Ký ức thời chiến qua lời kể người lính từng bảo vệ Đại tướng Chu Huy Mân

Gần nửa thế kỷ trôi qua, ký ức thời chiến về những lần vượt qua mưa bom, bão đạn cùng Đại tướng Chu Huy Mân vẫn in rõ mồn một trong tâm trí cựu chiến binh Chu Văn Tam.

Chúng tôi tìm về xóm nhỏ tại xã miền núi Lạng Sơn (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) vào một ngày cuối tháng tư để gặp cựu chiến binh Chu Văn Tam, người lính đặc công từng bảo vệ trực tiếp Đại tướng Chu Huy Mân trong thời chiến.

Trong ngôi nhà nhỏ, hình ảnh người đàn ông đã bước sang cái tuổi xưa nay hiếm, đang cặm cụi chỉnh lại Quốc kỳ treo trước nhà khiến chúng tôi không thể rời mắt. Tóc đã đổ màu bạc trắng bởi cái tuổi xế chiều, tuy nhiên hành động của ông chắc chắn, dứt khoát toát lên thần thái của một người lính đặc công.

Bên ấm chè xanh, những ký ức một thời hoa lửa ùa về.Với ông,những kỷ vật hồi chiến tranh được coi là vô giá, luôn được cất giữ cẩn thận, đặc biệt là ký ức những năm tháng chiến đấu, bảo vệ Đại tướng Chu Huy Mân. Trách nhiệm nặng nề nhưng cũng thật vinh dự.

Cựu chiến binh Chu Văn Tam, người lính đặc công từng bảo vệ Đại tướng Chu Huy Mân từ năm 1965 đến 1971.

“Chúng tôi thường gọi Đại tướng Chu Huy Mân với cái tên thân mật là “anh Hai Mạnh”. Gọi anh là Mạnh vì trong con mắt của đồng đội, anh mạnh cả về quân sự lẫn chính trị, tài năng và đức độ”.

Mở tủ, tay nhẹ nhàng đỡ tập kỷ vật, dùng tào áo lau sạch mặt bàn trước khi đặt xuống, mắt ông ánh lên niềm tự hào: “Mới đó mà 45 năm trôi qua rồi. Thời trẻ tôi khỏe lắm, thanh niên sức dài vai rộng, đầu quân đi thanh niên xung phong được 10 năm thì về quê cưới vợ..." ông bồi hồi nhớ lại.

Tháng 2 năm 1961, ông Tam lên đường nhập ngũ, đơn vị đầu tiên là Đại đội 3 (Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325) đóng quân ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, được cấp trên cử đi học Trường Đặc công ở Xuân Mai (Hà Nội ngày nay). Học xong, trở về đơn vị, tháng 8 năm 1963, đơn vị được lệnh đi chiến trường B.

Hình ảnh những trận chiến như những thước phim được tái hiện qua lời kể của ông: “Là lính đặc công trinh sát nên các trận đánh lớn, nhỏ tôi luôn đi đầu. Khi Sài Gòn xảy ra cuộc đảo chính Diệm - Nhu tháng 11 năm 1963. Đơn vị tôi phải hành quân trong đêm, suốt 3 tháng trời ở trong rừng, đói rét, lấy áo mưa làm chiếu. Chí, rận nhiều vô kể, bủa vây khắp người, da lở loét, thế nhưng tinh thần chiến đấu không hề giảm sút”.

Đối với ông Tam, những kỷ vật thời chiến, những tấm hình của Đại tướng CHu Huy Mân là tài sản vô giá.

Đầu năm 1964, Bộ Quốc phòng điều các đơn vị chủ lực về giải vây Bộ Tư lệnh (BTL) Quân khu 5 ở Đà Nẵng đang bị địch kìm kẹp. Ông được biên chế về đơn vị V30, bảo vệ vòng ngoài.

“Hôm đó, BTL Quân khu 5, đi kiểm tra tình hình ăn ở các đơn vị. Khi đến V30, thủ trưởng Mân đứng dậy biểu dương tinh thần chiến đấu, khắc phục khó khăn của đơn vị. Trước lúc ra về thủ trưởng Mân giao nhiệm vụ cho chỉ huy đơn vị V30 chúng tôi tìm một đồng chí có sức khỏe tốt, gan dạ, có kinh nghiệm chiến đấu và mưu trí về làm bảo vệ cho Tư lệnh”, ông Tam nhớ lại.

Đôíi với ông Tam, được bảo về cho Đại tướng Mân là một cái dyên. Duyên vì đều là bộ đội, là đồng hương và cùng họ Chu.

Tối hôm đó, chỉ huy đơn vị gọi gấp ông lên phòng giao ban và giao nhiệm vụ chuyển ông về BTL Khu 5 công tác. Nhiệm vụ của ông là bảo vệ đồng chí Châu.

