Kỳ vọng kinh tế 'hạ cánh mềm', chứng khoán Âu Mỹ tăng điểm trong tuần đầu năm

Các kỳ vọng tăng lên của giới đầu tư về kịch bản 'hạ cánh mềm' cho nền kinh tế Mỹ và khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) đã giúp thị trường chứng khoán Âu-Mỹ tăng điểm trong tuần đầu tiên của năm mới.

Niềm lạc của giới đầu tư đã tiếp sức cho thị trường chứng khoán ở cả hai bờ Đại Tây Dương vào hôm 6-1, sau khi số liệu lạm phát của khu eurozone và dữ liệu việc làm của Mỹ thắp lên các hy vọng về khả năng ‘hạ cánh mềm’ cho hai nền kinh tế lớn này, tức tăng trưởng sẽ chậm lại nhưng sẽ không rơi vào suy thoái hoặc chỉ chịu suy thoái nhẹ nhàng.

Lạm phát ở khu vực eurozone tiếp tục hạ nhiệt nhờ giá xăng và giá khí đốt cùng giảm. Ảnh: Bloomberg/ Financial Times

Lạm phát ở khu vực eurozone tiếp tục hạ nhiệt nhờ giá xăng và giá khí đốt cùng giảm. Ảnh: Bloomberg/ Financial Times

Dữ liệu công bố hôm 6-1 cho thấy đà giảm giá xăng và giá khí đốt đã giúp lạm phát hàng năm của tháng 12 ở 20 nền kinh tế thuộc eurozone tăng chậm lại, về mức 9,2% so với mức 10,1% trong tháng 11. Mức tăng này chậm hơn so với mức dự báo 9,5% của các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát. Đây là tháng thứ hai liên tiếp lạm phát của eurozone tăng chậm lại.

Thông tin tích cực này đã giúp chỉ số Stoxx Europe 600, đại diện cho cổ phiếu của 600 công ty vốn hóa lớn, vừa và nhỏ tiêu biển ở 17 nước eurzone, tăng 1,2%. Tính cả tuần, chỉ số này tăng 4,6%, đánh dấu tuần đầu năm khởi sắc nhất kể từ năm 2009 khi các nhà đầu tư rũ bỏ phần nào tâm lý ảm đạm hồi cuối năm ngoái.

Ngân hàng Goldman Sachs lưu ý rằng giá khí đốt tự nhiên bán buôn thấp hơn ở châu Âu, sẽ giúp tăng các mức thu nhập thực tế, góp phần đẩy lùi lạm phát, và cải thiện ngân sách của các chính phủ trong khu vực. Ngân hàng này cho biết thêm xuất khẩu của châu Âu sẽ được hưởng lợi sau khi Trung Quốc chấm dứt chính sách ‘zero Covid’.

Nhưng do giá dịch vụ và hàng hóa công nghiệp phi năng lượng tăng nhanh hơn trong tháng 12, tốc độ tăng lạm phát cốt lõi, không bao gồm giá năng lượng và lương thực, của eurozone trong tháng 12 tăng 5,2%, mức cao nhất kể từ khi đồng tiền chung euro được tạo ra vào năm 1999.

Tại Mỹ, chỉ số S&P, theo dõi 500 công ty có vốn hóa lớn tiêu biểu của thị trường chứng khoán Mỹ, chốt phiên giao dịch hôm 6-1 với mức tăng 2,3%. Tính cả tuần, chỉ số này và chỉ số Dow Jones cùng tăng 1,5%.

Chứng khoán Mỹ giao dịch tích cực trong phiên cuối tuần sau khi dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy tăng trưởng việc làm ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chậm lại trong tháng thứ 5 liên tiếp và mức tăng lương theo giờ cũng chậm hơn dự kiến. Trong tháng 12, số lượng việc làm phi nông nghiệp của Mỹ tăng thêm 223.000, cao hơn mức dự báo nhưng thấp hơn con số 256.000 việc làm được tạo ra trong tháng 11. Thu nhập theo giờ của người lao động Mỹ tăng 0,3% trong tháng trước, chậm hơn so với mức tăng 0,4% được ghi nhận trong tháng 11. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ bất ngờ giảm về mức 3,5% so với 3,6% của tháng 11.

