Ký ức xanh về những biệt thự cổ

Không phải con nhà giàu. Cũng không phải được ở những loại biệt thự 'khủng'. Tôi lớn lên trong khá nhiều biệt thự Pháp giản dị. Loại mà ta có thể thấy nhiều ở Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Lạt...

Cả cha và mẹ tôi đều là những trí thức do Pháp đào tạo, nói giỏi tiếng Tây: cha là y tá và sau tham gia kháng chiến, trở thành Đại tá Phó tư lệnh sư đoàn 350. Mẹ là nhà giáo theo chồng đi kháng chiến. Mẹ tôi đau yếu nên được phép rời vùng tự do Thanh Hóa, đem đàn con về Thành chữa bệnh. Đêm đầu tiên tôi được ngủ yên không chạy máy bay, là trong ngôi biệt thự Pháp, nhà của người ông - chú ruột của mẹ - đang là Tỉnh trưởng Hải Phòng.

Ngôi nhà đó ở phố Cầu Đất, sau này nhiều lần tôi đi qua, không biết ai đến ở trong đó. Bức tường vôi vàng tàn tạ theo năm tháng. Nó nằm cạnh đường tàu hỏa, có barie chắn mỗi khi tàu chạy qua. Chắc khói tàu, tiếng động và đám người đông đúc dừng lại nơi barie đã góp phần làm nó cũ đi nhanh. Như lùn đi trong khói bụi.

Ảnh: Tuan Guitare

Biệt thự thứ hai tôi ở là nhà 37 Quang Trung, Hà Nội. Mẹ tôi vừa dẫn cả đàn con chạy trốn bằng thuyền lênh đênh đón ở Hòn Gai, để ra quê bà ngoại ở đảo Vân Đồn, do sợ mình đang dạy học, là công chức của Pháp thì phải vào Nam năm 1954. Phải ở lại để chờ tin bố tôi ngoài kháng chiến. Mẹ tôi ở nhờ nhà người bạn gái, cũng nhà giáo. Biệt thự này bây giờ đi qua vẫn còn nhô lên giữa những gì lúp xúp xung quanh. Nó vẫn dáng vẻ thanh cao khác biệt, dù đã về già. Dạo tôi ở, nhà chính có phòng rộng, lò sưởi, có sân vườn và dãy nhà ngang - được gọi là nhà bồi, cho lái xe, người nấu bếp ở.

Ngôi nhà mát rượi, không phòng nào đi qua phòng nào bởi hành lang rộng. Mái có cả ống khói thấp, trẻ con dễ tưởng ngôi nhà của con thỏ trong rừng ở chuyện cổ tích. Các cửa mở rộng với hàng hiên. Trẻ con có thể chơi búp bê ở các chỗ khuất bên bậc thang rộng ra vườn dưới bóng cây xanh...

Nhưng đó là 1954. Pháp rút. Có một khoảng ít giờ chờ đợi khi đoàn quân ở cửa ô chưa vào, ban đêm trộm cướp nổi lên. Người hàng phố hẹn nhau, nếu có động, tất cả mọi nhà đều gõ thật to bất cứ thứ gì có trong nhà: mâm, thau,thùng chậu... gây tiếng động đuổi cướp. Thật là kinh hoàng.

Sáng ngày 10.10.1954, mẹ cho chúng tôi mặc đẹp, ra Bờ Hồ, ra phố, đón bộ đội về. Bố tôi đâu, trong đoàn quân đó? Trùng trùng quân đi như sóng... Rồi bố tôi nhận nhiệm vụ tiếp quản Hải Phòng. Đó là lý do tôi lại sống ở biệt thự Pháp, gần ngôi biệt thự của ông tôi ngày xưa.

