Kỳ vọng gì từ cái bắt tay của 2 tân 'thuyền trưởng' ở Huế?

Thông qua việc giáo dục văn hóa Huế sẽ hun đúc tình yêu quê hương, xứ sở của mỗi người dân xứ Huế, từ đó sẽ giúp mỗi người có những khát khao, quyết tâm để cống hiến cho Thừa Thiên-Huế nhiều hơn.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế nhận nhiệm vụ dẫn dắt ngành giáo dục tỉnh này từ tháng 9/2019. Trước đó, ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng mới đảm nhận vị trí quản lý các điểm di tích, di sản Huế không lâu.

Sáng ngày 23/11, 2 vị tân “thuyền trưởng” này đã đại diện 2 đơn vị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở GD&ĐT cùng bắt tay ký với nhau biên bản ghi nhớ chương trình hợp tác giáo dục di sản văn hóa Huế tại các trường học trên địa bàn tỉnh.

Ký kết biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm BTDT Cố đô Huế và Sở GD&ĐT.

Ký kết biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm BTDT Cố đô Huế và Sở GD&ĐT.

Chứng kiến lễ ký kết này là ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng đại diện nhiều lãnh đạo sở, ban ngành liên quan.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học cho học sinh ở nhà trường sẽ góp phần hình thành ý thức tôn trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa. Bên cạnh đó, còn rèn luyện tính chủ động, sáng tạo trong đổi mới phương pháp học tập; phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng của học sinh… Tuy nhiên, Huế dù là vùng đất được mệnh danh là xứ sở của di sản, nơi có tới 5 di sản được UNESCO vinh danh, nhưng thời gian qua, việc giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường nơi đây còn thưa vắng, chưa đồng bộ, chuyên nghiệp dẫn đến hiệu quả không cao.

Chính vì vậy, mới đây thôi, tại lễ khai giảng năm học 2019-2020 của các nhà trường, Chủ tịch UBND tỉnh này đã đặt nhiều tâm tư trong bức thư gửi các thầy cô và các em học sinh về việc giữ gìn các giá trị truyền thống, giáo dục nhân cách... Trong đó, người đứng đầu tỉnh Thừa Thiên-Huế nhấn mạnh, "với truyền thống hiếu học và học giỏi, "tiên học lễ hậu học văn" luôn là mục tiêu, nét đẹp truyền thống của giáo dục Huế. Chúng ta tự hào về cốt cách nho nhã, thanh lịch trong mỗi người Huế đã tạo nên bản sắc, nền tảng phát triển giáo dục”.

Tại buổi lễ ký kết trên, ông Phan Ngọc Thọ cũng đặt nhiều kỳ vọng: “Thông qua việc giáo dục văn hóa Huế sẽ hun đúc tình yêu quê hương, xứ sở của mỗi người dân xứ Huế, từ đó sẽ giúp mỗi người có những khát khao, quyết tâm để cống hiến cho Thừa Thiên-Huế nhiều hơn".

Đồng thời, Vị Chủ tịch tỉnh này nhấn mạnh, hiện nay, Thừa Thiên- Huế đang nỗ lực trở thành đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương, vì vậy việc bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa Huế là hết sức quan trọng. Thành phố di sản bên cạnh việc có nhiều di sản thì còn phải là nơi đi đầu trong công tác bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị di sản. Để làm được điều này, yếu tố tiên quyết là cần có những con người biết yêu di sản, hiểu biết về di sản, có ý thức bảo vệ di sản, phát huy tốt các giá trị của di sản.

Ông Phan Ngọc Thọ đặt nhiều kỳ vọng sau lễ ký kết.

“Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình; có bề dày lịch sử và nền văn hóa lâu đời. Việc đưa chương trình giáo dục di sản văn hóa vào trường học sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn lịch sử địa phương mình, nuôi dưỡng niềm tự hào về truyền thống của dân tộc để có ý thức bảo vệ, giữ gìn các di sản văn hóa tốt hơn”, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phát biểu tại buổi lễ.

Vị này nhấn mạnh thêm, việc ký kết chính là bước chuyển động quan trọng về hình thức, đồng thời hiện thực hóa chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế về việc đưa giáo dục di sản vào trường học trên địa bàn.

Các lãnh đạo, đại biểu tham gia buổi ký kết chụp ảnh lưu niệm cùng các em học sinh.

Được biết, theo nội dung ký kết thì Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở GD&ĐT sẽ hợp tác thực hiện qua các nhiệm vụ như: Biên soạn các loại hình tài liệu giới thiệu về di sản văn hóa Huế dùng cho học sinh; Xây dựng chuyên đề học tập lịch sử tại khu di sản Huế; Xây dựng các chương trình hoạt động tìm hiểu, khám phá, tương tác các loại hình di sản cho học sinh các cấp; Tổ chức các chương trình tìm hiểu di sản dành cho học sinh các cấp thông qua các trải nghiệm thực tế như tham quan, học lịch sử qua các chuyên đề; Tham gia các hoạt động tương tác tại khu di sản Huế; Tổ chức các cuộc thi học sinh tìm hiểu di sản Huế...

Từ nay đến năm 2022, các đơn vị sẽ triển khai các nội dung hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu, khám phá di sản; Xây dựng bộ tài liệu, các chuyên đề tìm hiểu về di sản văn hóa Huế. Giai đoạn kế tiếp đến năm 2025, các bên sẽ triển khai các bộ tài liệu giới thiệu về di sản văn hóa Huế và tổ chức các chuyên đề học tập tìm hiểu về di sản văn hóa Huế.

Lê Kông

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ky-vong-gi-tu-cai-bat-tay-cua-2-tan-thuyen-truong-o-hue-a457458.html