Ký ức và hoa thơm, quả ngọt trên mảnh đất ba mặt sông

Đi trên con đường đê uốn lượn như dải lụa được bồi đắp qua bao tháng năm lịch sử trên vùng châu thổ sông Hồng, chúng tôi trở lại xã Hồng Phong (Vũ Thư, Thái Bình).

Về đúng dịp xã đang chuẩn bị đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp vào ngày 22-12-2019, được chứng kiến những đổi thay của quê hương, lòng chúng tôi chộn rộn bao cảm xúc. Thời gian trôi nhanh, chứng nhân không còn nhiều, chứng tích có thể mất nhưng chiến công lẫy lừng một thuở của quân và dân khu du kích Quang Thẩm-xã Hồng Phong đã ghi vào lịch sử vẫn còn lại trong ký ức bao người. Truyền thống đánh giặc giữ nước ấy mãi là điểm tựa cho sự chuyển mình mang đến hoa thơm, quả ngọt trong công cuộc dựng xây, đổi mới hôm nay…

Khu du kích Quang Thẩm-pháo đài bất diệt

Địa danh Hồng Phong ngày nay đã trải qua nhiều thay đổi qua các thời kỳ lịch sử. Dưới chế độ cũ có tên là tổng Thái Phú; sau Cách mạng Tháng Tám 1945, xã mang tên người chiến sĩ cộng sản nổi tiếng của quê hương-xã Quang Thẩm (1945-1955), sau đó là xã Vũ Hồng, Vũ Phong (1956-1975). Từ năm 1976, được sáp nhập, thành xã Hồng Phong cho đến nay.

 Chùa Chi Phong (xã Hồng Phong) - một "tiền đồn" của khu du kích Quang Thẩm thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nay được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa. Ảnh: Trần Hoàng

Chùa Chi Phong (xã Hồng Phong) - một "tiền đồn" của khu du kích Quang Thẩm thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nay được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa. Ảnh: Trần Hoàng

Xã Hồng Phong có địa thế khá đặc biệt, được gọi là vùng “trái nhện” của huyện Vũ Thư với ba mặt có sông Hồng bao bọc, bốn bến đò ngang nối sang Nam Định và là điểm cuối cùng trên tuyến huyện lộ, đã trải qua hàng trăm năm lịch sử với bao biến cố, chung sống cùng thiên tai, có thời điểm mùa lũ lớn đã xói lở và quét sạch cả làng và đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài. Đặc điểm tự nhiên, xã hội ấy, đã bồi đắp nên khí chất con người Hồng Phong cần cù, chịu khó, đoàn kết, kiên cường và giàu đức hy sinh. Những chiến công trong lịch sử của đất và người nơi đây, nhất là những năm kháng chiến chống Pháp với việc xây dựng các làng kháng chiến và khu du kích Quang Thẩm-nơi tập kết nhân lực, vật lực, điểm tựa kháng chiến cho cả khu vực hữu ngạn và tả ngạn sông Hồng.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Lưu Hữu Sung ở thôn Tiền Phong, nguyên thôn đội trưởng của làng kháng chiến Chi Phong, khu du kích Quang Thẩm trong kháng chiến chống Pháp. Năm nay đã 92 tuổi nhưng ông Sung còn khá minh mẫn khi nhớ lại những chuyện cách đây chừng 7 thập kỷ. Theo ông Sung, xã Quang Thẩm khi ấy là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh Thái Bình xây dựng các làng chiến đấu và khu du kích. “Từ 1947-1949, mặc dù Pháp chưa đánh chiếm Thái Bình nhưng xã Quang Thẩm đã phải trực tiếp đối mặt với máy bay, tàu chiến và bộ binh của địch hằng ngày tuần tiễu, càn quét, bắn phá từ trên sông Hồng và các huyện phía nam tỉnh Nam Định. Để đối phó với tình hình này, xã chủ trương xây dựng các làng chiến đấu, làng quyết tử, mỗi làng thành thôn trang chiến, cả xã thành khu du kích kiên cố, sẵn sàng đánh trả địch. Đây thực sự là pháo đài vững chắc, là điểm tựa, đường dây nối mạch máu giao thông giữa huyện Vũ Tiên (Vũ Thư ngày nay-TG) của tỉnh Thái Bình với các huyện Nam Trực, Xuân Trường, Hải Hậu của tỉnh Nam Định”, ông Sung nhớ lại.

