Kỳ vọng chính quyền đô thị mới tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 12/11, thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM (Nghị quyết), nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, việc thực hiện ngay tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và phù hợp với quy định của pháp luật, đúng chủ trương, đường lối của Đảng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình về một số vấn đề trong dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình về một số vấn đề trong dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh.

Tăng cường hoạt động giám sát

Đại biểu QH Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) kiến nghị xem lại cơ cấu đại biểu HĐND TP phải đủ lực, cần tăng thêm số lượng, chất lượng đại biểu HĐND thành phố hoạt động chuyên trách, có thể bao gồm cả một số đại biểu không giữ chức vụ hoạt động chuyên trách tại các ban của HĐND TP để có thể bao quát được hết công việc.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn An Giang) cũng đề nghị quy định cụ thể hơn giải pháp đổi mới phương thức hoạt động của HĐND, về cơ cấu tổ chức, số lượng đại biểu HĐND chuyên trách theo hướng tăng cường công tác giám sát, phát huy hiệu quả.

Đại biểu Tuyết cũng cho rằng cần xem xét Nghị quyết theo quy trình rút gọn tại Kỳ họp này để không gây chậm trễ trong triển khai tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM.

Đồng quan điểm, Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) mong muốn Quốc hội sẵn sàng “cởi trói” nguồn lực cho TP HCM để hiện thực hóa tư duy và ý chí về phát triển. Nếu đặt vấn đề thí điểm liệu có phải chúng ta đã và đang quá lãng phí cơ hội vàng để khai phóng kịp thời các nguồn lực cho quốc gia phát triển.

Đề cập đến việc TP HCM đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường (từ tháng 6/2011 đến tháng 12/2018), Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP HCM) chia sẻ, trong quá trình thực hiện thí điểm này, HĐND thành phố đã phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân. TP có nhiều giải pháp, có nhiều biện pháp, cách làm mới, sáng tạo khi không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường nhưng quyền làm chủ của nhân dân vẫn được phát huy tốt.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề xuất tăng đại biểu chuyên trách lên 19 người (thay vì 16 như dự thảo) nhằm tăng cường hoạt động giám sát để đảm bảo yêu cầu của người dân.

Không thực hiện thí điểm

Giải trình ý kiến của các đại biểu, thay mặt cho cơ quan trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay, TP HCM đã có thời gian hơn 6 năm để thực hiện mô hình thí điểm không tổ chức HĐND ở cấp huyện, quận, phường và thấy có hiệu quả. Do đó, việc ban hành nghị quyết không thí điểm mà thực hiện luôn.

Qua thảo luận, phần lớn các đại biểu đề nghị là tăng số lượng chuyên trách. Cơ quan trình cũng mong muốn Quốc hội ủng hộ phương án tăng đại biểu chuyên trách cho TP HCM.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Quốc hội thống nhất theo đề nghị của thành phố về việc không tổ chức HĐND của cấp quận, phường. Mặc dù không có HĐND nhưng trách nhiệm của chính quyền địa phương thuộc thẩm quyền của HĐND quận và phường đã được chuyển giao cho HĐND TP. Bên cạnh đó, chịu sự giám sát của Quốc hội, của Đoàn ĐBQH, của ĐBQH, HĐND TP

Thống nhất với ý kiến đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng ích của người dân. Sắp tới, bộ HĐND sẽ thực hiện tăng cường dân chủ trực tiếp. Nếu không có dân chủ đại diện thì chúng ta phải tăng cường dân chủ trực tiếp.

Phát biểu kết luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nhìn chung, các ĐBQH đều nhất trí cao việc ban hành nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM . Tán thành với tên gọi, phạm vi và nội dung của dự thảo nghị quyết như đề nghị của Chính phủ và báo cáo thẩm tra. Qua thảo luận, ý kiến của các vị ĐBQH đều tán thành là Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM.

Ở đây, có 3 căn cứ rất cơ bản. Một là, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã làm cơ sở cho việc này. Thứ hai là, TP HCM trước đây đã thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 26 của Quốc hội Khóa XII, làm 6 năm và đã đánh giá là có kết quả tốt. Thứ ba, về chủ trương của Đảng không mở rộng thí điểm mô hình, tổ chức.

Nghị quyết 18 của Trung ương cũng nói việc tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị của chúng ta. Chính vì vậy, ĐBQH tán thành rất cao về việc ban hành nghị quyết này đối với TP HCM là một loại đô thị đặc biệt.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự: Không sinh ra lực lượng mới

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, thực tế các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự đang hoạt động và tồn tại ở địa phương, chứ không phải có Luật này sẽ sinh ra lực lượng mới.

Tuy nhiên, các lực lượng được điều chỉnh trong các văn bản khác nhau nên giờ phải khái quát lại. Luật ra đời không ảnh hưởng hoạt động của các mô hình, phong trào khác, Đại tướng Tô Lâm cho rằng Luật sẽ là chỗ dựa để các lực lượng phối hợp, lồng ghép trong thực hiện nhiệm vụ.

Thục Quyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/ky-vong-chinh-quyen-do-thi-moi-tai-tp-ho-chi-minh-556018.html