Ký ức xúc động của vị Thiếu tướng từng 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'

Năm 20 tuổi, người chiến sĩ Hoàng Kiền nhập ngũ, với ông những thời kỳ gian khổ chiến đấu cùng đồng đội là điều mà cả cuộc đời này ông sẽ không thể nào quên được.

Xem video:

Ký ức không phai

Trong những ngày cả nước đang hướng đến kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã tìm đến tư gia của Thiếu tướng Hoàng Kiền (SN 1950) để lắng nghe chia sẻ của vị Thiếu tướng này về những kỷ niệm không phai trong quá trình ông tham gia, công tác trong quân ngũ.

Nhắc lại về quyết định nhập ngũ, Thiếu tướng Hoàng Kiền cho hay: “Tôi sinh ra tại xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Năm 20 tuổi, khi ấy, tôi đang là giáo viên trường cấp 2 thì theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi xung phong lên đường nhập ngũ và trở thành người lính công binh "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"”.

Thiếu tướng Hoàng Kiền nhớ lại những năm tháng chiến tranh gian khổ.

Thiếu tướng Hoàng Kiền nhớ lại những năm tháng chiến tranh gian khổ.

Nói về kỷ niệm trong quân ngũ, Thiếu tướng Hoàng Kiền cho hay đầu tiên phải nhắc đến quá trình tập luyện khi mới nhập ngũ: “Thời điểm tôi nhập ngũ, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang trong giai đoạn ác liệt nhất. Tất cả thanh niên nhập ngũ đều được huấn luyện để có thể tham gia chiến đấu trong chiến trường. Chúng tôi được huấn luyện trong thời gian 3 tháng, ban ngày là huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, ban đêm là tập hành quân bộ. Mỗi một người phải đan một cái sọt bằng tre, lấy đất đắp thành các cục đất có trọng lượng 5kg, ban đêm cứ đi bộ dọc khắp đường làng ngõ xóm, sau đó vượt núi rèn luyện, ban đầu gùi 20kg đất, sau tăng dần lên đến 35 kg.

Chúng tôi là một tiểu đoàn gồm 500 người đa số là thầy giáo dạy cấp 1, cấp 2 và có một số học sinh cuối cấp nhưng rất khí thế. Vừa đi vừa hô khẩu hiệu “rèn chân đồng vai sắt, xây ý chí kiên cường, để vượt dải Trường Sơn vào Nam tiêu diệt Mỹ”. Khí thế hừng hực”.

Sau 3 tháng kết thúc huấn luyện, Thiếu tướng Hoàng Kiền cùng các đồng đội trong tiểu đoàn được nghỉ bồi dưỡng trong vòng một tuần, sau đó ông cùng đồng đội hành quân vào chiến trường. Cả đoàn đi vào Ninh Bình rồi đi tàu hỏa vào Vinh, đi ô tô vào Quảng Bình từ Quảng Bình đi ca nô ngược vào chân Trường Sơn. Từ đây, cả tiểu đoàn bắt đầu cuộc hành quân đi bộ vượt Trường Sơn vô cùng gian nan, vất vả.

Những năm tháng vượt đường Trường Sơn là ký ức khó quên đối với người chiến sĩ Hoàng Kiền (Ảnh sưa tầm)

Thiếu tướng Hoàng Kiền bồi hồi nhớ lại: “Tôi còn nhớ, khi ấy vào cuối tháng 11 nên thời tiết vẫn còn mưa, đường rất trơn, dốc đứng vực cao nhưng vẫn phải vượt. Khi đó, mỗi người phải đeo quân tư trang của mình gồm khẩu súng AK, lựu đạn, xẻng, mỗi tiểu đội có một con dao, bao gạo khoảng 9kg.

Cứ đi khi mệt thì nghỉ giải lao, đến sáng dậy nấu cơm, ăn xong thì nắm cơm để ăn trưa, tối đến trạm giao liên nghỉ. Mỗi ngày đi vài ba chục cây số, đi cùng với tôi có đồng chí Đặng Quý Thiều cùng học một lớp sư phạm, khi hành quân được 1 tuần, đồng chí Thiều yếu không đi được nữa. Khi đó, đơn vị chúng tôi báo cáo lên cán bộ tiểu đoàn đề nghị gửi đồng chí này vào trạm giao liên rồi quay ra Bắc.

Đồng chí Thiều dứt khoát không ra, nhưng đồng chí này cứ đi tụt lại phía sau. Sau đó, tiểu đội họp lại chia toàn bộ quân tư trang cho tiểu đội, riêng tôi xung phong dắt đồng chí Thiều trong vòng ròng rã gần 2 tháng trời vượt Trường Sơn vào đến đường 9 Nam Lào thì dừng, sau đó đồng chí Thiều được điều về tiểu đoàn 16 pháo cao xạ phòng không.