Simona Mocuta, nhà kinh tế trưởng tại State Street Global Advisors, cho biết báo cáo việc làm của Mỹ làm tăng triển vọng ‘hạ cánh mềm’. trong đó, thị trường lao động vẫn mạnh mẽ với tốc độ tăng lương chậm lại nhưng không xảy ra tình trạng sa thải trên diện rộng.

Bà cho rằng lý tưởng nhất là điều đó sẽ cho phép Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm tạm dừng việc tăng lãi suất.

Một dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang giảm tốc là hoạt động của ngành dịch vụ bất ngờ suy giảm trong tháng 12, đánh dấu lần đầu tiên suy thoái kể từ tháng 5-2020.

Dữ liệu của Viện Quản lý cung ứng (ISM) công bố hôm 6-1 cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành dịch vụ của Mỹ trong tháng 12 giảm xuống còn 49,6 điểm từ mức 56,5 điểm của tháng 11. Chỉ số này nằm dưới ngưỡng 50, cho thấy thấy sự thu hẹp trong lĩnh vực dịch vụ, nơi đóng góp 2/3 GDP của Mỹ.

Dorothee Rouzet, nhà kinh tế kinh tế tại Ngân hàng Citi, nhận định đà giảm của tốc độ lạm phát hiện tại của châu Âu báo hiệu một cơn suy thoái rất nhẹ, hoặc gần như không có suy thoái cho khu vực này trong năm nay. Tuy nhiên, bà cảnh báo điều đó có thể thúc đẩy Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tăng tiếp lãi suất khi trọng tâm lo ngại của họ về vấn đề lạm phát chuyển từ giá cả năng lượng sang triển vọng tăng lương của người lao động và tăng biên lợi nhuận của các doanh nghiệp. Dù lạm phát dường như đã lập đỉnh, các ngân hàng trung ương ở Mỹ và eurozone vẫn lo lạm phát có thể duy trì ở mức 4-5% trong năm 2023, thay vì hướng về mức mục tiêu 2% của họ. Philip Rush, người sáng lập Công ty tư vấn Heteronomics, nhận định: “Lạm phát sẽ không thể quay trở lại mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương một cách bền vững cho đến khi vấn đề cốt lõi này được khắc phục.”

ECB dự kiến tăng chi phí vay thêm tổng cộng 100 điểm cơ bản trong hai cuộc họp vào tháng 2 và tháng 3 tới, để đưa lãi suất lên 3%. Cơ quan quản lý tiền tệ này có thể nâng lãi suất lên mức đỉnh 3,5% trước mùa hè năm nay.

Veronica Clark, nhà kinh tế tại Citi, cho rằng tỷ lệ thất nghiệp 3,5% cho thấy thị trường lao động của Mỹ vẫn rất chặt chẽ. “Đối với một nhà kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp thấp sẽ dẫn đến rủi ro tăng lương trong tương lai”.

Nhìn chung, thị trường lao động Mỹ vẫn đang vững mạnh nhờ sức chi tiêu ổn định của người tiêu dùng. Nhưng điều này làm tăng rủi ro Fed nâng lãi suất mục tiêu lên trên mức cao nhất 5,1% mà Fed dự báo vào tháng trước và duy trì mức lãi suất cao trong một thời gian trước khi nhận thấy áp lực lạm phát giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng việc làm của Mỹ có thể chậm lại đáng kể vào giữa năm 2023 do tín dụng đắt đỏ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư kinh doanh.

Theo Financial Times, Reuters

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ky-vong-kinh-te-ha-canh-mem-chung-khoan-au-my-tang-diem-trong-tuan-dau-nam/