Kỷ vật... đo tình yêu!

“Tình yêu của chúng tôi giống như chiếc đồng hồ này, ghi dấu nhiều kỷ niệm đẹp, đồng thời trân quý những khoảnh khắc bên nhau” - đó là chia sẻ của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Huy Du và vợ là bà Nguyễn Thị Liên, ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội về hơn nửa thế kỷ yêu thương, cống hiến và chăm lo hạnh phúc gia đình.

Bà Liên nheo mắt để nhìn rõ hơn, tay run run lên dây cót chiếc đồng hồ đeo tay cũ. Ông Du bước vào phòng, thấy cảnh tượng quen thuộc lại “mắng”: “Việc đó để tôi làm mà bà không chịu. Ngày nào bà cũng phải hí hoáy lên dây cót”. Bé Trường Sơn (cháu nội ông bà) ngồi bên cạnh tủm tỉm cười, thì thầm: “Ông bà cháu thường ngày vẫn thế đấy ạ. Chiếc đồng hồ ấy ông tặng bà từ ngày mới cưới, đến nay đã hơn 50 năm nên cũ lắm rồi. Bà cháu giữ nó như bảo vật cô ạ!”.

CCB Nguyễn Huy Du từng là chiến sĩ quyết tử thuộc Trung đoàn Thủ Đô (Đại đoàn 308-Quân Tiên Phong). Cách đây 57 năm, dịp Tết Nguyên đán năm 1960, chiến sĩ Nguyễn Huy Du được giao nhiệm vụ phối hợp với Đoàn Thanh niên phố Hàng Thiếc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đi chúc Tết các gia đình bộ đội, thương binh, liệt sĩ tại địa phương. Hôm ấy, từ cái nhìn đầu tiên, chàng trai trẻ Nguyễn Huy Du đã bị cô gái Hà thành Nguyễn Thị Liên vui tính, dí dỏm trong Đoàn Thanh niên cuốn hút. Tuy nhiên, với bản tính rụt rè, nhút nhát, Nguyễn Huy Du chưa dám làm quen mà mới chỉ dám trao cô gái những cái liếc trộm. Nhận ra cử chỉ từ chàng trai, cô gái bỗng trở nên thẹn thùng. Thấy tình ý từ hai người trẻ, bà con lối xóm vun vào: “Chúc cô Liên năm nay cho chúng tôi ăn kẹo, hút thuốc nhé!”. Tưởng đùa vui, vậy mà cuối năm sau, mọi người được mời đến dự đám cưới của đôi bạn trẻ.

Vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Huy Du.

Thời gian thấm thoắt trôi, ông bà có với nhau hai người con trai. Lúc bấy giờ, chiến tranh chống Mỹ trên chiến trường miền Nam đang diễn ra hết sức ác liệt. Ông để lại người vợ trẻ cùng mẹ già và hai con thơ, lên đường vào miền Nam chiến đấu. Người Nam, kẻ Bắc, lửa đạn chiến tranh khiến họ phải tạm chia xa. Có thời điểm chiến sự ác liệt, suốt mấy năm liền không một dòng thư, những tin dữ báo về từ chiến trường khiến bà Liên gần như tuyệt vọng. Nhưng rồi bà vẫn cố gắng động viên chính mình: “Chỉ cần con tim còn đập thì mọi thứ sẽ vượt qua”.

Năm 1971, sau Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, ông Du trở về. Ông bà sinh thêm cậu con trai thứ ba. Một thời gian sau, ông lại tiếp tục nhận nhiệm vụ lên đường đi B. Bốn lần bà Liên tiễn chồng ra trận, nhưng không lần nào bà rơi nước mắt. Chẳng phải vì vô tâm hay không có cảm xúc mà theo bà: “Tôi phải mạnh mẽ làm hậu phương vững chắc để chồng yên tâm đánh đuổi giặc Mỹ, phải cứng rắn để làm điểm tựa cho mẹ chồng và các con thơ”. Người phụ nữ nhỏ nhắn ấy vừa tham gia phục vụ chiến đấu khi máy bay địch đánh phá, vừa lo công tác, vừa tận tụy chăm sóc mẹ chồng đau ốm và các con. Cứ cuối tuần, bà lại đạp xe gần 50km đến vùng sơ tán để tiếp tế lương thực, thuốc men cho 4 bà cháu. Vất vả là thế, nhưng những cánh thư gửi chồng không bao giờ có một tiếng thở than mà luôn đong đầy những lời quan tâm và động viên: “Anh cứ yên tâm đánh giặc, ở nhà đã có em lo”.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ông Du trở về đoàn tụ với gia đình. Lúc này, bà mới dám sà vào lòng chồng mà khóc thật thoải mái, khóc hết những giọt nước mắt nhớ thương, khóc cho niềm hạnh phúc trong ngày đại thắng.

Đến nay, đã gần 60 năm chung sống, tình cảm của ông bà vẫn vẹn nguyên như thuở nào. Vài năm trước, sức khỏe của ông diễn biến xấu, bà túc trực bên cạnh, dìu ông từng bước đi, lo cho ông từng bữa ăn, giấc ngủ. Năm ngoái, đến bà mắc bệnh đãng trí, khi nhớ khi quên. Động lực của tình yêu thương khiến ông chịu khó ăn uống, năng tập luyện, rồi sức khỏe cũng tốt lên. Ông tâm sự: “Bà ấy một đời vất vả, hy sinh vì chồng con, giờ tôi phải gắng khỏe mạnh để chăm sóc bà”. Ông vẫn đưa bà đi khám bệnh, nhắc bà giữ gìn sức khỏe, lo cho bà từng viên thuốc; chiều chiều lại cùng bà tản bộ, kể lại những chuyện bà trót quên... Con cái muốn giúp đỡ, ông lại bảo: “Cứ để bố chăm mẹ được rồi”. Chị Hoàng Bích Hường, con dâu ông bà chia sẻ: “Tôi về làm dâu đến nay đã 15 năm, chưa thấy ông bà to tiếng bao giờ, chỉ thấy đong đầy hạnh phúc”.

Hôm đến nhà, ông bà nhiệt tình mời chúng tôi ở lại dùng bữa tối. Bên mâm cơm giản dị, ông vẫn gắp thức ăn cho bà. Tôi thầm nghĩ, hạnh phúc bình dị trong gia đình nhỏ này như thể chưa từng bị thời gian làm phai nhạt, giống như chiếc đồng hồ kỷ vật trên tay bà vẫn chạy đều suốt hơn nửa thế kỷ qua…

................................

Bài và ảnh: THU SA

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/ky-vat-do-tinh-yeu-516110