Kỳ vọng Cadivi

Nhắc đến tên Cadivi nhiều nhà đầu tư tin tưởng đây sẽ là cái tên mang lại lợi nhuận ổn định. Đâu là cơ sở? Sau 7 năm cổ phần hóa, giờ đây Cadivi đã đăng ký chính thức niêm...

Nhắc đến tên Cadivi nhiều nhà đầu tư tin tưởng đây sẽ là cái tên mang lại lợi nhuận ổn định. Đâu là cơ sở?

Sau 7 năm cổ phần hóa, giờ đây Cadivi đã đăng ký chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Với nền tảng kinh doanh tốt, Cadivi hứa hẹn đem lại những lợi ích hấp dẫn cho nhà đầu tư vào cuối năm.

Chắc chắn và hiệu quả

Ngay sau cổ phần hóa, Cadivi đã sớm xác định rõ ràng mục tiêu chiến lược: chiếm lĩnh thị trường nội địa để làm bàn đạp ra thị trường quốc tế. Công ty đã mạnh dạn đầu tư công nghệ để tăng năng lực sản xuất và cạnh tranh. Cadivi có thế mạnh là chuỗi sản phẩm đa dạng đáp ứng từ nhu cầu dân dụng cho đến công nghiệp (các công trình khai thác dầu khí, thủy điện, ngầm hóa mạng điện đô thị…). Các sản phẩm của công ty đều đáp ứng 3 yếu tố cơ bản gồm: dẫn điện tốt, cách điện an toàn và tiết kiệm điện nên khi tham gia các cuộc đấu thầu, dù có giá thành cao, nhưng Cadivi đều có khả năng trúng thầu. Giành được lợi thế này còn bởi uy tín và kinh nghiệm gần 40 năm sản xuất kinh doanh trong ngành của Cadivi mà nhiều doanh nghiệp khác không dễ dàng có được. Bên cạnh đó, Cadivi còn có hệ thống phân phối khá tốt với hơn 200 đại lý trải dài khắp cả nước.

Theo ông Nguyễn Lộc, Tổng giám đốc Cadivi, hiện nay Cadivi đang là người dẫn đầu ở thị trường miền Nam với 90% thị phần; miền Trung 70%; miền Bắc là 20% và tính chung cả nước, Cadivi chiếm 30% thị phần.

Một lợi thế không nhỏ khác mà Cadivi đang sở hữu chính là sự tham gia của cổ đông lớn nhà nước là Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam đang chiếm 65,01% vốn sở hữu tại đây. Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam trực thuộc Bộ Công Thương mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại do bộ này là chủ quản. Và không có gì khó hiểu khi các hợp đồng lớn của Cadivi đang thực hiện trong năm 2013-2014 có đến 15 khách hàng thuộc EVN với tổng giá trị hợp đồng trên 600 tỷ đồng. Trong tương lai, Cadivi còn có khả năng tăng doanh thu từ các khách hàng của EVN khi Chính phủ tiếp tục thực hiện lộ trình phát triển hệ thống mạng lưới truyền tải điện 500KW giai đoạn 2015 – 2030.

Nhờ những lợi thế đó, Cadivi hoàn toàn có thể tự tin khi ngành nghề kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp là sản phẩm dây và cáp điện đang đem lại hiệu quả lớn. Theo báo cáo tài chính của công ty, tỷ suất lợi nhuận từ sản phẩm dây và cáp điện rất ổn định, chiếm trên 90% trong cơ cấu lợi nhuận. Cụ thể, lợi nhuận của năm 2012 là 374 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 97,95%); năm 2013 con số này là 416 tỷ đồng (96,83%) và 6 tháng đầu năm nay là 169 tỷ đồng (93,04%).

Hiện nay sản phẩm của Cadivi đã được xuất khẩu sang các nước gồm: Myanmar, Campuchia, Indonesia, Brunei và đặc biệt là thị trường Mỹ, vốn đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao. Cadivi còn đang hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm vào thị trường Nhật, vì nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của Nhật, sản phẩm của công ty sẽ có thị trường tiêu thụ rất lớn tại đây.

Trở ngại từ chi phí lớn

Có lợi thế từ hoạt động kinh doanh hiệu quả, song Cadivi cũng phải đối diện với nhiều thách thức. Đầu tiên, đó chính là giá vốn lớn. Năm 2012, giá vốn hàng bán chiếm 88,73% doanh thu thuần, năm 2013 là 90,36% và 6 tháng đầu năm 2014 tỷ lệ này là 93,79%. Lý do là cơ cấu chi phí nguyên vật liệu chiếm trên 90% giá thành. Ba loại nguyên liệu cơ bản gồm: đồng, hạt nhựa và nhôm để sản xuất dây cáp điện đều phải nhập khẩu mà với bất kỳ biến động nào đối với giá cả đầu vào nguyên vật liệu hay tỷ giá đều ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh của Cadivi.

Thách thức thứ hai là cơ cấu khách hàng của Cadivi vẫn dựa nhiều vào EVN. Năm 2013, doanh thu từ khách hàng EVN tăng 34,6% so với năm 2012, trong khi đó, khách hàng đại lý chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ. Thực tế, việc tăng doanh thu từ nhóm khách hàng này nhờ vào việc Cadivi được chọn cung cấp sản phẩm cáp ngầm trung thế cho lưới điện của TP.HCM và các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, Cadivi biết rõ việc quá phụ thuộc vào một khách hàng sẽ ra sao. Đã có tiền lệ là Công ty cổ phần Cáp Sài Gòn, chuyên sản xuất cáp đồng viễn thông, phụ thuộc vào doanh thu bán hàng cho Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT). Đến khi khách hàng này chuyển nhu cầu sang lĩnh vực cáp quang và truyền dẫn vô tuyến thì công ty này mất đi thị trường tiêu thụ chính và phải “bán mình” cho Cadivi.

Hái lộc cuối năm?

Cổ phần hóa vào năm 2007, nhưng vào ngày 29/10/2014 vừa qua Cadivi mới chính thức đăng ký niêm yết cổ phiếu trên HOSE. Điều này sẽ giúp Cadivi tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, tạo điều kiện cho các chủ sở hữu có thể chuyển nhượng vốn dễ dàng, tạo cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn tài chính khác nhau trong nước và quốc tế. Hiện cổ phiếu Cadivi giao dịch trên sàn OTC ở mức giá bình quân là 37.000 đồng/cổ phiếu. Ông Trần Anh Dũng, Trưởng phòng Môi giới – Công ty Chứng khoán Beta (BSI) nhận định, với nền tảng kinh doanh tốt, thị giá cổ phiếu của Cadivi trong những ngày đầu giao dịch trên HOSE có thể sẽ tăng sát giá OTC hoặc cao hơn tùy thuộc vào cung cầu và biến động chung của sàn HOSE. Nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu Cadivi đang hy vọng “lộc” sắp tới với họ.

Minh Phương

Doanh Nhân

Nguồn Doanh Nhân Online: https://doanhnhanonline.com.vn/ky-vong-cadivi/