Ký ức trường chó

Suốt một năm rưỡi hành quân, học tập, ăn ngủ cùng nhau, người huấn luyện và chó thắt chặt một thứ tình cảm rất đặc biệt: như bạn bè, như cha con, như anh em đồng đội. Có những lúc nghiêm khắc với nhau nhưng cũng có khoảnh khắc giao thừa âm thầm dụi mặt vào nhau để chó liếm khô những giọt nước mắt nhớ nhà của người lính trẻ.

Từ thuở còn đi mẫu giáo, thế hệ 7X chúng tôi đã quen với hình ảnh các chú bộ đội Biên phòng dắt theo chó nghiệp vụ đi ngang cửa lớp để vào khu rừng gần đó tập luyện. Hồi ấy, từ các bậc cha mẹ đến lũ trẻ con chỉ gọi ngôi trường Trung cấp huấn luyện chó nghiệp vụ T24 (Bộ đội Biên phòng) bằng cái tên gần gũi: “Trường chó”. Mấy chục năm qua, dẫu ở lại quê nhà hay đi xa muôn nẻo, đám trẻ con ngày đó vẫn luôn nhớ đến những kỷ niệm đặc biệt mỗi khi nhắc về Trường chó.

Buổi sáng, đám trẻ con thường được bố mẹ dắt bộ từ nhà lên trường mẫu giáo, đứa nào cũng thích được “hành quân” cùng các chú bộ đội dắt chó đi tập nên chỉ cần nghe tiếng chó sủa là chạy tót ra đường đứng chờ sẵn. Chó được đeo rọ mõm bằng sắt hoặc bằng da, cổ đeo tạp dề nối liền với tay huấn luyện viên bằng một dây da dài, đi theo một hàng dọc sát vệ đường bên phải. Chó đi khá nhanh nên chúng tôi phải cố sức đuổi theo, vừa chạy vừa la hét hòa nhịp với tiếng chó sủa đầy phấn khích. Khi các chú bộ đội hết giờ tập buổi chiều cũng là lúc tan lớp mẫu giáo, đám trẻ con chạy ào ra sân “chào” lũ chó ướt sũng mồ hôi, lưỡi thè ra cả bên ngoài rọ mõm bằng đủ thứ tên tự nghĩ ra: Toto, Rex, Laika, Rigan... Có đứa lao hẳn đến gần chó, thò tay nắm tai, sờ đuôi mà không hề sợ sệt, vì dường như chó không bao giờ cáu kỉnh với trẻ con thì phải.

Khi lớn lên một chút, bắt đầu vào học cấp 1 thì chúng tôi được tự do hoàn toàn ngoài giờ đi học, thế là luôn tìm cách trốn vào khu rừng cách nhà hơn một cây số. Rừng hứa hẹn rất nhiều trò thú vị: hái sim, tìm tổ chim, đốt ong..., nhưng thích nhất là được nấp sau các gốc cây xem bộ đội dạy chó. Các động tác nằm, ngồi, bò, nhảy... được thực hiện răm rắp cả bằng động lệnh và khẩu lệnh; các tư thế chiến đấu tấn công kẻ địch hoặc lăn phải, lăn trái tránh đạn, thậm chí nằm im giả chết của các “chiến sĩ chó” khiến chúng tôi nín thở theo dõi, có lúc tim đập thình thịch vì những cảnh đánh nhau như trong phim chiến tranh. Hồi hộp nhất là tình huống chó tấn công tội phạm, một người mặc quần áo bông dày cộp, tay đeo găng bông dài đến nách, đầu đội một chiếc mũ cứng phía trước gần giống mặt nạ phòng độc bất ngờ từ trong một bụi rậm lao ra giữa bãi, ba con chó vừa được lệnh “Diệt!” lập tức lao vào phối hợp quật ngã, cắn xé, lôi xềnh xệch... rất dữ dội cho đến khi nghe lệnh “Thôi!” mới dừng lại. Những bài tập chiến đấu luôn khiến đám khán giả bí mật vừa thích vừa sợ, có đứa không chịu nổi đã khóc ré lên làm cả bọn bị lộ, đành ba chân bốn cẳng chạy thật nhanh khỏi bãi tập. Sau những buổi đi xem dạy chó, về nhà đứa nào cũng cố công dạy lại chó nhà mình nhưng hô “ngồi” thì chó nằm ệch ra, bắt “nằm” thì chó nhảy cẫng lên sủa ông ổng. Chúng tôi tự kết luận là chó vàng, chó vện, chó mực của nhà mình rất...ngu, chỉ có chó bên trường mới thông minh để tiếp thu được các bài giảng, và đứa nào cũng thắt ruột mơ ước một ngày nào đó được sở hữu một chú chó béc giê xịn.

Cán bộ, chiến sĩ Trường Trung cấp 24 Biên phòng sử dụng chó nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm các nạn nhân mất tích.

Bộ đội bình thường đã vất vả trong huấn luyện, nhưng bộ đội Trường chó còn cực nhọc gấp nhiều lần vì vừa phải học cho mình, vừa phải học để dạy cho chó. Một khóa học thường kéo dài 18 tháng, khi trường nhận một lớp tân binh cũng là lúc có một lứa chó mới tách mẹ để sẵn sàng bước vào luyện tập. Tân binh ngoài việc rèn luyện sức khỏe, tác phong quân đội còn phải học cách chăm sóc chó, từ việc cho ăn uống, đi vệ sinh đến tắm gội, chải lông, nghe ngóng “tâm tư”... không khác gì một bà mẹ trẻ lần đầu chăm con mọn. Có chàng đến ngày nghỉ phép, giao chó cho bộ phận chăn nuôi để về thăm nhà, vừa khoác ba lô ra cổng đơn vị thì chó lăn ra ốm, sốt đùng đùng nhưng không cho bác sĩ thú y tiêm thuốc, vậy là lại phải điều chính chủ quay lại dỗ dành mới chịu hợp tác, một tuần sau chó khỏi ốm thì người cũng hết phép.