Nhận được lệnh, dù chưa biết đồng chí Châu là ai, nhưng ông vẫn nhảy lên vì vui mừng, vì đây là một vinh dự, tự hào đối với bản thân và đơn vị V30. Tuy nhiên, trách nhiệm đối với ông lúc này cũng rất nặng nề, phải làm sao để không phụ lòng tin tưởng của cấp trên.

“Đêm đó vui quá có ngủ được đâu, nằm cười một mình rồi lăn ra ngủ. Lúc đó còn chưa biết thủ trưởng Châu ở BTL khu 5 là ai? Sau này, quá trình đi công tác với thủ trưởng Châu, tôi mới biết đó chính là Chu Huy Mân. Lúc đó “anh Hai Mạnh” mới đeo quân hàm thiếu tướng thôi", ông cười kể.

Cái lý do mà ông được chọn làm bảo vệ cho “anh Hai Mạnh” ai nghe cũng cười. Lúc đó thủ trưởng Mân đứng ra và nói cần người bảo vệ, nhiều cánh tay đưa lên lắm nhưng đều bị bỏ qua. Sau đó, thủ trưởng hỏi có ai người Nghệ An không thì đồng chí chỉ huy kia bảo có, hỏi họ tên gì thì nói ra tên tôi là Chu Văn Tam.

Thế là thủ trưởng Mân cười phá lên bảo: “Hay lắm, chọn anh này, cùng quê và cùng họ với tôi”. Thế là ông được chọn.

Đại tướng Chu Huy Mân kiểm tra trận địa chiến đấu chiến trường Quân khu 5.

Đối với ông, thủ trưởng Mân là người quyết đoán. Nhưng khi có vấn đề lớn ông tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, lấy ý kiến tập thể rồi mới quyết định. Là Tư lệnh nhưng ông sống giản dị, tính tình cởi mở, dễ gần, chan hòa và rất quan tâm chiến sỹ của mình.

Cầm bức ảnh Đại tướng Chu Huy Mân, ông Tam xúc động: “Với tôi, gặp được Đại tướng Mân là một cái duyên, duyên vì đều là bộ đội, cùng quê và cùng họ Chu. Nói về Đại tướng Mân thì tôi không có gì ngoài hai từ tuyệt vời. Là tướng nhưng ông ấy ống rất chan hòa, gần gũi và thương lính như người thân. Ông ấy sống đơn giản, lính ăn ở đâu ông ấy ăn ở đó chứ không bao giờ ăn riêng, phần cơm lính thế nào thì phần của ông ấy thế vậy, không hơn không kém”.

Kỷ niệm nhớ nhất trong những ngày làm cận vệ cho “anh Hai Mạnh”, là lần Tư lệnh đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến đấu của các đơn vị ở Quảng Nam thì bị địch phát hiện. Vừa chui xuống hầm tránh đạn được vài mét thì bị pháo bắn trúng, miệng hầm bị lấp kín. Lúc đó tướng Mân gấp rút chỉ đạo đào hầm, mở đường khẩn cấp nếu chậm sẽ chết hết cả sư đoàn.

Hay trong một lần Tư lệnh đang trên đường từ Tây Nguyên về Đà Nẵng, ông đã giúp mọi người thoát hiểm khi bị địch phát hiện và rải chất độc hóa học. “Lúc đó, mọi người trong đoàn bị ngạt thở do thiếu ô xi, không ôm được súng, nhiều người sức khỏe yếu suýt xỉu. Là lính đặc công, hiểu được trách nhiệm của mình nên tôi đã bình tĩnh quan sát, sau đó phát hiện một con đường chạy xuống suối nên dẫn cả đoàn men theo dòng suối thoát hiểm và đã an toàn”.

Những tấm ảnh Đại tướng Chu Huy Mân là kỷ vật vô giá hồi chiến tranh được ông Chu Văn Tam cất giữ cẩn thận.

Năm 1972, ông được cấp trên cử đi học tại Trường sỹ quan lục quân 1 (nay là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn), năm 1975 tốt nghiệp về nhận công tác ở Quân khu tả ngạn. Đến năm 1979, do hoàn cảnh gia đình khó khăn ông xuất ngũ trở về địa phương.

Chiến tranh đi qua, nhớ tình đồng chí thời chiến, Đại tướng Chu Huy Mân đã mời ông ra Hà Nội chơi và ngỏ lời ở lại làm việc, tuy nhiên ông từ chối và về với gia đình.

Về quê nhà, con cháu đề huề, đến lúc an hưởng tuổi già cùng con cháu thì vợ ông bệnh tật qua đời. Con cái ông cũng lần lượt lập gia đình và cất nhà ra ở riêng. Hiện tại, một mình ông sống trong căn nhà nhỏ cùng với những ký ức thời chiến, về người tướng Chu Huy Mân, một mãnh tướng nặng tình.

Video: Nga sản xuất bom tấn trong thời chiến tranh lạnh

Thy Huệ

Nguồn VTC: http://vtc.vn/xa-hoi/ky-uc-thoi-chien-qua-loi-ke-nguoi-linh-tung-bao-ve-dai-tuong-chu-huy-man-d318530.html