Nhà không rõ chủ, vì đã bỏ đi Nam. Nhà do nhà nước quản lý, mọi người đến thuê. Đó là biệt thự phố Cát Dài, có ba tầng. Có vườn cây, dãy nhà bồi phía sau. Ban đầu mới chỉ có mấy gia đình, ở rộng thênh thang, phía lầu ba còn bỏ trống nên ban nhạc Bồ Câu Trắng thường lên đó tập hát, bọn con nít xúm xít nghe. Sau này ở căn gác ba đó, nhiều người đến ở, có cả một anh quê miền Nam đem gia đình đến thuê. Đứa con trai anh nghịch ngợm kinh khủng. Nó ít khi đi xuống theo bậc cầu thang rất dốc, mà trèo lên lan can trượt xuống cái vèo. Một hôm, nó ngã từ tầng ba xuống, tưởng chết, nhưng nó... lồm cồm bò dậy, phủi đít đi thẳng. Có cả một gia đình Hoa kiều sau đến ở. Nghèo lắm, nhưng ai cho đồ thừa không lấy.

Ảnh: Đồng Hiếu

Bao chuyện vui buồn ở ngôi nhà ấy. Người ở đông, xây cất đến nỗi không còn nhận ra hình dáng cũ của nó nữa. Cây cối đã chặt sạch. Nhà vệ sinh mới khủng khiếp. Nhà xí đổ thùng. Nhớ mãi hình ảnh đêm đêm những phụ nữ bịt mặt, áo quần đen, đầu bịt kín, tay cầm ngọn đèn, gánh trên vai đôi quang đi đổ thùng, mùi xú uế kinh khủng.

* * *

Theo số liệu thống kê (vênh nhau từng thời kỳ): Hà Nội có 1.253 biệt thự Pháp cổ xây dựng trước năm 1954. Nhiều kiểu kiến trúc khác nhau: kiểu miền Bắc Normandie mái dốc vì nhiều tuyết rơi, miền Trung Pháp nhà có diềm gỗ cửa sổ, miền Nam Pháp ống khói thấp, xây dựng những năm 70 thế kỷ XIX.

Một lần tôi tới phỏng vấn cụ bà Trịnh Văn Bô (Hoàng Thị Minh Hồ). Vui chuyện, cụ kể lúc phải “nhảy dù ở đại” vào chính ngôi nhà của mình ra sao. Biệt thự này đẹp đến nỗi dạo Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, phóng viên nước ngoài đến viết bài tường thuật tang lễ, cũng phải viết thêm một bài về ngôi nhà đẹp lạ lùng bên cạnh đó, là nhà cụ Bô đang ở.

Lúc về, bước ra cổng, tôi chợt nhớ năm nào khi tôi còn là cô sinh viên, đã từng đi với nhà thơ Phạm Tiến Duật, đến ngang cổng ngôi nhà này thì báo động, đèn phố vụt tắt. Anh Duật cứ dắt xe đạp, tôi đi bộ bên cạnh. Chúng tôi không xuống hầm, cứ đi, vì anh Duật đang đọc dở cho nghe bài thơ Lửa đèn... Rồi trong những căn nhà khác, do công việc nghề nghiệp, tôi may mắn trực tiếp nghe Hồ Dzếnh, Hoàng Cầm kể đời văn chương, nghe chính nhạc sĩ Hoàng Giác hát “Tung cánh chim tìm về tổ ấm”, nghe nhạc sĩ mù Văn Vượng chơi ghi ta thần thánh...

Bây giờ Hà Nội và Sài Gòn đều vụt khác. Nhiều vẻ đẹp mới hiện đại, nhà cao tầng hoành tráng. Biệt thự thật sự là đồ cổ rồi, của hiếm và đắt. Còn đám trẻ tự tin, lại thích chung cư cao cấp sạch sẽ, an ninh, không phải hầu cái nhà nhiều.

Nhớ Hà Nội, nhớ các đô thị đã sống qua, nói cảnh vật, nhưng là người nhớ người đó thôi.

Các biệt thự, ngôi nhà Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt... bao người ở đó đã đi đâu, xa mãi xứ nào? Chỉ có những ngôi nhà, gốc cây, đường phố ghi dấu được bao chuyện đời buồn vui...

Nhưng mà chúng câm lặng không bao giờ biết kể...

Nguyễn Thị Ngọc Hải

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ky-uc-xanh-ve-nhung-biet-thu-co-12518.html