Ký ức về chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên

Mỗi dịp Tết đến xuân về lòng người lại nao nức khi nhớ về chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên nối hai miền Nam – Bắc mà ở đó có những câu chuyện xúc động về cuộc gặp gỡ hay sự ra đời của bài hát 'Tàu anh qua núi' nổi tiếng của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa… Ký ức ấy một lần nữa được tái hiện trong chương trình Quán thanh xuân 'mở hàng' năm mới 'Sân ga và những chuyến tàu'.

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái chia sẻ trong chương trình

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái chia sẻ trong chương trình

Lần thứ 2 xuất hiện trong chương trình Quán thanh xuân, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái (Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn) đã chia sẻ nhiều câu chuyện về chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên nối hai miền Nam – Bắc. Dĩ nhiên là một nhân chứng từng có mặt tại Đài Phát thanh Sài Gòn thời khắc khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng và cũng là người (cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) lên tiếng sớm nhất trên Đài Phát thanh Sài Gòn đón chào chiến thắng 30/4/1975, ông hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước. Chuyến tàu Thống Nhất là một biểu tượng cho sự hòa bình, độc lập, thống nhất ấy.

Ông kể, ngày 30/4/1975, Sài Gòn giải phóng, đất nước hòa bình nhưng phải đến ngày 31/12/1976 mới có chuyến tàu Bắc Nam Thống Nhất đầu tiên. Hơn hai mươi năm (1954-1975) đôi bờ sông Bến Hải (Quảng Trị) tạm thời chia cắt, chứng kiến bao cảnh vợ chồng, mẹ con, anh em… phân ly. Cán bộ và đồng bào miền Nam ra Bắc tập kết, những tưởng sau hai năm trở về đoàn tụ gia đình, nhưng kẽm gai, bom mìn của chính quyền Sài Gòn đã chặn lại.Cả dân tộc trường kỳ chiến đấu, giải phóng Sài Gòn, Bắc Nam thống nhất, đất nước hòa bình. Khát vọng của đồng bào miền Nam khi ấy là sớm được trở về cố hương tìm lại người thân sau chiến tranh lưu lạc.

Mấy ai biết rằng, chỉ sau 7 tháng, kể từ khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 14/11/1975, Chính phủ đã ra Mệnh lệnh đặc biệt quyết định khôi phục tuyến đường sắt Bắc Nam. Từ đây, đất nước đã phải mất hơn 1 năm làm việc nhọc nhằn gian khổ để hoàn thành mục tiêu. Tính ra đã có hơn 10 vạn lượt cán bộ, công nhân, bộ đội và nhân dân tham gia khôi phục công trình. Để rồi sau hơn 400 ngày đêm, nắng mưa, thiếu thốn… tuyến đường sắt Bắc Nam dài hơn 1.730km đã được nối liền. Cũng mấy ai biết rằng, chặng đường này đã vượt qua 20km cầu lắp đặt mới, có khoảng 660km đường ray mới, và kéo gần 1.700km dây thông tin. Người ta phải đào đắp gần 3 triệu m3 đất và khai thác 7 vạn m3 gỗ để làm đường.

NSND Thanh Hoa cùng cháu nội song ca ca khúc “Tàu anh qua núi”

Thời gian và tinh thần lao động sáng tạo của con người đã làm nên một sự kiện lịch sử: 6 giờ sáng ngày 31/12/1976, đoàn tàu Thống Nhất kéo hồi còi vang động trong không gian, chuyển bánh xuất phát hướng về phía Sài Gòn, sau hơn hai chục năm chia cắt. Cái giờ phút ấy mãi mãi đi vào lịch sử đường sắt Việt Nam. Đặc biệt, hôm ấy còn có một con tàu mang tên Thống Nhất xuất phát từ ga Sài Gòn trở ra Hà Nội. Thế là có hai con tàu cùng ra Bắc vào Nam, cùng bắt đầu hành trình nối liền Bắc - Nam đầu tiên. Đây cũng là thỏa ước nguyện của dân tộc, non sông một dải, Bắc Nam một nhà. Dọc đường, những nơi tàu đỗ, nhân dân gần đó đã chờ sẵn hân hoan chào đón, tặng hoa. Cảm động nhất là giây phút hai đoàn tàu gặp nhau trên “khúc ruột” miền Trung (TP. Đà Nẵng).

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái cũng cho biết thêm, đoàn tàu xuất phát từ Hà Nội có 6 toa, 4 toa giường nằm, 1 toa cung ứng, bảo vệ, 1 toa hành lý. Tàu chỉ chạy ban ngày, nghỉ buổi tối để đảm bảo an toàn. Nếu như bây giờ, các chuyến tàu Bắc - Nam có thể chạy trong vòng 32 giờ đồng hồ thì ngày đó là… 80 tiếng. ““Kì tích” “chỉ trong 1 năm” đã nối liền Bắc - Nam với con tàu Thống Nhất. Lúc đó không ai nghĩ, ít người tin rằng chừng ấy thời gian Việt Nam làm được điều đó - nhưng chúng ta đã làm được. Chỉ có ý chí, khát khao độc lập, nối liền Bắc Nam một nhà của nhân dân và ngành đường sắt mới giúp điều đó thành hiện thực”, ông nhấn mạnh.

Cũng trong chương trình này, khán giả còn được nghe NSND Thanh Hoa cùng người cháu nội song ca ca khúc “Tàu anh qua núi” nổi tiếng của người chồng quá cố của bà – nhạc sĩ Phan Lạc Hoa. Về sự ra đời của ca khúc, chắc hẳn khán giả đều đã được nghe bà kể trong số Quán thanh xuân trước đây. Đó là “món quà” mà nhạc sĩ tặng Trưởng tàu tên Quý khi được nghe câu chuyện cảm động của anh mỗi lần qua đèo Hải Vân đều kéo một hồi còi dài như một lời chào cô người yêu đã ngã xuống tại mảnh đất này. Viết ca khúc này, nhạc sĩ không chỉ làm người nghe xúc động về một tình yêu chân thành, thủy chung mà còn là sự vui sướng, hạnh phúc khi đất nước sạch bóng quân thù, tàu Thống Nhất đã nối liền hai dải Nam – Bắc.

Ngô Khiêm

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/ky-uc-ve-chuyen-tau-thong-nhat-dau-tien-n23118.html