Kỳ vọng khởi đầu một 'cuộc cách mạng'

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch. Đây được coi là văn bản vô cùng quan trọng, giải tỏa những ách tắc tồn tại từ lâu nay, là sự khởi đầu, mở lối cho một cuộc 'cách mạng về quy hoạch'.

Luật Quy hoạch được cho là sẽ tạo nên một “cuộc cách mạng” trong công tác lập quy hoạch. Ảnh minh họa

Đòi hỏi bức xúc của sự phát triển

Chính vì tầm quan trọng của một văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch, khi sự trông chờ của các địa phương cùng với đòi hỏi bức xúc của sự phát triển đã dồn nén lâu nay mà Nghị định 37/2019/NĐ-CP ngay lập tức có hiệu lực thi hành, bắt đầu từ ngày 7/5/2019.

Trước khi Nghị định này ra đời, nhiều vướng mắc, khó khăn từ các bộ ngành, địa phương đã được phản ánh lên Chính phủ. Bởi Luật Quy hoạch đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, nhưng văn bản hướng dẫn thực hiện vẫn chưa có khiến các bộ ngành, địa phương rất lúng túng; nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội bị ách tắc, không thể triển khai.

Những ách tắc này, là do trong thời gian chưa có quy hoạch thời kỳ mới được lập theo quy định của Luật Quy hoạch, việc thực hiện chuyển tiếp đối với các quy hoạch tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa rõ được thực hiện như thế nào. Một số quy hoạch ngành quốc gia trước đây được quy định ở luật chuyên ngành nhưng hiện nay quy định của các luật chuyên ngành đã hết hiệu lực và phải thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch. Do đó, việc điều chỉnh cục bộ các quy hoạch này không thể thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành đã hết hiệu lực.

Theo một văn bản của Văn phòng Chính phủ, chỉ một thời gian ngắn sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thì đã có tới 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể. Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất 2016 - 2020 của 5 tỉnh thành phố là Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Cà Mau, Hải Dương không thể ban hành. Khoảng 25 quy hoạch ngành xây dựng, quy hoạch điện lực, khoáng sản, cấp nước, vùng kinh tế trọng điểm cũng đang “tắc”.

"Có tới 368 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp không thể triển khai vì vướng mắc quy hoạch, trong đó có 91 dự án lưới điện, 210 dự án điện mặt trời, xử lý rác phát điện…", báo cáo của Văn phòng Chính phủ nêu.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, nếu chúng ta không sớm ban hành được văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch thì “cả nước đình trệ hết”.

Trước những đòi hỏi bức xúc của xã hội, của sự phát triển, hồi tháng 4/2019, Thường trực Chính phủ đã phải có cuộc họp riêng về vấn đề này.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần giải quyết ngay những vấn đề mới đặt ra, không để ách tắc cho sản xuất, kinh doanh, khơi thông dòng chảy của kinh tế, nhất là về vấn đề năng lượng.

Do còn những vướng mắc do khái niệm về quy hoạch quốc gia tích hợp còn nhiều vấn đề phức tạp, Thủ tướng đề nghị ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch về những điểm không bị vướng mắc lớn trên tinh thần dự thảo nghị định sẽ không quy định nội dung chuyển tiếp đối với các quy hoạch quy định ở Ðiều 59 Luật Quy hoạch. Bên cạnh đó, những gì còn vướng mắc, không thể thực hiện được, do luật pháp, do tính phức tạp của tích hợp, thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin chậm lại.

Cần sự quyết liệt đổi mới

Nghị định 37/2019/NĐ-CP được ban hành với hàng loạt hướng dẫn liên quan đến các nhiệm vụ lập quy hoạch, tổ chức tư vấn lập quy hoạch, lấy ý kiến về quy hoạch, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh...

Trước đó, được trình ra Quốc hội lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, dự thảo Luật Quy hoạch đã nhận được sự đánh giá cao của dư luận. Tư tưởng cải cách, đổi mới của Luật Quy hoạch được cho là sẽ tạo nên một “cuộc cách mạng” trong công tác lập quy hoạch, lâu nay manh mún, chồng chéo, kém hiệu quả, thiếu tính thị trường. Tư tưởng đổi mới ấy, nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là “như một phát đại bác bắn vào thành lũy cuối cùng của cơ chế kế hoạch hóa tập trung từng đày đọa nhau một thời”.

Hai trong số những tư tưởng đổi mới nổi bật của Luật Quy hoạch, đó là sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia và bãi bỏ các quy hoạch ngành, sản phẩm, thay vào đó để thị trường tự điều tiết.

Nhiều ý kiến đánh giá, Luật Quy hoạch đã góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ. Theo đó, Nhà nước chỉ quy hoạch những ngành hạ tầng thiết yếu như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất để kiến tạo sự phát triển theo cơ chế thị trường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển, giảm bớt gánh nặng đầu tư công và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc đổi mới quan điểm lập quy hoạch theo hướng tiếp cận quy hoạch chiến lược; nội dung quy hoạch là tổng hợp, đa ngành, chú trọng đến phân bổ không gian phát triển, có sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành, địa phương để xử lý, giải quyết các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tuy nhiên, Luật Quy hoạch tác động đến 95 luật, pháp lệnh và khoảng 20.000 bản quy hoạch đang tồn tại. Chính vì vậy, dù Luật đã được thông qua, Nghị định hướng dẫn cũng đã được ban hành nhưng “khoảng trống pháp lý” chưa phải đã hết khi nghị định hướng dẫn thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch, đến nay vẫn chưa thể ra đời.

Bởi thế, việc triển khai Luật Quy hoạch sẽ còn cam go, thử thách, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc xử lý, tháo gỡ và việc Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch chỉ là sự khởi đầu. Bên cạnh đó, điều rất quan trọng, rất cần thiết, đó chính là cần một sự đổi mới tư duy, là cam kết hợp tác và hành động của cả bộ máy chính trị.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ky-vong-khoi-dau-mot-cuoc-cach-mang-post61826.html