Kỳ vọng hỗ trợ của UNICEF đối với giáo dục Việt Nam tiếp tục đi vào chiều sâu và hiệu quả

Chiều 3/12, tại Bộ GDĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Rana Flowers. Tại đây, hai bên đã cùng trao đổi và thống nhất một số hoạt động hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa UNICEF và Bộ GDĐT Việt Nam trong thời gian tới.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cảm ơn và đánh giá cao những hỗ trợ của UNICEF trong thời gian qua đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt là giáo dục mầm non, đồng thời mong rằng, thời gian tới các tư vấn, hỗ trợ của UNICEF đối với giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu và ngày càng hiệu quả. Bộ trưởng đề xuất 3 nội dung Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ của UNICEF.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Rana Flowers.

Trước hết là việc hỗ trợ để hoàn thiện các chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó gồm các chính sách cho người dạy, người học đảm bảo sự tiếp cận công bằng đối với trẻ em vùng sâu vùng xa, trẻ em tại các khu công nghiệp - khu chế xuất, trẻ em di cư tự do. “Sự hỗ trợ của UNICEF cho vấn đề này là rất cần thiết” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chia sẻ về giáo dục cho trẻ em khuyết tật, Bộ trưởng cho biết, số lượng trẻ khuyết tật ở Việt Nam lớn, thời gian qua giáo dục cho trẻ khuyết tật đã được quan tâm nhưng vẫn cần có những chính sách, những quy hoạch mang tính hệ thống để giúp trẻ khuyết tật được tiếp cận với giáo dục một cách bình đẳng. Bộ trưởng đề nghị UNICEF hỗ trợ Việt Nam quy hoạch hệ thống giáo dục cho trẻ khuyết tật và giúp trẻ khuyết tật được tiếp cận hệ thống này.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề xuất UNICEF hỗ trợ Bộ GD&ĐT thực hiện chương trình đánh giá cấp khu vực do ASEAN khởi xướng năm 2011 nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc giám sát theo hệ thống kết quả học tập của học sinh (SEA-PLM: The Southeast Asia Primary Learning Metrics - Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á).

Trao đổi với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Rana Flowers ghi nhận những đề xuất của người đứng đầu ngành Giáo dục Việt Nam và một lần nữa khẳng định cam kết, tâm huyết của UNICEF cho sự phát triển của trẻ em và giáo dục Việt Nam để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Bên cạnh những lĩnh vực đã có sự hợp tác lâu dài với Việt Nam như giáo dục mầm non, giáo dục cho trẻ khuyết tật, bà Rana Flowers cũng đề cập tới những lĩnh vực mới mà UNICEF mong muốn được hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới như giáo dục phổ thông, trong đó tăng cường giáo dục kỹ năng số, kỹ năng chuyển đổi cho học sinh nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thích ứng với giai đoạn phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo.

Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Rana Flowers.

Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cũng đề xuất với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ 3 mảng hoạt động có thể thúc đẩy hợp tác với ngành Giáo dục nhằm đảm bảo an toàn trường học trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp. Đó là, tăng cường khả năng thích ứng của học sinh, giáo dục cho học sinh về thói quen “sống xanh”, hỗ trợ đảm bảo vật chất trường học như xây dựng hệ thống nhà vệ sinh, lắp đặt máy lọc không khí, hệ thống điện mặt trời… tại một số trường học.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Rana Flowers cũng đã trao đổi một số nội dung hai bên cùng quan tâm khác như chương trình giáo dục tiếng dân tộc thiểu số, hệ thống trường nội trú, bán trú cho học sinh dân tộc. Đặc biệt, hai bên thống nhất quan điểm sẽ xem xét, hỗ trợ để tổ chức một hội nghị quy mô khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam về tăng cường giáo dục kỹ năng số, kỹ năng chuyển đổi cho học sinh phổ thông vào năm 2020.

“Trong thời gian tới, UNICEF mong muốn hỗ trợ Bộ GDĐT những hoạt động cụ thể như lồng ghép các kiến thức về biến đổi khí hậu vào chương trình giảng dạy trong nhà trường, hỗ trợ giáo viên tham gia vào các khóa đào tạo online về phòng chống biến đổi khí hậu, giúp các nhà trường trở nên thân thiện, thích ứng biến đổi khí hậu” - Bà Rana Flowers chia sẻ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/ky-vong-ho-tro-cua-unicef-doi-voi-giao-duc-viet-nam-tiep-tuc-di-vao-chieu-sau-va-hieu-qua-4051024-v.html