Được sự chỉ đạo của Huyện đội Vũ Tiên do đồng chí Phạm Văn Đích làm Huyện đội trưởng, giai đoạn đó cán bộ, đảng viên và nhân dân Quang Thẩm đã đầu tư 3.000 ngày công, 35.000 khóm tre, mây (không kể những bờ tre dân có sẵn) để rào gần 2.000m dậu, đào 1.500m giao thông hào, đắp 12 ụ tác chiến, đào hàng nghìn hố cá nhân, hầm tránh đạn, 500 hầm bí mật, toàn xã còn tự làm 15.000 mũi chông tre, 300 bàn mũi chông sắt để kháng chiến và phục vụ rào làng kháng chiến.

Từ năm 1952, địch tăng cường càn quét quy mô lớn, lập tề, đồn bốt đóng chiếm ở nhiều nơi. Xã Quang Thẩm 4 phía đều có đồn bốt giặc chiếm đóng, song nhân dân Quang Thẩm vẫn kiên cường đấu tranh, quyết không đi theo tề và để bị lập tề trong vùng hành chính của xã. Khu du kích Quang Thẩm trở thành nơi đứng chân của một số đơn vị chủ lực tỉnh Thái Bình và Nam Định, tiến hành nhiều trận đánh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch.

Trong ký ức của cựu chiến binh Lưu Hữu Sung thì trận đánh mà ông nhớ nhất là trận chiến đấu trên cánh đồng Văn Lang (thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư ngày nay) của du kích xã Quang Thẩm phối hợp tác chiến với Đại đội 50 của huyện Vũ Tiên và du kích Tân Hợp, Duy Nhất. “Hôm đó là ngày 3-8-1950, khoảng 8 giờ sáng, gần 200 tên địch từ hai bốt Bồng Tiên, Cổ Việt, chia thành hai gọng kìm càn quét khu vực Tân Hợp và tiến công khu du kích Quang Thẩm. Khi chúng lọt vào trận địa bố trí của ta ở Văn Lang, quân ta đồng loạt nổ súng, bốn mặt hô xung phong lao vào đánh giáp lá cà. Địch chạy tan tác trên cánh đồng. Chỉ trong thời gian ngắn, ta tiêu diệt 80 tên, thu nhiều vũ khí, đạn dược và tài liệu quan trọng”, ông Sung kể.

Từ khu du kích Quang Thẩm, còn hình thành tuyến đường vượt sông để chuyển quân và vũ khí. Khi đó, xã đã thành lập đội thủy thủ gồm 50 người là chủ công, làm mới các thuyền mảng và tận dụng phương tiện thuyền đò của dân, có khả năng chuyển tải cả trung đoàn qua sông trong một đêm. Ông Đỗ Đình Đức, nguyên du kích của xã Quang Thẩm, nhớ như in những ngày tháng gian khổ và hào hùng ấy: “Các phương tiện ban ngày được dìm dấu nhiều nơi, đêm mới mò lên để sử dụng. Lần chuyển quân lớn nhất, tôi nhớ là vào đầu năm 1952, đúng dịp Tết Nguyên đán. Trước đó, chúng tôi đã nhận được lệnh chuẩn bị đón Đại đoàn 320 vào Thái Bình. Các gia đình được yêu cầu đào thêm hầm hố, chuẩn bị nhà ở, lương thực… sẵn sàng đón bộ đội về làng. Đêm 19-1-1952, cánh quân thứ nhất khoảng một trung đoàn đã vượt sông an toàn. Đêm hôm sau, khi tới bờ hữu ngạn sông Hồng thì bị địch phát hiện. Chúng điều binh đoàn cơ động số 4 về tăng cường đóng chốt ở khu Cổ Lễ (Nam Định). Dưới sông thì ca nô, tàu chiến hoạt động suốt đêm. Phải đến đêm thứ tư, vào đúng Ba mươi Tết, ta mới quyết định mở đường vượt sông. Chớp thời cơ khi một số ca nô, tàu chiến địch bị bắn cháy, bị thương, hàng trăm chiếc thuyền từ khu du kích Quang Thẩm đã lao qua sông làm nhiệm vụ. Với lực lượng của Đại đoàn 312 cùng du kích địa phương, ta đã liên tiếp xóa sổ nhiều đồn bốt trên địa bàn huyện Vũ Tiên, Thư Trì như các bốt nhà thờ Cổ Việt, Bồng Tiên, Cội Khê…”.

