Ký ức về người Anh hùng trên biên cương Đông Bắc

Lực lượng BĐBP có truyền thống hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với 2 lần được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, nhiều tập thể, cá nhân thuộc lực lượng BĐBP đã được các địa phương đặt tên đường, tên trường. Báo Biên phòng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những tập thể, cá nhân có được niềm vinh dự đó.

Di ảnh Anh hùng, liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước truy tặng.

Di ảnh Anh hùng, liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước truy tặng.

Anh hùng Đỗ Chu Bỉ, sinh năm 1952, tại xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương). Năm 1970, anh nhập ngũ vào chiến trường miền Nam, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, Đỗ Chu Bỉ ra Bắc được cử đi đào tạo sĩ quan Công an vũ trang (nay là BĐBP). Ra trường, Thiếu úy Đỗ Chu Bỉ được điều động về công tác tại Công an vũ trang Quảng Ninh. Khi thành lập Đại đội 6 cơ động (C6), Công an vũ trang Quảng Ninh đóng tại huyện Bình Liêu, Thiếu úy Đỗ Chu Bỉ được điều ra làm Đại đội phó.

Ông Đỗ Chu Lương, hiện sinh sống tại thôn An Lương, xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương - anh trai của Anh hùng, liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ tâm sự: “Em tôi là người hiền hậu, đặc biệt rất yêu quý trẻ con. Mặc dù có 2 anh là tôi và người em liền kề đã đi Nam chiến đấu, chú Bỉ thuộc diện không phải đi bộ đội nhưng vẫn viết đơn xin nhập ngũ. Anh em cùng quê về kể chuyện, vào chiến trường, chú ấy chiến đấu anh dũng lắm”...

Đại tá Trần Trung Thùy, nguyên Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng BĐBP Quảng Ninh kể, tôi cùng Đỗ Chu Bỉ từ quân đội chuyển sang và được đào tạo sĩ quan. Ở trường, anh Bỉ hiền lành, học giỏi, quý mến đồng đội. Sau khóa học, cuối năm 1976 ra trường thì mỗi người một đơn vị, đến cuối năm 1978, Công an vũ trang Quảng Ninh thành lập C6 cơ động, tôi từ Đồn 205 Bắc Xa trên Đình Lập (lúc đó do chuyển huyện Đình Lập về tỉnh Lạng Sơn), được Ban Chỉ huy Công an vũ trang Quảng Ninh điều động về làm Chính trị viên.

C6 ngày đó, đồng chí Hoàng Xuân Hoàng là Đại đội trưởng, đồng chí Đỗ Chu Bỉ là Đại đội phó, đơn vị đóng tại thôn Pắc Pộc, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu với nhiệm vụ cùng với Đồn 207 Hoành Mô (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô) bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Với thành tích chiến đấu liên tục, ngoan cường, dũng cảm, Đại đội phó Đỗ Chu Bỉ cùng các chiến sĩ C6 đã lập chiến công xuất sắc. Liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ đã được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và truy thăng quân hàm Trung úy. Ngày 19-12-1979, liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Còn nhớ, ngày 1-3-1979, 1 trung đoàn địch có pháo binh yểm trợ đã vượt qua sông biên giới và chia ra làm nhiều mũi tấn công vào trận địa của C6. Đại đội phó Đỗ Chu Bỉ trực tiếp chỉ huy giữ chốt A1, vị trí án ngữ tuyến đầu, cách biên giới khoảng 300m, cách Đồn 207 Hoành Mô khoảng 400m. Đại đội phó Đỗ Chu Bỉ ra lệnh cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị: Các đồng chí hãy cứ bình tĩnh, khi nào tôi ra lệnh thì nổ súng. Khi đã bắn thì phải trúng, phải tiêu diệt địch...

Khi tiểu đoàn bộ binh của địch cấp tập tấn công lên chốt A1 đã bị hàng loạt đạn của C6 quất thẳng vào đội hình làm chúng hoảng sợ, tháo chạy. Chúng tiếp tục nã pháo vào đội hình của C6 để bộ binh tiếp tục tràn sang. Cán bộ, chiến sĩ C6 bình tĩnh quét từng loạt đạn vào đội hình địch kết hợp bắn tỉa tiêu diệt từng tên.