Có chàng sau mấy tháng nhập ngũ đã bị bạn gái ở quê giận vì nhận được lá thư nào cũng chỉ thấy người yêu say sưa kể về chó, cứ như chó là số một trên đời nên cô cho rằng mình không bằng...con chó và quyết định “tuyệt giao” luôn.

Việc chăm sóc chó ốm đau chưa thấm tháp vào đâu so với chuyện giải quyết tình cảm yêu đương của các cô cậu đang tuổi dậy thì. Theo quy định của trường thì chó huấn luyện không được phép sinh sản để đảm bảo sức khỏe, vì thế nên các cặp chó khác giới tính thường không được phối hợp luyện tập để phòng chuyện “bất trắc”. Cẩn thận thế, nhưng có một lần giải lao sau giờ tập, một chú chó đã kiên nhẫn nhai đứt dây cương, lừa lúc huấn luyện viên ngả lưng xuống bãi cỏ nằm nghỉ lẻn đến “tự tình” với cô nàng ở đội khác. Khi huấn luyện viên vùng dậy đi tìm chó thì thấy “sự đã rồi”, hai con chó cứ hơn hớn còn hai ông chủ thì khóc không thành tiếng.

Tháng sau, bụng cô nàng chó cứ to dần không thể giấu được, hai huấn luyện viên đành lên thú nhận với thủ trưởng đơn vị và xin được chăm sóc để đến ngày “mẹ tròn con vuông” rồi nhận kỉ luật chứ đừng bắt bác sĩ thú y dùng biện pháp “kế hoạch hóa” mà tội nghiệp. Ðề nghị được chấp nhận, ít lâu sau một đàn chó con tuyệt đẹp ra đời nhưng bị tách mẹ ngay khi vừa sinh, con được nuôi bằng sữa bò còn mẹ phải tiêm thuốc kháng sinh để ngắt sữa và tiếp tục luyện tập cho đảm bảo đúng thời gian tốt nghiệp để đi làm nhiệm vụ. Về sau, trong đàn chó con kia có chú làm nên chiến công ở vùng biên giới và được ghi nhận thành tích xuất sắc.

Huấn luyện chó nghiệp vụ truy lùng tội phạm.

Suốt một năm rưỡi hành quân, học tập, ăn ngủ cùng nhau, người huấn luyện và chó thắt chặt một thứ tình cảm rất đặc biệt: như bạn bè, như cha con, như anh em đồng đội. Có những lúc nghiêm khắc với nhau nhưng cũng có khoảnh khắc giao thừa âm thầm dụi mặt vào nhau để chó liếm khô những giọt nước mắt nhớ nhà của người lính trẻ. Có những giây phút lãng mạn bên cánh rừng bát ngát hoa mua chìm dần vào hoàng hôn, người lính ngắt đôi cành hoa tím để cài lên mũ cối của mình và cổ dề của chó...

Ngày thi tốt nghiệp bao giờ cũng căng thẳng, có phần thi riêng và phần thi chung để xếp loại giỏi – khá – trung bình, không ít huấn luyện viên chỉ tốt nghiệp loại khá nhưng chó lại đạt loại giỏi, hoặc có khi chó đỗ còn người lại trượt, vậy là chó phải chờ người thi lại. Kinh khủng nhất là đến ngày tốt nghiệp, do mắc phải một căn bệnh gì đó mà bỗng dưng chú chó bị suy kiệt sức khỏe và chết, người lính trẻ ngồi bên mộ chó khóc hu hu như mất mát một người thân. Mất chó, nghĩa là người lính ấy phải ở lại trường để đào tạo từ đầu một con chó khác vừa mới cai sữa mẹ, phải ròng rã 18 tháng lặp lại những bài học, bài dạy cũ trong nỗi nhớ thương người bạn đã qua đời và sự tiếc xót công sức, thời gian, tình cảm, hi vọng...

Khi chúng tôi lớn dần lên, có những người đi xa quê để lập nghiệp nơi khác, có những người trở thành người nhà của sĩ quan, quân nhân Trường chó từ những mối duyên đẹp. Những cánh rừng tuổi thơ không còn nữa, bãi tập của bộ đội ngày ấy được chuyển đến khu huấn luyện riêng của trường, đám trẻ con bây giờ cũng được bao bọc quá cẩn trọng, không còn đứa nào dám trốn nhà đi xem cảnh chó đánh nhau với tội phạm để mà khóc thét lên. Nhiều năm trôi qua, những thế hệ tân binh từ đó nối tiếp nhau trưởng thành và đi làm nhiệm vụ ở những vùng hải đảo, biên giới xa xôi của Tổ quốc, nhưng trong tiềm thức của chúng tôi, bộ đội Trường chó lúc nào cũng tràn đầy sức trẻ. Và ngôi trường ấy vẫn nằm bên bờ Suối Hai thơ mộng, và vẫn được chúng tôi nhắc nhớ bằng cái tên mộc mạc: Trường chó.

Lê Hoàng Nhi

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/ky-uc-truong-cho-1241739.tpo