Vượt qua các đợt khủng bố, càn quét của địch, khu du kích Quang Thẩm vẫn vững vàng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, thực sự là pháo đài bất diệt, hậu phương an toàn cho hai vùng chiến địa của các huyện phía nam tỉnh Nam Định và huyện Vũ Tiên, Thư Trì của tỉnh Thái Bình. Đại tá, TS Lê Thanh Bài, Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử tổ chức quân sự, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam đã có nhiều khảo sát, nghiên cứu và đánh giá rất cao về vai trò của làng kháng chiến và các khu du kích trên địa bàn này. Quá trình tìm tư liệu khi thực hiện luận án tiến sĩ của mình: “Làng chiến đấu vùng Đồng bằng Bắc Bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp”, ông đã nhiều lần về Hồng Phong. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Đại tá, TS Lê Thanh Bài khẳng định: “Trong nghiên cứu của tôi thì làng kháng chiến và khu du kích Quang Thẩm là một điển hình khá đặc biệt. Có thể nói, nơi đây là minh chứng cho việc triển khai hiệu quả đường lối "kháng chiến, kiến quốc", huy động sức mạnh của nhân dân cho sự nghiệp kháng chiến; tạo nên hậu phương tại chỗ, căn cứ trong lòng địch để làm chỗ dựa, làm bàn đạp tiến công địch cả ở tỉnh Thái Bình và Nam Định”.

Hoa thơm, quả ngọt trên vùng đất ba mặt sông

Cùng với các chiến tích trong kháng chiến, Hồng Phong còn gặt hái nhiều thành công trong lao động sản xuất, dựng xây, đổi mới diện mạo quê hương. Đất đai Hồng Phong phù sa màu mỡ, rất phù hợp với sản xuất lúa, màu, cây thực phẩm và cây công nghiệp, đặc biệt là trồng dâu, nuôi tằm. Vào những năm 1964-1965, năng suất lúa của xã đã đạt 5 tấn/ha, đến năm 1975 là 63 tạ/ha; nhân dân trong xã đã cung cấp hàng trăm tấn kén tằm phục vụ công nghiệp quốc phòng. Với khẩu hiệu “thóc thừa cân, quân vượt mức”, nhân dân Hồng Phong vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, cùng các địa phương trong tỉnh chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Trong những năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã tích cực triển khai thực hiện. Từ 3 tiêu chí đạt được năm 2010, sau hơn 5 năm phấn đấu quyết liệt, xã đã huy động mọi nguồn lực của tập thể, kêu gọi con em Hồng Phong xa quê chung sức, chung lòng; huy động sự đóng góp của nhân dân trong xã và đề nghị cấp trên hỗ trợ với tổng số tiền 21 tỷ 501 triệu đồng, trong đó nhân dân trong xã đóng góp 9 tỷ 500 triệu đồng và gần 10.000 ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới. Tháng 4-2017 xã đã được UBND tỉnh Thái Bình xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dẫn chúng tôi đi tham quan, ông Lê Mạnh Trường, Bí thư Đảng ủy xã và ông Trịnh Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong tự hào về những đổi thay trên quê hương của nhà cách mạng Phạm Quang Thẩm. Ông Trường cho biết: “Hiện nay, 100% tuyến đường giao thông nông thôn được cứng hóa; xã có lò xử lý rác thải sinh hoạt và 9 tổ thu gom hoạt động nền nếp. Thu nhập bình quân đầu người dân trong xã cuối năm 2019 đạt 50,5 triệu đồng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.

Sau gần 45 năm đất nước thống nhất, nhất là qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, diện mạo Hồng Phong "thay da đổi thịt" từng ngày. Từ chỗ năng suất lúa đạt 63 tạ/ha của những năm 1975, đến nay đã đạt tới 100 tạ/ha/năm; các ngành nghề, dịch vụ của xã phát triển đa dạng, toàn diện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong sản xuất và đời sống dân sinh. Hạ tầng kinh tế-xã hội luôn được quan tâm đầu tư có trọng điểm, 100% hộ dân cư trong xã được dùng điện sáng và nước sạch, hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được nhựa hóa, bê tông hóa; xã và 9 thôn đều có nhà văn hóa khang trang to đẹp; 2/3 trường học trong xã đạt chuẩn quốc gia; xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; công tác dân số-KHHGĐ hằng năm thực hiện tốt, tỷ lệ sinh ở mức 1%; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 còn 1,12%.

Từ khu du kích Quang Thẩm đến xã Hồng Phong hôm nay là một chặng đường dài với bao gian khổ, hy sinh nơi quê hương anh hùng trên vùng châu thổ sông Hồng. Mảnh đất ba mặt sông, vùng “trái nhện” ấy đang chuyển mình cùng đất nước, như dòng sông Hồng lặng thầm bồi đắp phù sa cho cây trái xanh tươi, dâng cho đời hoa thơm, quả ngọt…

Tháng 12-2019

Ghi chép TRẦN HOÀNG TIẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/ky-uc-va-hoa-thom-qua-ngot-tren-manh-dat-ba-mat-song-605241