Kỷ vật 'Việt Nam máu và hoa'

Trung tuần tháng 3-1973, Đại đội 4 (hỏa lực) thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 2, Quân khu 5 cắm chốt giữ đất ở xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), tại vị trí đối diện xã Đức Lân (huyện Mộ Đức) qua cây số 8 đường 105 (nay là đường 24, nối ngã tư Thạch Trụ với huyện Ba Tơ).

Hôm trước, Đại đội 4 nhận được thông báo của trên, trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 15-3, máy bay trực thăng của ta chở Ủy ban Liên hiệp quân sự 4 bên sẽ hạ cánh tại khu vực này để thị sát tình hình thực hiện Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Bản thông báo nhằm đề phòng Quân Giải phóng miền Nam và binh lính ngụy Sài Gòn có mặt ở vùng đất này ngộ nhận dẫn đến nổ súng bắn máy bay. Đại đội 4 quán triệt tinh thần trách nhiệm bảo đảm an toàn; bộ đội không tự ý tiếp cận sự vụ.

Binh nhất Phạm Nguyên Dân quê ở phố Minh Khai, thị xã Hải Dương (nay là TP Hải Dương), chiến sĩ liên lạc kiêm thống kê quân khí Đại đội 4, mới được cấp trên chỉ định làm Quản lý đại đội (thay đồng chí Thành hy sinh ngày 28-1-1973) thì rất háo hức, chỉ mong được tận mắt chứng kiến sự kiện đặc biệt này “để đến ngày toàn thắng, đất nước thống nhất, sẽ kể cho bố mẹ và các em của mình nghe”.

Cựu chiến binh, Đại tá Phạm Nguyên Dân (thứ nhất, từ phải sang) kể chuyện ông được nhận tờ báo Quân đội nhân dân ngày 8-3-1973 và tờ rơi in bài thơ “Việt Nam máu và hoa”.

Cựu chiến binh, Đại tá Phạm Nguyên Dân (thứ nhất, từ phải sang) kể chuyện ông được nhận tờ báo Quân đội nhân dân ngày 8-3-1973 và tờ rơi in bài thơ “Việt Nam máu và hoa”.

Hôm ấy, vào khoảng 9 giờ, Dân đang mong ngóng thì máy bay xuất hiện mỗi lúc một gần rồi hạ cánh trên bãi đất trống thuộc xã Đức Lân, cách chốt của Đại đội 4 chừng 150m đường chim bay. Thấy bà con ở các xóm lân cận đổ ra xem, đứng vòng trong vòng ngoài, Dân mặc quần đùi áo lót, đội chiếc nón lá mượn của một người dân xã Phổ Phong, chui ra khỏi căn hầm dưới rặng tre và nhập cùng toán người dân vượt qua đường 105 đến tận chỗ máy bay đậu.

Một sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, quân phục chỉnh tề vừa từ cầu thang máy bay bước xuống, đưa cho mỗi người dân một tờ báo kèm theo một tờ rơi, riêng Dân được một tờ báo và hai tờ rơi (có lẽ do bị kẹp díp). Đó là tờ báo Quân đội nhân dân in ngày 8-3-1973, còn thoảng mùi mực; tờ rơi gấp xếp gồm 6 trang, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành, in bài thơ “Việt Nam máu và hoa” (thơ xuân 1973) của nhà thơ Tố Hữu, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng. Cầm hai ấn phẩm của Quân đội ta vừa mới chuyển từ miền Bắc vào, tim Dân đập thình thịch; cảm xúc tột đỉnh vui sướng pha chút lâng lâng hãnh diện của người chiến sĩ Giải phóng quân tại thời điểm cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược để giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước vừa chuyển sang trang mới-thực hiện Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Trở về hầm, Dân ngấu nghiến đọc không sót chữ nào trong tờ báo và bài thơ, thấm thía những nội dung chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong sản xuất và chiến đấu...

Hôm sau, anh kể lại chuyện này với người bạn chiến đấu quê Hà Nội là Binh nhất Nguyễn Đình Rồng, xạ thủ B40 thuộc Đại đội 17 hỏa lực của Trung đoàn 2 và tặng bạn một tờ rơi nói trên. Rồng vô cùng thích thú.

Hòa bình, món quà Dân mang từ chiến trường ra được người thân chú ý nhất chính là tờ báo Quân đội nhân dân ngày 8-3-1973, tờ rơi in bài thơ “Việt Nam máu và hoa” cùng với câu chuyện về hai kỷ vật ấy.

Giờ đây, cựu chiến binh, Đại tá Phạm Nguyên Dân tóc đã pha sương, tuổi “cổ lai hy” đã đến nhưng kỷ niệm “Việt Nam máu và hoa” ở vùng giáp ranh năm ấy vẫn tươi rói trong ông.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/ky-vat-viet-nam-mau-va-hoa-654229