ông Đặng Hồng Chuyên - Tổng giám đốc Công ty CP Á Châu - cho biết, để nắm bắt cơ hội từ thị trường, một số DN logistics đã dựa vào đầu tư của nhà nước hoặc tự bỏ vốn đầu tư chuỗi dịch vụ logistics. Những chuỗi dịch vụ này phù hợp theo từng ngành kinh doanh - hàng hóa thiết bị công nghiệp hoặc hàng hóa tiêu dùng. Một số DN đã gặt hái thành công đáng kể, có những nguồn, chuỗi logistics khép kín và bảo đảm cạnh tranh như Công ty CP Á Châu, Công ty Tân Cảng Sài Gòn...

Đánh giá về chất lượng dịch vụ của các DN logistics hiện nay, ông Dương Xuân Lập - Phó Tổng giám đốc Công ty CP bê tông Hà Thanh - cho hay, dịch vụ của các DN logistics Việt có giá thành cạnh tranh, phục vụ nhiệt tình. Do đó, công ty thường sử dụng dịch vụ vận tải của các DN Việt Nam để vận chuyển những cấu kiện bê tông đúc sẵn.

Nỗ lực của DN logistics Việt Nam là có, tuy nhiên, nếu so sánh với chất lượng dịch vụ của các DN nước ngoài thì vẫn có sự chênh lệch lớn. Đại diện Hiệp hội Da giày Việt Nam chia sẻ, nhìn chung, dịch vụ của các DN logistics Việt Nam chưa thể so sánh với các DN nước ngoài. Nhiều DN logistics Việt hiện chỉ làm đại lý cho các công ty ở nước ngoài, thực hiện một vài công đoạn như thu gom, tập kết hàng và giao hàng đến cầu cảng. Chưa kể, nhiều DN còn thu thêm phí dịch vụ, phí làm hồ sơ khiến chi phí đội lên, khả năng cạnh tranh giảm.

Thừa nhận sự nhiệt tình và giá thành rẻ của các DN Việt, nhưng ông Dương Xuân Lập cũng thừa nhận, độ chuyên nghiệp và tính an toàn của các DN logistics Việt chưa thể cạnh tranh với các DN nước ngoài.

Ông Đặng Hồng Chuyên chia sẻ thêm, sự kém cạnh tranh của các DN logistics Việt còn đến từ việc các DN bị động với những chính sách của nhà nước. Đơn cử, việc tăng giá thành vận chuyển, chuyển bến, bãi tại các cảng biển Việt Nam thời gian qua mà cảng Hải Phòng là điển hình. Cụ thể, theo Nghị quyết 148/2016/NQ-HĐND được HĐND TP. Hải Phòng ban hành, từ ngày 1/1/2017, các DN phải thực hiện thêm thủ tục kê khai và nộp phí hạ tầng mới với mức phí tăng gần 70% so với mức hiện hành. Thậm chí, có những mặt hàng mà mức phí tăng đến 200%.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN logistics Việt Nam, Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đã được Chính phủ ký ban hành đã nhận được kỳ vọng lớn từ DN. Ông Mai Nhật Minh kỳ vọng, kế hoạch sẽ giúp cải tiến đồng bộ các thủ tục hành chính, giúp DN rút ngắn được thời gian thông quan các lô hàng; giúp hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa các cơ sở khai thác hàng hóa tại các cảng biển và sân bay cũng như các hạ tầng cơ sở nói chung, giúp việc khai thác hàng hóa của DN thuận tiện, tiết kiệm thời gian và chi phí.

“Đặc biệt, logistisc là một loại hình dịch vụ trọn gói từ khâu lên kế hoạch, chuẩn bị và cung cấp dịch vụ. Để thực hiện dịch vụ này, khi triển khai kế hoạch, các DN logistics rất cần hỗ trợ để tạo sự liên kết, hợp tác với các DN sản xuất, xuất nhập khẩu, qua đó giúp các DN logistics nâng cao chất lượng dịch vụ” - ông Minh chia sẻ.

Ông Đặng Hồng Chuyên cho rằng, kế hoạch cần ưu tiên những DN đầu tàu, có ý thức đầu tư chuỗi dịch vụ logistics chuyên nghiệp. Đồng thời, ban hành hệ thống văn bản đồng bộ, đơn giản hóa thủ tục hành chính từ cửa khẩu, bến cảng, hải quan đến hệ thống thanh tra, kiểm tra trong lưu thông, vận chuyển, lưu hành hàng hóa, tránh gây phiền nhiễu, mất thời gian, tốn chi phí, gây hoang mang cho các DN xuất nhập khẩu và DN kinh doanh dịch vụ logistics.

Về phía các DN sử dụng dịch vụ, đại diện Hiệp hội Da giày cho hay, kế hoạch cần hỗ trợ các DN logistics nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyên nghiệp hơn trong thực hiện dịch vụ. Đặc biệt, liên kết các DN vừa và nhỏ ngành logistics nhằm tạo chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh, mang lại lợi ích tối đa và tiện lợi cho DN sử dụng dịch vụ.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương):

Một trong những mục tiêu quan trọng của kế hoạch là làm sao để các DN thương mại và xuất nhập khẩu phối hợp chặt chẽ với các DN logistic để có sự phân công lao động rõ ràng, mang lại hiệu quả cao nhất. DN thương mại, sản xuất và xuất khẩu tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu hoặc tìm kiếm thị trường. Còn việc đưa nguyên liệu sản xuất về cho DN hoặc phân phối sản phẩm đó đến các thị trường, đối tác thì để các DN logistics thực hiện.

Linh - Lan - Dũng

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/ky-vong-lon-tu-doanh-nghiep-83015.html