Kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm

Trong những tháng cuối năm, SSI duy trì quan điểm chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch, và mặt bằng lãi suất huy động - cho vay sẽ được các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ.

 Ảnh: Trọng Hiếu

Ảnh: Trọng Hiếu

Báo cáo thị trường tiền tệ tuần qua của SSI cho biết, thanh khoản hệ thống tiếp tục được hỗ trợ bởi việc đáo hạn của các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn đầu tháng 4/2021 trong tuần qua nên mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hầu như đi ngang ở mức thấp, kết tuần ở mức 0,68%, không thay đổi với kỳ hạn qua đêm và ở mức 0,81%, tăng 0,03% cho kỳ hạn 1 tuần.

Thông tin từ NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến 7/10/2021 đạt 7,42% so với đầu năm, tương đương với mức tăng 15,1% so với cùng kỳ. Tín dụng có dấu hiệu chậm lại trong 3 tháng qua dưới tác động của dịch bệnh kéo dài, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn duy trì tương đương với tốc độ trước đại dịch, cho thấy các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cung cấp vốn vay ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp trong năm nay.

Tính đến cuối tháng 9/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kể từ 23/1/2020 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay chính sách tiền tệ của NHNN vẫn được điều hành theo xu hướng nới lỏng. Đến ngày 7/10/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 5,65% so với cuối năm 2020 và tăng 11,56% so với cùng kỳ 2020. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất cho vay giảm trong 9 tháng đầu năm, với mức giảm 0,6 – 0,7%/năm và lãi suất huy động cũng duy trì ở mức thấp.

SSI duy trì quan điểm chính sách tiền tệ trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch và mặt bằng lãi suất huy động - cho vay được các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong quý IV/2021.

Về tỷ giá, SSI cho biết, một số thông tin kinh tế quan trọng của Mỹ được công bố, trong đó đáng chú ý nhất là biên bản cuộc họp tháng 9 của FOMC, chỉ số CPI và doanh thu bán lẻ.

Biên bản cuộc họp tháng 9 không gây ra bất ngờ cho thị trường khi tiếp tục nhấn mạnh khả năng FED sẽ thu hẹp quy mô mua tài sản từ giữa tháng 11 hoặc tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, mức cắt giảm quy mô tài sản được dự báo khoảng 15 tỷ USD mỗi tháng, thấp hơn kỳ vọng và khiến cho diễn biến đồng USD không mấy tích cực.

Tại Việt Nam, tỷ giá USD/VND ổn định ở cả 2 thị trường liên ngân hàng và tự do. Kết tuần, tỷ giá niêm yết ở các NHTM giao dịch ở mức 22.630 đồng/USD - 22.860 đồng/USD, không thay đổi so với tuần trước.

Đáng chú ý, cán cân thương mại trong tháng 9 đã đảo chiều xuất siêu 360 triệu USD, sau 4 tháng nhập siêu liên tục. Mặc dù tính đến hết tháng 9, cán cân thương mại vẫn nhập siêu khoảng 2,5 tỷ USD, tuy nhiên hoạt động sản xuất đã cho tín hiệu phục hồi trong nửa cuối tháng 9. Chính phủ hiện đang từng bước mở cửa dần lại nền kinh tế, do vậy SSI kỳ vọng cán cân thương mại sẽ được cải thiện vào giai đoạn cuối năm trong khi đó dòng kiều hối thường sẽ tăng mạnh trong cuối năm. Nguồn cung – cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ tương đối cân bằng và giúp tỷ giá USDVND duy trì trạng thái ổn định.

KBNN vừa có thông báo về việc điều chỉnh kế hoạch năm 2021 và kế hoạch đấu thầu TPCP quý IV/2021. Theo đó, để thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho NSTW năm 2021, KBNN đã điều chỉnh kế hoạch đấu thầu TPCP của năm 2021 từ 350 nghìn tỷ đồng lên 373 nghìn tỷ đồng (đã bao gồm khối lượng phát hành cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam). Đây cũng là quy mô huy động dự kiến lớn nhất từ trước đến nay tính theo kế hoạch của một năm từ KBNN, trong bối cảnh tổng mức đáo hạn TPCP lên đến hơn 160 nghìn tỷ đồng trong năm 2021.

Trong quý IV, KBNN dự kiến tổng mức phát hành theo kế hoạch là 135 nghìn tỷ đồng, trong đó khối lượng phát hành nhiều nhất ở kỳ hạn 15 năm với 50 nghìn tỷ đồng (chiếm 37%) và khối lượng ít nhất ở kỳ hạn 7 năm với chỉ 5 nghìn tỷ đồng. Tính đến hiện tại, KBNN đã phát hành thành công 244 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 65% kế hoạch năm 2021 mới.

Như vậy, áp lực huy động vốn dồn vào quý IV tương đối lớn, tuy nhiên, nhu cầu mua TPCP sẽ không có nhiều bứt phá trong bối cảnh môi trường lợi suất thấp và nhu cầu cơ cấu lại danh mục TPCP không còn cao như giai đoạn đầu năm khi lượng TPCP đáo hạn trong quý IV chỉ bằng 5% tổng lượng TPCP đáo hạn năm 2021. Mặt bằng lợi suất trúng thầu kỳ vọng sẽ duy trì đi ngang trong thời gian tới.

NĐTNN tiếp tục bán ròng tuần thứ 4 liên tiếp với tổng giá trị là 113 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay NĐTNN vẫn duy trì mua ròng 9,5 nghìn tỷ đồng – cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Đình Vũ/nhadautu.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/ky-vong-lai-suat-tiep-tuc-giam-340296.html