Kỳ vọng của Hàn Quốc được đáp trả bằng 'nhành oliu' hay 'gáo nước lạnh'?

Chuyến thăm Triều Tiên của đặc phái viên Hàn Quốc nhằm đáp lại lời mời thiện chí của em gái và là cố vấn thân cận của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon cùng người đứng đầu Văn phòng An ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc, ông Chung Eui-yong chiều ngày 5/3 dẫn đầu phái đoàn đặc biệt lên đường tới Triều Tiên theo yêu cầu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Chae-in. Theo kế hoạch, trong chuyến thăm 2 ngày, phái đoàn Hàn Quốc có kế hoạch thảo luận với Triều Tiên cách thức cải thiện quan hệ liên Triều và tạo ra một môi trường thích hợp để Mỹ và Triều Tiên khởi động đối thoại.

Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon (phải) cùng người đứng đầu Văn phòng An ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc, ông Chung Eui-yong (trái). Ảnh: Koreaherald.

Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon (phải) cùng người đứng đầu Văn phòng An ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc, ông Chung Eui-yong (trái). Ảnh: Koreaherald.

Thiện chí hạ nhiệt bán đảo Triều Tiên

Phát biểu với báo chí, ông Chung Eui-yong cho biết, Hàn Quốc sẽ tìm cách thuyết phục Triều Tiên nối lại đối thoại phi hạt nhân hóa với Mỹ và cộng đồng quốc tế: “Tôi sẽ chuyển tới Triều Tiên quan điểm nhất quán và chân thành của Tổng thống Moon Chae-in nhằm duy trì đối thoại và cải thiện quan hệ giữa hai miền liên Triều, vốn được thúc đẩy trong khuôn khổ Thế vận hội Mùa Đông Pyeongchang 2018, nhằm tiến tới mục đích phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, tôi có kế hoạch tổ chức các cuộc đàm phán chuyên sâu với đại diện Triều Tiên qua nhiều thương thức khác nhau để Triều Tiên xúc tiến đối thoại không chỉ với Hàn Quốc mà còn với Mỹ và cộng đồng quốc tế.”

Đây là chuyến thăm đầu tiên của đoàn đại biểu cấp cao Hàn Quốc tới Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Moon Chae-in nắm quyền từ tháng 5/2017. Ông Chung Eui-yong cho biết thêm, chuyến thăm lần này là nhằm đáp lại lời mời thiện chí của em gái và là cố vấn thân cận của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Thế vận hội Olympics Mùa Đông. Được biết, phái đoàn Hàn Quốc sẽ chuyển thư tay của Tổng thống Moon Chae-in tới lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và hai miền Nam-Bắc sẽ bàn thảo các vấn đề liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Văn phòng Tổng thống thông báo, sau chuyến thăm này, các đặc phái viên Hàn Quốc sẽ tới Mỹ để thông báo với giới chức Mỹ về kết quả cuộc đối thoại với Triều Tiên.

Ông Chung Eui-yong từng hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao từ năm 1972, có kinh nghiệm sâu rộng trong phối hợp với Mỹ về một loạt vấn đề liên quan đến ngoại giao và an ninh. Đặc biệt hơn, ông đã có nhiều cuộc tiếp xúc gần gũi với Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster nhằm đối phó với chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên.

Còn ông Suh Hoon hoạt động tại cơ quan tình báo Hàn Quốc từ năm 1980, đóng vai trò quan trọng trong hàng loạt cuộc đàm phán, dự án thông tin và hợp tác 2 miền. Ông Suh Hoon đóng vai trò quan trọng trong việc sắp xếp hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào tháng 6/2000 và tháng 10/2007, đồng thời là người Hàn Quốc cuối cùng gặp cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-il. Cả hai vị quan chức này đều tháp tùng Tổng thống Moon Jae-in trong cuộc gặp em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Yo-jong và Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động kiêm Bộ trưởng Bộ Mặt trận Thống nhất đảng Lao động Bắc Triều Tiên Kim Yong-chul tại Thế vận hội Olympic Mùa Đông vừa diễn ra.

Koh Yu-hwan, giáo sư tại Trường Đại học Dongguk (Hàn Quốc) cho biết: “Việc cử các đặc phái viên Suh Hoon và Chung Eui-yong tới Triều Tiên cho thấy quyết tâm của Tổng thống Moon Chae-in trong việc tạo ra điều kiện cần thiết để Mỹ và Hàn Quốc có thể ngồi vào bàn đàm phán. Đây cũng là quyết định sáng suốt và phù hợp bởi Suh Hoon là một chuyên gia trong xử lý quan hệ với Triều Tiên còn ông Chung Eui-yong lại phối hợp chặt chẽ với Mỹ trong việc đưa ra bất cứ phản ứng nào đối với Triều Tiên. Sự phối hợp này chắc chắn sẽ khiến chuyến thăm đạt được kết quả khả quan.”

Thách thức còn đó

Tuy nhiên, các nỗ lực trung gian hòa giải của Hàn Quốc vào thời điểm này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn. Tổng thống Moon Chae-in đã gặp phải không ít rào cản khi cố gắng hiện thực hóa hai mục tiêu quan trọng, xây dựng mối quan hệ với Triều Tiên hậu Olympic, đồng thời ngăn chặn nguy cơ rạn nứt liên minh với Mỹ.

