Kỳ vĩ phù điêu ở quảng trường Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Phù điêu 'Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên' là hạng mục quan trọng trong dự án xây dựng Quảng trường Võ Nguyên Giáp tại TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên).

Bà Nguyễn Thị Mai.

Bà Nguyễn Thị Mai.

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã có cuộc trò chuyện với PV báo Đại Đoàn kết về ý nghĩa đặc biệt của bức phù điêu được coi là điểm nhấn công trình kiến trúc này.

PV: Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên là đơn vị chủ đầu tư thực hiện công trình phù điêu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên”. Với cương vị là Giám đốc của Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên, bà cho biết ý tưởng để thực hiện công trình này?

Bà Nguyễn Thị Mai: Đây là công trình kiến trúc ở vị trí trung tâm thành phố, được đặt tại Quảng trường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Xuất phát từ tình cảm của quân và dân tỉnh Thái Nguyên với Đại tướng và mong muốn hình ảnh của Đại tướng luôn sống mãi cùng với chiến khu Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn thì công trình phù điêu này được tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo xây dựng.

Sau khi quảng trường có thêm bức phù điêu này sẽ tạo cảnh quan và là điểm nhấn về kiến trúc. Đặc biệt qua đó thể hiện tình cảm, sự tri ân của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Vậy những hoạt động, hình ảnh, chi tiết nào đã được lựa chọn để khắc họa trên hai bức phù điêu?

- Bức phù điêu bên trái thể hiện quá trình lãnh đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Thái Nguyên và hình ảnh của Đại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ở bức phù điêu bên phải khắc họa về những bước phát triển của tỉnh Thái Nguyên gắn với hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để nhân dân Thái Nguyên tự hào, thực hiện mong ước của Đại tướng cũng như của Bác Hồ đó là đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh giàu đẹp nhất của Việt Bắc.

Mặt sau của hai bức phù điêu thể hiện đầy đủ những nét văn hóa đặc sắc của tỉnh Thái Nguyên.

Quảng trường Võ Nguyên Giáp.

Thưa bà vật liệu chính nào được dùng để thi công nên hai bức phù điêu?

- Vật liệu thi công trên chất liệu đá xanh được ghép từ các phiến đá chế tác từ đá nguyên khối và điêu khắc trên mặt đá. Về phần móng kết hợp với móng cọc và dầm bê tông cốt thép đảm bảo tính chịu lực và bên ngoài ốp đá. Phần thân của phù điêu được điêu khắc trên mặt đá ở hai mặt trước và sau, bên trong là khung bê tông cốt thép.

Bà có thể cho biết về tổng mức đầu tư cũng như nguồn vốn để thực hiện dự án?

- Dự án thực hiện tổng dự toán là 85 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách địa phương, thời gian thực hiện từ 2017 đến 2020. Đến thời điểm hiện tại công trình đã hoàn thành và đang tiến hành nghiệm thu để quyết toán. Phần mỹ thuật đã được nghiệm thu. So với các phù điêu khác thì đây là công trình được Hội đồng nghệ thuật gồm các nhà điêu khắc, nhà thiết kế, mỹ thuật ở Trung ương đánh giá chất lượng cao.

Một phần bức Phù điêu.

Quá trình thực hiện xây dựng bức phù điêu có những thuận lợi và gặp phải khó khăn gì?

- Chủ trương của tỉnh nhận được sự đồng thuận rất cao của cán bộ, nhân dân trong toàn tỉnh. Thuận lợi nữa là vị trí thi công ở Quảng trường Võ Nguyên Giáp không phải giải phóng mặt bằng phức tạp. Bên cạnh đó, Sở VHTTDL là chủ đầu tư thực hiện quy trình thi công đảm bảo tuân thủ theo các quy định của Nhà nước, được sự phối hợp chặt chẽ của các ngành.

Về mặt khó khăn thì đây là công trình phù điêu lớn nhất của tỉnh và cũng là công trình phù điêu đầu tiên tỉnh Thái Nguyên thực hiện với quy mô lớn. Các quy trình thủ tục đều phải tuân theo quy định xây dựng tượng đài phù điêu. Bên cạnh đó nguồn vốn bố trí còn khó khăn cho nên cũng ảnh hưởng đến việc thi công, tuy nhiên nhà thầu cũng đã rất cố gắng phối hợp với chủ đầu tư để hoàn thành công trình trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025).

Trân trọng cảm ơn bà!

Phù điêu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên” là tác phẩm đã được trao giải Nhất tại cuộc thi sáng tác mẫu phác thảo phù điêu tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, năm 2014 do UBND tỉnh tổ chức. Tác phẩm do nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Phong và các cộng sự thực hiện. Trải qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến góp ý của Hội đồng nghệ thuật, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chuyên môn, công trình phù điêu đã hoàn thành phần mỹ thuật trên chất liệu đá xanh nguyên khối. Ngày 3/9/2020, tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, TP Thái Nguyên. Hội đồng nghiệm thu phần mỹ thuật đã tiến hành nghiệm thu và kết quả được đánh giá cao.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ky-vi-phu-dieu-o-quang-truong-dai-tuong-vo-nguyen-giap-545624.html