Địch càng lại gần, Đại đội phó Đỗ Chu Bỉ hạ lệnh khẩu đội súng đại liên và khẩu đội súng cối bắn vào đội hình của địch. Bị đánh bất ngờ, chúng chạy tán loạn, kẻ nhảy xuống mương nước, kẻ nhảy xuống suối, xuống ruộng bắn lung tung, điên loạn vào đội hình C6.

Cố chiếm vị trí chốt A1 nhưng bị thất bại, quân địch lùi lại gọi pháo binh một lần nữa bắn cấp tập suốt 1 giờ đồng hồ vào trận địa, khi pháo vừa dứt, 4 tiểu đoàn địch tiếp tục ào ạt xông lên. Trong tình huống đó, Đỗ Chu Bỉ chờ cho địch đến gần rồi mới hạ lệnh cho đơn vị đồng loạt nổ súng, bắn mãnh liệt vào đội hình của địch, hàng chục tên bị tiêu diệt, sau đó tiếp tục đánh bại hàng chục lần tiến công của địch. Lần này, chúng chiếm được giao thông hào bên phải chốt, Đỗ Chu Bỉ vẫn bình tĩnh chỉ huy phân đội dùng AK, lưỡi lê, lựu đạn, báng súng đánh giáp lá cà, giành giật từng mét chiến hào và đẩy địch ra khỏi chiến hào.

Sau nhiều lần thất bại của 2 lần tiến công, địch tăng viện 1 tiểu đoàn, chia thành 2 mũi: Mũi đánh Đồn 207 Hoành Mô, mũi đánh chốt A1. Chúng gọi thêm pháo và cầu viện thêm 1 tiểu đoàn từ bên kia biên giới sang. Đại đội phó Đỗ Chu Bỉ chỉ huy đơn vị đánh địch cả 2 hướng, diệt 20 tên. Đại đội phó Đỗ Chu Bỉ tuy bị thương vào tay, vào sườn, vẫn không rời trận địa. Cuộc chiến đấu kéo dài, ngày càng ác liệt, trời lại mưa, chiến hào lầy lội, anh tổ chức đưa thương binh, tử sĩ của đơn vị sang chốt A2, tiếp tục bảo vệ chốt A1. Với chiến thuật phòng ngự vững chắc, Đỗ Chu Bỉ đã chỉ huy đại đội chia thành các mũi phản công nhỏ, xuất kích thoát ly công sự đánh quân xâm lược từ xa làm cho chúng hết sức bất ngờ.

Địch liên tiếp phản công, Đại đội phó Đỗ Chu Bỉ vẫn bình tĩnh chỉ huy đơn vị chiến đấu. Khi địch lợi dụng chiến hào bao vây đơn vị, anh đã nhảy lên khỏi chiến hào dùng AK và lựu đạn tiêu diệt nhiều tên địch, đánh bật chúng ra khỏi chốt. Không lâu sau, anh đã trúng làn đạn của địch, hy sinh tại trận địa khi mới 28 tuổi.

Những năm sau này, phiên hiệu C6 không còn, nhưng những cựu binh Biên phòng ngày ấy luôn nhớ và nhắc đến C6 cơ động anh hùng cùng tấm gương của Anh hùng, liệt sĩ, Đại đội phó Đỗ Chu Bỉ.

Tên anh đã được UBND tỉnh Quảng Ninh đặt cho một con đường ở phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long. Đồng thời, tên anh cũng được đặt cho một tuyến đường ở thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách và Trường Trung học phổ thông Nam Sách I - nơi anh từng theo học cũng dành một không gian riêng để trưng bày những tài liệu, hiện vật, ảnh và tượng Anh hùng, liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ.

Nguyễn Xuân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ky-uc-ve-nguoi-anh-hung-tren-bien-cuong-dong-bac-post429949.html