Bất chấp sự nồng ấm trong quan hệ liên Triều, vẫn có nhiều sự khác biệt và bất đồng giữa Mỹ với Triều Tiên về các điều kiện tiên quyết để đàm phán. Mỹ muốn Triều Tiên đưa vấn đề hạt nhân lên bàn đàm phán và luôn khẳng định, bất cứ cuộc đối thoại nào cũng cần phải dẫn tới tiến trình phi hạt nhân hóa còn Triều Tiên thì lại lên tiếng bác bỏ điều kiện này.

Trả lời phỏng vấn báo chí hồi tuần trước, Đại sứ Mỹ tại Triều Tiên Marc Knapper khẳng định, Mỹ không muốn đối thoại với Triều Tiên trong trường hợp Triều Tiên cố tình “câu giờ” để đạt được những tiến triển trong chương trình hạt nhân và tên lửa như Triều Tiên từng làm trước đó”. Thậm chí ngay sau khi được thông báo về kế hoạch của Tổng thống Moon Chae-in cử đặc phái viên tới Triều Tiên, Nhà Trắng vẫn tái khẳng định quan điểm “bất cứ cuộc đối thoại nào với Triều Tiên đều phải được thực hiện với mục tiêu rõ ràng song song với tiến trình phi hạt nhân hóa “hoàn toàn, minh bạch và không thể đảo ngược.”

Trong khi đó, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 3/3 dẫn lời một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nước này nêu rõ, Bình Nhưỡng sẽ không ngồi xuống bàn đàm phán nếu Mỹ đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa để đổi lấy một cuộc đối thoại với Mỹ.

Việc Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và cô Kim Yo-yong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên, không nhìn mặt nhau tại lễ khai mạc Thế vận hội Olympic dù chỉ ngồi cách nhau vài hàng ghế là minh chứng rõ nhất cho thấy khoảng trống ngờ vực quá lớn giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Ngoài ra, một thách thức nữa đối với việc xúc tiến đối thoại là cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc sắp sửa được nối lại vào tháng 4 tới, sau kỳ Thế vận hội Paralympic. Theo giới quan sát, nếu Tổng thống Moon Chae-in không thể thuyết phục được nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục trì hoãn hoặc ít nhất giảm thiểu quy mô của cuộc tập trận thường niên này thì việc đối thoại với Triều Tiên sẽ đi vào ngõ cụt. Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) từng tuyên bố: “Trong trường hợp Mỹ tổ chức tập trận chung mà vẫn giữ nguyên các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ đáp trả và Washington sẽ phải chịu trách nhiệm cho các hậu quả”. KCNA cũng cho rằng, các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ làm phương hại tới những nỗ lực hòa giải căng thẳng.

Shin Beom-chul, giáo sư tại Học viện Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng: “Tôi nghĩ các đặc phái viên cần phải đạt được hai mục tiêu trong chuyến thăm: Họ cần phải thuyết phục Triều Tiên nhất trí tạm hoãn các vụ thử hạt nhân và tên lửa, hoặc ít nhất là đồng ý đối thoại để khám phá và hiểu biết quan điểm của phía bên kia. Nếu không có cam kết từ phía Triều Tiên thì cũng sẽ không có một lời giải thích nào đối với Mỹ.”

“Hàn Quốc, một mặt cần phải giải thích với Triều Tiên rằng nước này không bao giờ có ý định đe dọa an ninh của Triều Tiên, mặt khác cần thuyết phục Triều Tiên tiến tới đối thoại mà không có bất cứ điều kiện tiên quyết nào, để Triều Tiên hiểu rằng đàm phán sẽ chẳng bao giờ diễn ra nếu Triều Tiên cố gắng vươn tới mục đích trở thành một cường quốc hạt nhân.”

Theo ông Shin Beom-chul, rất khó cho Triều Tiên để tham gia đàm phán nếu nước này bị yêu cầu phải từ bỏ chương trình hạt nhân ngay lập tức. Tuy nhiên về lâu về dài các bên có thể đưa ra đề xuất đàm phán với những điều khoản hướng Triều Tiên đến phi hạt nhân hóa.

Cha Du-hyeogn, một nhà nghiên cứu chính trị tại Học viện Asan về nghiên cứu chính sách cho biết: “Phái đoàn Hàn Quốc phải biến chuyến thăm thành cơ hội để thuyết phục Triều Tiên thay đổi quan điểm cứng rắn về việc không đưa chương trình hạt nhân lên bàn đàm phán. Hàn Quốc phải để Triều Tiên nhận thức rõ được, mối quan hệ liên Triều sẽ không thể có tiến triển nếu không tham gia đối thoại với Mỹ, và nếu không tiến tới đàm phán thì đó sẽ là một thất bại”./.

Hồng Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/ky-vong-cua-han-quoc-duoc-dap-tra-bang-nhanh-oliu-hay-gao-nuoc-lanh-736158.vov