Đây là kỷ niệm hết sức sâu sắc trong cuộc đời quân ngũ của tôi mà tôi không bao giờ quên được”.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sống và chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử, Thiếu tướng Hoàng Kiền khi ấy là một người lính công binh làm nhiệm vụ khảo sát, thi công, bảo vệ các tuyến đường, là lực lượng bám cầu, bám đường.

“Trường Sơn là chiến trường mà Mỹ đã dùng không quân đánh phá, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn. Nơi đây mức độ bom đạn đánh xuống ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại, đường Trường Sơn cũng là con đường chi viện sức người sức của cho cách mạng Việt Nam. Nên diễn ra cuộc chiến ngăn chặn và chống ngăn chặn. Tất cả các con đường vào chiến trường đều phải qua đường 9, nên Mỹ đã chọn khu vực Bắc Nam đường 9 làm trọng điểm đánh phá ác liệt nhất. Binh trạm 32 chúng tôi đảm nhiệm 3 trọng điểm Văng Mu, Phu Kiều, Tha Mé.

Khi Mỹ đánh phá tắc đường, phải khảo sát con đường tránh, xem bom đạn đánh làm sao, báo cáo với chỉ huy cấp trên để có hướng xử lý. Tôi đã qua trọng điểm Văng Mu nhiều lần, đây là nơi gọi là “Cánh cửa thép Trường Sơn”, bom đạn đánh phá ở đây thì đá hóa thành vôi, cả khu vực Văng Mu bị đánh trọc hết toàn bộ cây cối, chỉ trơ ra cây cụt màu đen, địch thả pháo sáng suốt đêm.

Tôi là chiến sĩ khảo sát, phối hợp cùng Đại đội 2 Công binh Anh hùng đã bám Văng Mu đảm bảo thông đường cho xe chở hàng vào tiền tuyến. Lính công binh chúng tôi có câu “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Thiếu tướng Hoàng Kiền chia sẻ về những năm tháng chiến đấu tại dải đường Trường Sơn ác liệt.

Mong thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống yêu nước

Sau khi giải phóng miền Nam năm 1975, năm 1976 Thiếu tướng Hoàng Kiền được cử đi học tại Học viện Kỹ thuật Quân sự trở thành kỹ sư công trình và được điều về công tác tại Phòng Công binh Quân chủng Hải quân. Thiếu tướng được cử ra đảo Bạch Long Vĩ làm nhiệm vụ khảo sát, thiết kế, phụ trách kỹ thuật xây dựng đường hầm và các công trình chiến đấu trên đảo. Đặc biệt, khảo sát, thiết kế và xây dựng đường hầm Đ3 đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đề ra và đáp ứng được yêu cầu phòng thủ bảo vệ biển đảo, trong điều kiện không có phương tiện máy móc đo đạc...

Mỗi dịp 22/12, Thiếu tướng Hoàng Kiền lại bồi hồi, xúc động nhớ về ký ức xưa.

Trong suốt quá trình trò chuyện với PV, khi nhắc về những kỷ niệm thời kháng chiến, ánh mắt của Thiếu tướng Hoàng Kiền bày tỏ niềm nhớ thương đến những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Thiếu tướng Hoàng Kiền bày tỏ: “Hàng năm, cứ đến dịp 22/12 kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, trong lòng tôi có rất nhiều cảm xúc dâng trào. Ôn lại những kỷ niệm một thời trong quân ngũ, nhớ lại đồng chí đồng đội đã bên mình, cùng nhau chiến đấu đặc biệt nhớ đến những người đã hy sinh. Chúng tôi may mắn được sống nên cũng dành tình cảm tri ân đồng chí, đồng đội. Đồng thời, nhận thấy trách nhiệm của mình là tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ tiếp bước noi gương cụ Hồ, hiểu hơn về truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam để góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.

Những danh hiệu cao quý

Hơn 45 năm gắn bó với quân ngũ, Thiếu tướng Hoàng Kiền vinh dự và tự hào được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý như: Chiến sĩ thi đua cơ sở 31 năm; Chiến sĩ thi đua cấp Binh chủng từ 1994 – 1999; Chiến sĩ thi đua toàn quân 1999-2003; Chiến sĩ Quyết thắng 1993, 1994, 1995; Huân chương chiến công hạng nhì năm 1994; Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng ba năm 2004; Bằng khen của Thủ tưởng Chính phủ năm 1994; Huân chương Lao động hạng nhì năm 2011; Huân chương Quân công hạng ba năm 2014; Huân chương Quân kỳ Quyết thắng; Huân chương Giải phóng hạng ba; Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì, ba; Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Hữu Nghị của Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Thanh Lam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ky-uc-xuc-dong-cua-vi-thieu-tuong-tung-xe-doc-truong-son-di-cuu-nuoc-a415535.html