Kỳ vọng đổi mới cơ chế đối thoại thanh niên

Tại buổi tọa đàm chính sách với đại diện Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan về xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) vào ngày 10/8, tại Hà Nội, các đại biểu thanh niên cho rằng cần hoàn thiện cơ chế đối thoại thanh niên, thể hiện bằng những nội dung cụ thể trong Luật Thanh niên.

Hình ảnh tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Thu Lê

Hình ảnh tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Thu Lê

Với chủ đề “Không gian an toàn và thân thiện cho thanh niên”, Ngày Quốc tế thanh niên năm nay thúc đẩy việc xây dựng môi trường, cơ chế và tạo diễn đàn cho các nhóm thanh niên đa dạng về hoàn cảnh, giới tính, xu hướng tình dục, tình trạng sức khỏe… Từ đó thanh niên có thể tham gia đóng góp một cách toàn diện cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên cũng như các hoạt động khác.

“Đây là cơ hội hiếm có cho chúng tôi được tham gia đóng góp trực tiếp cho việc xây dựng chính sách, luật liên quan tới thanh niên. Vì trên thực tế, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng dường như vẫn mang tính một chiều nên đôi khi chưa phù hợp với nguyện vọng cũng như chưa thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo các đối tượng thanh niên. Cần phải đổi mới hơn, tạo động lực, xóa bỏ rào cản, tâm lý e dè của thanh niên khi tham gia vào các vấn đề chính trị, chính sách”, bạn Vũ Văn An, 21 tuổi, đến từ Đại học Luật TPHCM bày tỏ.

Ông Doãn Đức Hảo, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ chia sẻ: “Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức lấy ý kiến góp ý của các đối tượng thanh niên cho dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi). Thông qua các cuộc góp ý,thanh niên có điều kiện, cơ hội bày tỏ quan điểm, nguyện vọng, đề xuất của mình đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình”.

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu thanh niên cho rằng cần hoàn thiện cơ chế đối thoại thanh niên, thể hiện bằng những nội dung cụ thể trong Luật Thanh niên và các văn bản luật liên quan.

“Hiện nay, các cuộc đối thoại thanh niên cơ bản đã có cơ chế thực hiện nhưng chưa đi sâu vào các vấn đề cuộc sống và chưa có nhiều đối tượng thanh niên được tham gia vào các hoạt động này”, một đại biểu cho biết.

Theo đó, thanh niên phần đông vẫn cảm thấy xa lạ với các cuộc đối thoại này, hầu như khi nhắc đến cũng chưa ai biết phải đăng ký thế nào, nội dung thảo luận ra sao để có sự chuẩn bị nghiêm túc. Sự tham gia nhiều khi còn thụ động.

Vì vậy, các đại biểu thanh niên đề xuất cần phải sửa đổi về cách thức thông tin về các buổi đối thoại; rộng mở hơn cho các đối tượng khác nhau; đồng thời, cần có cơ chế phản hồi thực sự hiệu quả và nhanh chóng .

“Một điểm yếu của nhiều thanh niên là chưa có đủ năng lực, nguồn lực, chưa chủ động đóng góp những ý kiến có giá trị cũng như giám sát những cam kết, phản hồi của các cơ quan chức năng đã giải quyết được những vấn đề, kiến nghị nêu ra hay chưa. Nên lời khuyên cho các bạn là nên làm cùng nhau, tập hợp trong các hội, nhóm, câu lạc bộ để mỗi người đóng góp thế mạnh, năng lực của mình tạo nên sản phẩm tốt hơn, cùng nhau kiến tạo những thay đổi”, bạn Vũ Văn An nói.

Trước những ý kiến của đại biểu tại tọa đàm, ông Michael Croft, Trưởng Đại diện USESCO tại Việt Nam, Đồng trưởng Nhóm Hành động vì Vị thành niên và Thanh niên của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhận định, bản thân những người trẻ tuổi là những người biết rõ nhất họ cần gì, vì vậy việc để họ được tham gia trong quá trình xây dựng luật là một biện pháp rất thực tiễn để bảo đảm những nhu cầu của thanh niên được đáp ứng trong luật mới.

“Điều này không chỉ tăng cường sự tham gia và khả năng tiếp cận của người trẻ mà còn giúp cho Chính phủ có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn và khả thi hơn. Liên Hợp Quốc cho rằng việc xây dựng các nhóm tư vấn thanh niên và trao đổi quan điểm với các cơ quan của Chính phủ Việt Nam là một việc làm rất quan trọng. Các nhóm này sẽ là những cơ chế lâu dài để bảo đảm được sự tham gia của thanh niên trong quá trình phát triển, thực hiện, đánh giá các chương trình liên quan đến thanh niên của Việt Nam”, ông Michael nói.

Các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các đối tác để có thể duy trì, bảo đảm cơ hội và quyền cho thanh niên. “Chúng tôi hi vọng có thể giúp được quá trình xây dựng chính sách đáp ứng được những nhu cầu thực sự của thanh niên nói riêng và người dân Việt Nam nói chung”, ông Michael bày tỏ.

Thu Lê

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/ky-vong-doi-moi-co-che-doi-thoai-thanh-nien/343672.vgp