Ký ức về Ngày chiến thắng của người chiến sĩ lái xe Trường Sơn

Sau 46 năm ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, niềm tự hào, vui sướng được có mặt vào thời khắc huy hoàng của dân tộc vẫn vẹn nguyên trong người chiến sĩ lái xe Trường Sơn Dương Quang Lựa.

Trước thềm kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, trong căn nhà nhỏ số 93, phố Đề Nắm, thị trấn Phồn Xương (Yên Thế, Bắc Giang), chúng tôi có cuộc trò chuyện thân mật với cựu chiến binh (CCB) Dương Quang Lựa, 68 tuổi, người điều khiển chiếc xe tải đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập 46 năm về trước. Niềm tự hào, vui sướng được có mặt vào thời khắc huy hoàng của dân tộc vẫn vẹn nguyên trong ánh mắt người chiến sĩ lái xe Trường Sơn. Ông nguyên là lái xe thuộc Trung đội 2, Đại đội 5, Tiểu đoàn 964, Trung đoàn 512, Sư đoàn Ô tô-Vận tải 571, Đoàn 559.

 Cựu chiến binh Dương Quang Lựa cùng chiếc xe tải đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập. Ảnh tư liệu.

Cựu chiến binh Dương Quang Lựa cùng chiếc xe tải đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập. Ảnh tư liệu.

Nhớ lại những ngày tháng Tư lịch sử, CCB Dương Quang Lựa hồ hởi nói: “Tháng 3/1975, Sư đoàn Ô tô-Vận tải 571 nhận được lệnh rút toàn bộ lực lượng từ nước bạn Lào về đóng quân tại Quảng Trị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Chiều 29/4/1975, khi đơn vị đang tập kết tại một khu rừng thuộc căn cứ Nước Trong (Chi khu quân sự Long Thành, Tổng kho Long Bình, Thành Tuy Hạ, Đồng Nai), chuẩn bị cho những trận đánh cuối cùng, tôi được chỉ huy giao thực hiện nhiệm vụ “biệt phái”, cụ thể là gì thì không được biết. Trước khi lên đường, đồng chí Đại đội trưởng Nguyễn Ngọc Xướng đưa cho tôi một mảnh giấy, bảo nhét vào túi áo. Mặc dù đang rất vội, nhưng tôi vẫn mở ra xem, thấy mấy dòng viết vội: “Họ tên: Dương Quang Lựa; quê quán: Mỹ An, Lục Ngạn, Hà Bắc; nhập ngũ 4/1970; đơn vị C5, D964, E512, F571- Đoàn 559”. Đọc xong, tôi cũng hơi sững người, lặng đi vài giây, chợt hiểu điều gì đang chờ mình ở phía trước-Tổ quốc đang cần. Tuy nhiên, không chút do dự, tôi nổ máy, đưa chiếc xe tải CE 1283 rời đơn vị theo mệnh lệnh”.

Vẫn theo lời kể của CCB Dương Quang Lựa, đến vị trí tập kết, ông được biết, đơn vị ông tham gia nhiệm vụ tiến công địch trên hướng chính, trong đó thành lập một tổ gồm 5 xe tăng (của Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2), một xe tải chở lực lượng đặc công đánh chiếm Dinh Độc Lập. Trên đường hành tiến, tổ sẽ đánh lướt, để mở đường cho các đơn vị phía sau tiêu diệt địch. Dương Quang Lựa không nghĩ rằng, sau bao mùa vận chuyển hàng hóa, đạn dược vượt đường Trường Sơn chi viện cho khắp các chiến trường, bất chấp mưa bom, bão đạn của kẻ thù, giờ đây lại được trực tiếp chiến đấu như một người lính bộ binh quả cảm, trong trận đánh cuối cùng.

Cựu chiến binh Dương Quang Lựa cùng vợ ôn lại kỷ niệm đặc biệt trong Ngày Chiến thắng 30/4. (Ảnh: Tuấn Chi).

Kể đến đây, giọng CCB Dương Quang Lựa bỗng chùng xuống khi nhắc đến những hy sinh, mất mát của đồng đội ngay trước giờ chiến thắng: “Trên đường đi, đội hình của tôi liên tục phải chiến đấu, có lúc vừa đi vừa đánh địch cả phía trước và phía sau, với các ổ đề kháng của địch bố trí nằm sâu hai bên đường. Đến sáng ngày 30/4, đội hình thọc sâu của ta tới cầu Sài Gòn thì gặp phải ổ đề kháng mạnh của địch, hỏa lực từ xe tăng, súng pháo các loại ở bên kia cầu, rồi từ tàu chiến dưới sông bắn xối xả về phía đội hình của ta. Lúc này, phần lớn cán bộ, chiến sĩ đã thấm mệt, quần áo ướt sũng mồ hôi hòa với máu, mọi người được lệnh bắn cầm cự, tiết kiệm đạn chờ chi viện. Tuy nhiên, cuộc chiếu đấu không cân sức khiến quân ta bị thương vong nhiều. Đặc biệt, tôi không thể nào quên hình ảnh đồng đội của mình cố gắng móc trong túi áo một kỷ vật đặt vào tay tôi, kèm theo lời trăn trối trước lúc hy sinh: “Mày về nói với mẹ, tao không về được nữa”. Không kìm nén nổi cảm xúc, nước mắt tôi cứ thế trào ra, vì quá xót thương cho những người đồng đội chưa kịp biết tên, tuổi, quê quán, vì nhiệm vụ mà sát cánh bên nhau chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”.

Nén đau thương, Dương Quang Lựa tiếp tục quay lại cùng đội hình chiến đấu, đúng lúc này, lực lượng chi viện cũng vừa tới nơi, mọi người nhanh chóng nạp đạn, nổ súng, chế áp quân địch, khiến chúng tháo chạy tán loạn. Đội hình thọc sâu quân ta nhanh chóng lao qua cầu, tiến vào thành phố. Đến trưa, Dinh Độc Lập đã hiện ra trước mắt, chiếc xe tăng T54 mang số hiệu 390 của Lữ đoàn Xe tăng 203 dũng mãnh lao lên húc đổ chiếc cổng chính, cùng lúc đó, chiếc xe tải do Trung sĩ Dương Quang Lựa điều khiển cùng đội hình xe tăng rầm rập tiến vào Dinh Độc lập. “Đó là những giây phút không thể nào quên. Tất cả cán bộ, chiến sĩ không phân biệt cấp trên, cấp dưới, không cần biết đến từ đơn vị nào cứ ôm nhau mà khóc, cùng vỡ òa trong niềm hân hoan, vui sướng. Sau giây phút thăng hoa, quay lại đội hình, chúng tôi thấy lòng mình thắt lại khi trên xe chỉ còn 2 người. Vậy là 38 chiến sĩ trong mũi thọc sâu đã lần lượt hy sinh dọc đường tiến vào Sài Gòn” - CCB Dương Quang Lựa giọng bùi ngùi.

Bảo tàng Hậu cần Quân đội (Tổng cục Hậu cần) hiện lưu giữ hàng nghìn tư liệu, hiện vật quý gắn liền với những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Trong đó có chiếc xe tải mang biển kiểm soát CE 1283, do Trung sĩ Dương Quang Lựa điều khiển, đã vượt qua mưa bom, bão đạn, kịp thời đưa lực lượng đặc công phối thuộc với các đơn vị đánh chiếm Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. Đây cũng chính là chiếc xe tải đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập trong ngày toàn thắng./.

Nguyễn Hồng Sáng

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/ky-uc-ve-ngay-chien-thang-cua-nguoi-chien-si-lai-xe-truong-son-579246.html