Ký ức về những hình ảnh giản dị, lối sống chan hòa của chú Sáu Khải

Hình ảnh của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khi xây dựng trường học, phát triển mô hình kinh tế nông thôn hay giản dị bên chén trà với những người bạn già… mãi mãi không phai mờ trong ký ức đầy tiếc thương của người dân Củ Chi, TP.HCM.

Ngay từ sáng sớm 18.3, từng dòng người đi trong thương nhớ đã đến thắp hương viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại khu lưu niệm gia đình. Trong dòng người đó có nhiều vị quan chức, các đoàn thể, người thân, có người gần kẻ xa và cả những người con, người em, người bạn... của ông trên vùng đất thép Củ Chi.

Trước đó, từ trưa đến gần nửa đêm 17.3, những người dân quanh vùng vẫn đều đặn đến thắp hương tưởng nhớ ông. Dù đi từng đoàn hay từng người riêng lẻ, họ đều được ân cần đón tiếp trọng thể.

Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng cũng đã đến thắp hương viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Đại tướng viết lưu bút: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Phan Văn Khải, người đảng viên kiên trung của Đảng, người lãnh đạo đất nước tài ba, đưa sự phát triển của đất nước vượt qua khó khăn thử thách trong những năm khó khăn nhất, làm rạng rỡ non sông đất nước, sánh vai cùng năm châu thế giới".

Từ sáng sớm, từng dòng người thương nhớ đã đến thắp hương viếng ông Phan Văn Khải tại khu lưu niệm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Các học trò của quê hương Củ Chi đi viếng linh cửu ông Sáu Khải. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Văn Khỏe, Trưởng Ban quản lý Đình Tân Thông (xã Tân Thông Hội, Củ Chi) cũng đến chia biệt người bạn thiết thân với ông từ thời nối khố.

Ông Nguyễn Văn Khỏe bật khóc khi nhắc lại những kỷ niệm không quên với ông Sáu Khải. Ảnh: Nguyên Vỹ

“Tôi thì thẳng thẳng bộc trực, anh Sáu Khải thì từ hòa. Mỗi người mỗi tính, nhưng thân nhau từ tấm bé đến giờ. Ông ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn từ người già đến trẻ em. Đây là mất mát lớn không chỉ với gia đình mà với cả người dân Tân Thông Hội và Củ Chi”, ông Khỏe nói trong tiếng khóc xúc động.

Đình Tân Thông ở xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi). Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo lời ông Khỏe kể, tất cả các công trình phúc lợi cho nhân dân, thấy đúng nhu cầu và có khả năng, ông Sáu đều vận động giúp địa phương, trước hết là xây dựng lại đình Tân Thông hiện nay trang nghiêm, hiện đại, tiếp là nhà thờ họ Phan để giáo dục con cháu các thế hệ tiếp sau.

Ông Khải ra đi để lại niềm tiếc thương không chỉ cho gia đình mà với cả người dân Tân Thông Hội và Củ Chi. Ảnh: Nguyên Vỹ

“Và còn nhiều dấu ấn không bao giờ quên nữa. Vì từ khi ông Sáu Khải về, bộ mặt nông thôn thay da đổi thịt, đời sống nhân dân được nâng cao. Đường giao thông là điều quan tâm trước tiên”, ông Khỏe kể.

Ông Phan Văn Khải bên trường học, công trình do ông vận động thành lập.

Ông Khải cũng là người tâm đắc nhất việc khuyến học khuyến tài khi trực tiếp vận động xây dựng trường học tiểu học cho địa phương. Ông còn vận động đầu tư quỹ khuyến học, nhận đỡ đần cho con em học khá giỏi.

“Bất cứ nhu cầu nào thấy hợp lý, chính đáng thì ông giúp đỡ tận tình không phân biệt thân quen”, bà Nguyễn Thị Nghĩa, hàng xóm sống gần nhà ông Khải góp lời.

Ông Phan Văn Khải tại Hội nghị thảo luận hoàn thiện cơ sở hạ tầng ấp Chánh xã Tân Thông Hội.

Bà Nghĩa kể, ngày còn khỏe, ông thường trực tiếp đi vận động xây dựng nông thôn mới rồi phát triển mô hình kinh tế cho nông dân xã Tân Thông Hội này.

Ông Phan Văn Khải triển khai đề án xây dựng thí điểm mô hình NTM tại ấp Chánh xã Tân Thông Hội giai đoạn 2007 – 2010.

“Ông đổ bệnh nặng từ trước Tết Nguyên đán. Từ đó, không còn thấy ông đi xe đạp trên đường. Thường ngày ông vẫn ra vào đình Tân Thông ngồi hàn huyên với những người bạn già bên bàn trà. Người lạ mới vào không thể nào nhận ra ông già có nụ cười hiền từ đó từng là Thủ tướng”, bà Nghĩa kể.

Ông Phan Văn Khải trong một lần làm việc với Chi cục phát triển nông thôn thành phố bàn cách phát triển các mô hình sản xuất, giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Lưu bút của Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam trong sổ tang. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo Thông cáo Đặc biệt được phát đi từ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tang lễ nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được tổ chức theo nghi thức Quốc tang. Linh cữu sẽ được quàn tại Dinh Thống Nhất, TP.HCM. Lễ viếng sẽ bắt đầu từ 8h ngày 20.3 đến hết ngày 21.3.2018.

Lễ truy điệu sẽ được tổ chức trọng thể lúc 7h30 ngày 22.3 tại Hội trường Thống Nhất. Lễ an táng diễn ra lúc 11h cùng ngày tại Nghĩa trang quê nhà tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.

Cùng thời gian này, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội cũng diễn ra Lễ viếng, Lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

*Trong bài có sử dụng tư liệu của Văn phòng điều phối xây dựng NTM TP.HCM

Nguyên Vỹ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/ky-uc-ve-nhung-hinh-anh-gian-di-loi-song-chan-hoa-cua-chu-sau-khai-857861.html